Báo cáo hành chính là nội dung cần thiết và quan trọng trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, bảo bảo thông tin thông suốt trong hoạt động quản lý của bộ máy hành chính nhà nước, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành của bộ máy hành chính.
Tuy nhiên, công tác báo cáo hành chính đang diễn ra tùy tiện, thiếu ổn định và thiếu tính thống nhất, làm mất rất nhiều thời gian xử lý, thực hiện của công chức; điều này cũng làm giảm tính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước.
Hiện tại, chế độ báo cáo được quy định tản mát trong rất nhiều văn bản khác nhau, cả trong văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính thông thường. Nội dung báo cáo cũng còn nhiều vướng mắc, hình thức báo cáo, thời hạn báo cáo chưa được quy định rõ ràng, cụ thể.
Hơn nữa, số lượng báo cáo hàng năm mà các cơ quan hành chính phải thực hiện rất nhiều. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện chế độ báo cáo rất hạn chế, hầu hết các báo cáo vẫn thực hiện theo phương thức thủ công (báo cáo giấy); quy trình xây dựng, gửi - nhận báo cáo hiện nay hầu hết đang thực hiện theo đường bưu điện. Vì vậy mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng báo cáo. Việc chia sẻ thông tin báo cáo giữa các bộ, ngành, địa phương cũng rất hạn chế, do sự thiếu đồng bộ, thống nhất và tương thích về số liệu trong các báo cáo.
Như vậy, từ góc độ cải cách hành chính thì việc thực hiện chế độ báo cáo hiện nay đang có sự lãng phí rất lớn về thời gian và các nguồn lực; tốn kém giấy tờ. Nếu các cơ quan hành chính có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc chia sẻ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi phương thức thực hiện chế độ báo cáo thì sẽ khắc phục được những hạn chế trên đây.
Thời điểm tháng 9/2017, Bộ NN-PTNT ban hành Danh mục chế độ báo cáo định kỳ của Bộ bao gồm 99 báo cáo trong hoạt động của cơ quan nhà nước và 42 báo cáo cá nhân, tổ chức gửi cơ quan nhà nước (tại Quyết định số 3883/QĐ-BNN-TCCB ngày 28/9/2017).
Đến tháng 6/2018, Bộ NN-PTNT hoàn thành rà soát, đơn giản hóa, ban hành phương án đơn giản hóa định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ (tại Quyết định số 2140/QĐ-BNN-TCCB ngày 06/6/2018). Phương án đơn giản hóa của đã cắt giảm 70 báo cáo, đơn giản hóa 50 báo cáo trên tổng số 141 báo cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ (đạt tỷ lệ 85%).
Đến nay, Bộ NN-PTNT đang triển khai xây dựng Thông tư quy định chế độ báo cáo thuộc phạm vi thẩm quyền trên cơ sở nội dung Phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo đã được phê duyệt.
Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục đơn giản hóa hình thức báo cáo, bổ sung hình thức báo cáo bằng phương tiện điện tử hoặc yêu cầu chỉ thực hiện báo cáo qua phần mềm thống kê, tạo thuận lợi cho các cơ quan thực hiện báo cáo; giảm tần suất, thời gian báo cáo hợp lý (có thể bỏ yêu cầu báo cáo định kỳ hàng tháng, hoặc quý, chỉ yêu cầu báo cáo định kỳ 06 tháng và hàng năm; hoặc một số báo cáo chỉ còn là báo cáo hàng năm); và đơn giản nội dung báo cáo, xem xét, cắt giảm nội dung yêu cầu báo cáo, thể hiện đúng tinh thần cải cách.
Kết quả cuối cùng của quá trình triển khai Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo tại Bộ NN-PTNT sẽ đảm bảo các báo cáo được quy định rõ ràng thật sự cần thiết, đồng bộ, thống nhất, giảm tần suất, thời gian báo cáo hợp lý; có đề cương, biểu mẫu và được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.
Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng phân hệ phần mềm báo cáo của Bộ NN-PTNT kết nối với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ; đồng thời, giảm gánh nặng hành chính trong tuân thủ chế độ báo cáo tại các cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo tiết kiệm thời gian, nhân lực thực hiện. |