Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết cà phê là một trong những cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh Quảng Trị, tập trung tại huyện miền núi Hướng Hóa, có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích. Mới đây, Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Quảng Trị phối hợp với Sở NN-PTNT và huyện Hướng Hóa vừa công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê chè Arabica của huyện Hướng Hóa.
Ký kết hợp đồng khung giữa doanh nghiệp và nhóm sản xuất và HTX sản xuất cà phê |
Ở huyện Hướng Hóa có gần 4.700 ha cà phê, nhưng trong số đó có đến 2.400 ha do trồng đã quá lâu nên già cỗi, sinh trưởng kém cần cải tạo, tái canh. Để nâng cao chất lượng và giữ vững thương hiệu cà phê Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị quyết định từ nay đến năm 2025, mỗi năm tái cánh 200 ha cà phê chè. Cải tạo và trồng tái canh cà phê là vấn đề cấp thiết nhất lúc này với cây cà phê ở Hướng Hóa.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hiền cũng thẳng thắn thừa nhận hiện nay ngành hàng cà phê đang đối diện với nhiều thách thức, sản xuất thiếu bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ không ổn định. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch của người dân còn hạn chế nên sản phẩm có sức cạnh tranh thấp so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Mặt khác, chuỗi giá trị của ngành hàng từ sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chưa gắn kết chặt chẽ, các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh cà phê bộc lộ nhiều hạn chế...
Trước thực trạng đó, Dự án Phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiếu số huyện Hướng Hóa thuộc Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam đã phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động để hỗ trợ khôi phục và phát triển ngành hàng cà phê. Bước đầu đã kêu gọi được các doanh nghiệp kết nối với người nông dân thu mua cà phê theo hợp đồng liên kết với giá từ 8 ngàn đến 10 ngàn đồng/kg quả tươi và hỗ trợ thành lập, xây dựng năng lực cho 19 nhóm sản xuất và 2 hợp tác xã sản xuất cà phê trên địa bàn của vùng dự án tại Hướng Hóa.
Tại diễn đàn, một số vấn đề được người trồng cà phê ở huyện Hướng Hóa quan tâm như mức độ thực thi của chính sách phát triển sản xuất, chính sách tiếp cận tín dụng, chính sách thực hiện tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và sơ chế, tình hình kết nối với doanh nghiệp về các nguyên tắc thực hiện cam kết giữa nhóm/tổ/HTX với doanh nghiệp trên các khía cạnh về giá, chất lượng sản phẩm, phương thức thanh toán, các chế độ hậu mãi, tiếp cận vốn vay, thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Người dân Hướng Hóa thu hoạch cà phê |
Liên quan đến các vấn đề này, đại diện các ngành, đơn vị, địa phương đã trực tiếp giải đáp cũng như tiếp thu và tổng hợp các kiến nghị liên quan đến các chính sách khôi phục chất lượng vườn cà phê, tiếp cận nguồn vốn tài chính, môi trường kinh doanh, hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp và người dân về cà phê vượt quá thẩm quyền giải quyết để trình cấp cao hơn giải quyết.
Tại diễn đàn cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng khung giữa doanh nghiệp và nhóm sản xuất và HTX sản xuất cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa.