| Hotline: 0983.970.780

Đòn đau giáng vào các nhà nhập khẩu lương thực

Chủ Nhật 11/07/2021 , 08:12 (GMT+7)

Covid-19 đang làm trầm trọng hơn chuỗi cung ứng lương thực thế giới khi chi phí vận chuyển hàng hóa tăng đột biến trong bối cảnh giá các loại ngũ cốc đang ở mức cao.

Giá cả leo thang

Chi phí vận tải biển ngũ cốc trên toàn cầu tăng cao đang làm tăng thêm những lo ngại về lạm phát lương thực. Ảnh: RT

Chi phí vận tải biển ngũ cốc trên toàn cầu tăng cao đang làm tăng thêm những lo ngại về lạm phát lương thực. Ảnh: RT

Hiện giá vận chuyển ngũ cốc từ Úc đến các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tăng lên 30 USD một tấn, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhóm mặt hàng lương thực từ Tây Bắc Thái Bình Dương đi châu Á cũng đã tăng lên 55 USD một tấn, so với mức 25 USD/tấn của năm ngoái. Cước vận chuyển bằng đường thủy chở lúa mì từ Biển Đen đến châu Á hiện cũng chạm ngưỡng 65 USD một tấn, so với khoảng 35 USD của năm ngoái.

Ghi nhận mới nhất tại khu vực châu Á, chi phí vận chuyển ngũ cốc trên toàn cầu tăng cao đang làm tăng thêm những lo ngại về lạm phát lương thực vốn đã ở mức cao hàng thập kỷ. Điều này còn ảnh hưởng trực tiếp đến những người tiêu dùng nhạy cảm ở các thị trường phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.

Theo các nguồn tin trong ngành vận tải biển, trong tuần này giá cước tàu biển vận chuyển ngũ cốc và dầu ăn từ trung tâm sản xuất ở khu vực châu Mỹ và Biển Đen tới các nước nhập khẩu lớn đều đồng loạt tăng gấp đôi so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Nguyên nhân được xác định do giá dầu mỏ tăng cùng với tình trạng khan hiếm nguồn container và đứt gãy hậu cần kho vận do các đợt biến thể coronavirus bùng phát tại nhiều quốc gia.

Phin Ziebell, chuyên gia kinh tế mảng kinh doanh nông sản tại Ngân hàng Quốc gia Úc ở Melbourne, cho biết: “Chi phí vận chuyển đã trở thành một thách thức thực sự và nó xảy ra đúng vào thời điểm chúng ta chứng kiến giá ngũ cốc tăng mạnh. Trong nhiều năm liền, người mua thường được hưởng lợi kép cả về giá ngũ cốc lẫn chi phí vận chuyển đều thấp. Tôi cho rằng chi phí vận chuyển cao sẽ không có dấu hiệu chấm dứt sớm vào thời điểm này".

Một thương nhân tại công ty môi giới hàng đầu ở Singapore cho biết: “Chi phí nhiên liệu (giá xăng dầu) tăng cộng với chi phí vận chuyển đã đẩy giá ngũ cốc tăng theo, chưa kể chúng tôi phải đối diện với các yêu cầu kiểm dịch Covid-19 khắt khe hơn cũng góp phần làm chậm quá trình vận chuyển hàng hóa".

Theo các chuyên gia, giá lương thực thế giới đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ vào tháng 5 vừa qua, đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa tăng theo đang đặt ra một thách thức mới cho các nhà nhập khẩu và các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực kìm giữ mức lạm phát trong tầm kiểm soát khi một số nền kinh tế lớn đang rậm rịch mở cửa trở lại sau các đợt giãn cách, phong tỏa vì dịch bệnh coronavirus.

Dự báo, giá của các loại cây lương thực chủ chốt như ngô và đậu tương sẽ tiếp tục tăng cao và biến động liên tục từ nay đến kết thúc niên vụ trồng trọt ở Bắc bán cầu.

Nhà nhập khẩu thiệt đơn thiệt kép

Biểu đồ hiển thị sự biến động giá lương thực khiến ngay cả giới chuyên gia cũng khó dự đoán. Đồ họa: RT

Biểu đồ hiển thị sự biến động giá lương thực khiến ngay cả giới chuyên gia cũng khó dự đoán. Đồ họa: RT

Hiện giá ngô kỳ hạn tại sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đã tăng khoảng 90% so với một năm trước do nhu cầu khắp nơi trên thế giới đều tăng mạnh cùng với mùa màng căng thẳng ở Mỹ do hạn hán. Trong khi đó, giá đậu tương cũng đã tăng tới hơn 50% và giá lúa mì tăng khoảng 30% so với một năm trước sau khi thời tiết khắc nghiệt khô hạn làm giảm sản lượng tại Brazil.

Tác động kép của giá cây trồng và giá cước vận chuyển tăng cao đang khiến các nhà nhập khẩu ở châu Á, khu vực tiêu thụ ngũ cốc hàng đầu, trong đó riêng Trung Quốc đã chiếm già nửa sản lượng xuất khẩu đậu tương của thế giới và Nhật Bản là một trong những quốc gia nhập khẩu nhiều ngô nhất thế giới.

Đối với một nước mua lúa mì điển hình là Indonesia, nhà nhập khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới, hiện chi phí cho một chuyến hàng 50.000 tấn đưa về từ Biển Đen đã tăng ít nhất 4 triệu USD so với một năm trước, chạm mức 15 triệu USD. Trong đó riêng chi phí vận chuyển đã tăng tới 1,5 triệu USD.

Theo giới phân tích thị trường lương thực thế giới, biến động giá cũng là một thách thức khác. Ví dụ giá ngô kỳ hạn đã tăng hơn 10% trong tuần cuối cùng của tháng 6 trước khi giảm 10% vào tuần sau đó do các bản tin dự báo thời tiết làm thay đổi tâm lý thị trường.

"Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến sự trồi sụt sức tiêu thụ với mức giá cao như vậy. Rất khó để định vị trong một thị trường biến động như thế này khi các nhà chế biến đang giảm lượng mua", giám đốc một công ty nhập khẩu bột mì đa quốc gia hoạt động trên khắp Đông Nam Á cho biết.  

(AFP, Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.