| Hotline: 0983.970.780

Đối xử tử tế với cây trồng, cô gái thu những mùa dứa ngọt

Thứ Ba 12/11/2024 , 08:47 (GMT+7)

THANH HÓA Ngân và một số nông dân cùng nhau thành lập Tổ hợp tác Amango farm, quyết tâm trồng dứa theo hướng hữu cơ, cho sản phẩm đảm bảo an toàn.

Từ thất bại ban đầu đến liên kiết sản xuất

Nguyễn Thị Ngân khá nhỏ nhắn nhưng đầy cá tính. Cô gái sinh năm 1989 (phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) muốn khẳng định bản thân mình bằng việc tạo lập cơ nghiệp riêng.

Cách đây hơn 10 năm, Ngân tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khoa Marketing. Sau thời gian thử sức tại môi trường làm việc công nghiệp, cô cảm thấy không phù hợp nên quyết định nghỉ việc về quê lập nghiệp.

Ngân tâm niệm: “Đi làm cũng là đi học để trang bị kiến thức cho bản thân. Tôi muốn thử sức và tìm hướng đi mới, đúng với đam mê”. Ngân bảo, lý do cô chọn khởi nghiệp từ nghề nông khá đơn giản: “Bản thân tôi muốn trở về với nông dân và đồng ruộng để tìm câu trả lời vì sao đất đai quê hương trù phú nhưng bao nhiêu đời nay nông dân vẫn không thể làm giàu?”. 

Nguyễn Thị Ngân bỏ phố về quê, gắn bó với nông nghiệp gần chục năm nay. Ảnh: Quốc Toản.

Nguyễn Thị Ngân bỏ phố về quê, gắn bó với nông nghiệp gần chục năm nay. Ảnh: Quốc Toản.

Sau khi nghỉ việc, cô gái trẻ rong ruổi khắp các tỉnh phía Bắc để học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Trải nghiệm thức tế giúp Ngân nhận ra rằng, hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp đều áp dụng phương pháp canh tác truyền thống (lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón) làm mất cân bằng vi sinh vật trong đất và sản phẩm làm ra không an toàn cho người sử dụng. Mặt khác, nông dân luôn phải đối diện với nguy cơ “được mùa mất giá”. 

Ngân không muốn đặt mình trong hoàn cảnh giống những nông dân lam lũ nên quyết định chọn hướng sản xuất nông nghiệp bền vững. Cô gái trẻ mong muốn khôi phục lại sức khỏe đất, thay đổi thói quen của người dân về sản xuất nông nghiệp.

“Ngày nay, việc ăn uống không đơn thuần chỉ để no bụng, mà hơn hết, nhiều người đang chuyển dần sang tiêu dùng các sản phẩm xanh, sạch, an toàn. Do đó, chỉ khi làm ra sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, thân thiện với môi trường thì khách hàng mới tìm đến mình”, Ngân chia sẻ.

Quê Ngân có nhiều nông hộ trồng dứa với quy mô hàng ha, cây nào cây nấy xanh tốt, cho quả rất to, ngọt và mọng nước. Bởi vậy, cô chọn cây dứa để khởi nghiệp với mong muốn phát triển thương hiệu dứa trên chính mảnh đất mình sinh ra.

Năm 2016, Ngân vay mượn, thuê 0,5ha đất tại phường Bắc Sơn để cải tạo, xây dựng vùng trồng dứa. Trên diện tích này, Ngân trồng thử nghiệm đại trà giống dứa mới, thế nhưng sau vài tháng cô phải tiêu hủy cả ruộng.

“Giống dứa mới khá mẫn cảm với thời tiết nên dễ bị thối nõn. Vụ đó tôi không những thất thu mà còn mất trắng toàn bộ vốn liếng đầu tư”, Ngân chia sẻ.

Cây dứa của Tổ hợp tác Amango farm không sử dụng hóa chất trong canh tác nên sản phẩm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Quốc Toản.

Cây dứa của Tổ hợp tác Amango farm không sử dụng hóa chất trong canh tác nên sản phẩm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Quốc Toản.

Ngân thú thực, chưa bao giờ cô tiết lộ chuyện khởi nghiệp thất bại vì sợ bố mẹ buồn và hàng xóm láng giềng dị nghị. Thất bại đó khiến cô không còn đường lùi, bởi trước khi khởi nghiệp, Ngân đã bỏ ngoài tai lời khuyên ngăn của gia đình và bạn bè. Hơn hết, sau lần đó, Ngân càng muốn chứng minh cho người khác thấy bản thân không phải là người dễ nản chí.

Cú sốc ấy cũng khiến cô gái trẻ nhận ra nhiều điều: Làm việc "đơn thương độc mã” rất vất vả, nhiều rủi ro và sản phẩm không thể trở thành hàng hóa quy mô lớn. Bởi vậy, chỉ có liên kết sản xuất, hình thành vùng trồng quy mô lớn theo hướng hàng hóa mới cạnh tranh được với các mặt hàng cùng loại trên thị trường.

Ban đầu, việc thuyết phục người dân hợp tác sản xuất không hề dễ dàng với cô gái trẻ. “Có khi đi vận động 10 gia đình mới có 1 gia đình đồng ý, bởi không phải nông dân nào cũng hiểu được tầm quan trọng của việc sản xuất đảm bảo an toàn, bền vững. Chỉ khi tôi cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra thì họ mới ký hợp tác sản xuất”, Ngân kể. Với Ngân, việc tìm kiếm thị trường không khó bởi cô gái trẻ đã quá thành thạo việc marketing thông qua các nền tảng số.

