"Trải thảm đỏ" đón đầu tư phát triển cây dược liệu
Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, cây sâm Lai Châu được phát hiện vào năm 2013. Trải qua 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, đến nay, tỉnh Lai Châu đã tổ chức liên kết được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, bảo tồn, hình thành được vùng sâm tại các huyện.
Theo khảo sát thị trường dược liệu trong và ngoài nước, nhu cầu đối với các sản phẩm từ sâm là rất lớn, trong đó có sâm Lai Châu. Tuy nhiên, việc nhân giống, bảo tồn, phát triển cây sâm trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nguồn lực nội tại của tỉnh chưa đủ mạnh để huy động đầu tư, mở rộng vùng trồng để đưa sản phẩm sâm Lai Châu trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Chính vì vậy, tỉnh Lai Châu sẽ kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện và cam kết đồng hành để các doanh nghiệp phát triển sâm Lai Châu, dược liệu thành công tại Lai Châu.
"Với sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân, đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, sự đồng hành, hợp tác của các nhà đầu tư, cây sâm Lai Châu sẽ trở thành ngành hàng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, là một trong những hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh", ông Hà Trọng Hải nhấn mạnh.
Hiện cây sâm Lai Châu đang được áp dụng các chính sách hỗ trợ của trung ương và tỉnh như: Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác cây dược liệu; cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp, nông thôn và hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ 1 lần 50% chi phí mua giống và 50% giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, 100% diện tích sâm Lai Châu ngoài tự nhiên được quản lý, bảo tồn; đầu tư, xây dựng và phát triển 7 cơ sở sản xuất giống sâm Lai Châu; đưa diện tích vùng trồng sâm toàn tỉnh lên 3.000ha trở lên.
Đồng thời, khuyến khích đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến sản phẩm sâm Lai Châu được áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh sâm Lai Châu được cấp mã số theo quy định.
Giai đoạn 2031 - 2045, tỉnh Lai Châu phấn đấu phát triển thêm 7.000ha vùng trồng sâm Lai Châu, đưa vùng trồng sâm Lai Châu lên 10.000ha.
Sâm Lai Châu là cây đặc hữu có phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận huyện Mường Tè (Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ) và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa các huyện Sìn Hồ (Nậm Tăm, Pu Sam Cap) và Tam Đường (Khun Há, Hồ Thầu, Bản Giang). Sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao 1.400 – 2.200m so với mặt nước biển, là cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Điều kiện này phù hợp với phần lớn các xã vùng biên giới và vùng cao của tỉnh Lai Châu, giàu tiềm năng để mở rộng sản xuất trên quy mô lớn.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sâm Lai Châu
Để thúc đẩy phát triển vùng trồng sâm Lai Châu và xây dựng nhà máy chế biến sâu đa dạng sản phẩm sâm Lai Châu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung bền vững, tạo sinh kế cho người dân, vừa qua, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ với các đơn vị, doanh nghiệp.
Việc ký kết là dấu mốc quan trọng, đánh dấu cho quan hệ hợp tác giữa tỉnh Lai Châu và các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ông Phạm Đình Huỳnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Nam Sơn cho biết, theo biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Đại Nam Sơn, Tập đoàn sẽ được tỉnh Lai Châu giới thiệu vùng trồng sâm và các loại cây dược liệu khác, trong đó có cây trà, đưa các vùng này vào quy hoạch phát triển cây dược liệu Việt Nam. Đây là bước quan trọng nhằm xây dựng thương hiệu sảm phẩm cho sâm Lai Châu nói riêng và các loại dược liệu của Việt Nam nói chung.
Tập đoàn Đại Nam Sơn cũng có trách nhiệm nghiên cứu, bảo tồn giống, phát triển các vùng nguyên liệu; thực hiện các dự án nông nghiệp, nông dược gắn kết với dự án du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương về môi trường tự nhiên, sinh thái, lợi thế về giá trị văn hóa các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội...
Ông Vũ Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Việt cho biết, Hội chợ Sâm Lai Châu (vừa được tổ chức từ ngày 11 - 13/11) là nhịp cầu kết nối chính sách khuyến khích đầu tư của trung ương, của tỉnh với các doanh nghiệp.
"Với lợi thế xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và cây dược liệu, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội lớn nhằm chủ động và đa dạng hoá các sản phẩm nòng cốt của công ty. Công ty hiện đã ký cam kết đầu tư dự án trồng mới 20ha sâm Lai Châu tại xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên) và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm Lai Châu với quy mô 2 tấn/năm. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2030.
Sâm Lai Châu có khả năng chống oxy hóa hơn cả sâm Hàn Quốc
Ông Kim Suk Bum, Giám đốc Công ty BRIDIA tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sâm Lai Châu của Việt Nam là loại sâm chứa các thành phần rất tốt. Không giống như nhân sâm Hàn Quốc, sâm Lai Châu có chứa các ginsenoside loại ocotillol như majornoside R1 (MR1), R2 (MR2) và vina-ginsenoside R2 (VR2)… chiếm hơn 50% tổng hàm lượng. Vì vậy, trong các tài liệu nghiên cứu có thông tin cho rằng sâm Việt Nam có chứa nhiều ginseroide tốt cho khả năng miễn dịch và chống oxy hóa hơn cả nhân sâm Hàn Quốc.