Sau khi liên kết sản xuất với nông dân tại phường Đông Sơn, Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn), Ngân đứng vai hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, lên kế trồng trọt, làm đầu mối cung ứng phân bón, bao tiêu sản phẩm cho bà con...

Tiêu hủy nếu dứa bị sâu bệnh nặng chứ không dùng thuốc

Ngân cho rằng canh tác bền vững không đơn thuần là liên kết bền chặt giữa các nông hộ mà còn phải đảm bảo môi trường sống bền vững, an toàn cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, việc khách hàng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của Tổ hợp tác Amango farm cũng góp phần tạo nên sự bền vững trong tiêu thụ hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Khu vực sản xuất dứa theo hướng hữu cơ của Tổ hợp tác Amango farm. Ảnh: Quốc Toản.

Khu vực sản xuất dứa theo hướng hữu cơ của Tổ hợp tác Amango farm. Ảnh: Quốc Toản.

Với triết lý đó, ruộng dứa liên kết hơn 6ha của Tổ hợp tác Amango farm không không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ cỏ. Điều này đồng nghĩa với việc các nông hộ phải đối mặt với sâu bệnh tấn công và mất thời gian làm cỏ. 

“Nếu lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, đất sẽ dễ bạc màu, sản phẩm không bảo quản được lâu. Bởi vậy, sau khi kết thúc vụ thu hoạch, bà con sẽ tập trung cắt cỏ và ủ ngay tại ruộng để làm phân hữu cơ bón cho vụ tiếp theo. Bên cạnh đó, chúng tôi dùng bạt nilon phủ lên rãnh dứa để hạn chế sự sinh sôi và phát triển của cỏ. Quá trình canh tác chúng tôi sử dụng thêm phân gà ủ mục để tăng chất dinh dưỡng cho đất. Thậm chí bà con sẵn sàng tiêu hủy dứa nếu chẳng may bị sâu bệnh lây lan rộng.

Cũng theo Ngân, dứa là cây nhiều xơ, do đó thay vì đốt bỏ gốc dứa, vừa làm mất đi lượng sinh khối, ô nhiễm không khí, vừa tiêu diệt các côn trùng thì bà con chọn cách tỉa bớt lá, lấy chồi để bán. Phần lá bị loại bỏ được giữ lại để ủ làm phân bón hữu cơ giúp đất tơi xốp, giữ ẩm tốt hơn. Lớp mùn này cũng chính là nơi trú ngụ của các vi sinh vật và các loại côn trùng có lợi cho cây trồng. .

Ngân chia sẻ thêm: “Trời nắng với nhiệt độ trên 35 độ C trở nên, quả dứa sẽ bị chiếu ánh nắng trực tiếp trong nhiều giờ và có thể gây nám quả, ảnh hưởng đến chất lượng khi thu hoạch. Do đó, để bảo vệ dứa, có thể sử dụng bạt lưới công nghiệp để phủ, hoặc bó lá để tránh nắng cho quả”.

Sản phẩm dứa của Tổ hợp tác Amango farm đã được cấp mã số, mã vạch, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Quốc Toản.

Sản phẩm dứa của Tổ hợp tác Amango farm đã được cấp mã số, mã vạch, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Quốc Toản.

Tại ruộng dứa, Ngân chia thành nhiều khoảnh, mỗi khoảnh rộng cả nghìn m2 và áp dụng canh tác rải vụ nên có thể thu hoạch quanh năm. Với cách làm này, năm 2023, Tổ hợp tác Amango farm thu 70 tấn dứa, mang lại doanh thu gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, sản phẩm dứa của Tổ hợp tác đã được cấp mã số, mã vạch, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm. Hiện nay, thị trường tiêu thụ dứa của Tổ hợp tác chủ yếu là Hà Nội, Đà Nẵng và trong tỉnh. 

Để nâng cao hiệu quả sản xuất dứa, Ngân còn đầu tư cơ sở sản xuất, sơ chế, đóng gói dứa mang thương hiệu Queen Amango. “Mục tiêu của chúng tôi là đưa ra thị trường những trái dứa có chất lượng thơm ngon nhất dựa vào quy trình canh tác an toàn, được giám sát chất lượng chặt chẽ và đồng bộ. Đây cũng là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nâng cao thu nhập”, Ngân chia sẻ.

Xem thêm
Hơn 1.000 hộ dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nhờ sáng kiến 'Chăn Hênh'

SƠN LA Qua 3 năm triển khai tại huyện Mai Sơn, trên 1.000 hộ dân được tập huấn về các kỹ thuật trong chăn nuôi, hỗ trợ liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Từ vụ hổ, báo, sư tử bị chết do cúm gia cầm A/H5N1: [Bài 1] Đồng Nai vá lỗ hổng

Vụ hổ, báo, sư tử bị chết vì cúm A/H5N1 tại Khu du lịch Vườn Xoài và Vườn thú Mỹ Quỳnh buộc ngành thú y Đồng Nai phải thay đổi chiến lược ứng phó.

Giống sắn xua tan nỗi ám ảnh bệnh khảm lá

Giống sắn HN1 cho năng suất củ tươi đạt trên 34 tấn/ha, hàm lượng tinh bột tối thiểu 25%, đặc biệt giống sắn này có khả năng kháng bệnh khảm lá vượt trội.