| Hotline: 0983.970.780

Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi trong mùa mưa bão

Thứ Sáu 24/11/2023 , 10:55 (GMT+7)

PHÚ YÊN Để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền vươn khơi khai thác thủy sản trong mùa biển động, tỉnh Phú Yên đã triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ cho ngư dân.

Ngư dân bám biển mùa biển động đều trang bị phòng hộ, theo dõi thời tiết thường xuyên để chủ động ứng phó. Ảnh: KS.

Ngư dân bám biển mùa biển động đều trang bị phòng hộ, theo dõi thời tiết thường xuyên để chủ động ứng phó. Ảnh: KS.

Trang bị phòng hộ cho tàu vươn khơi

Thời điểm này là mùa biển động, ngư dân khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn và rủi ro, nhất là khi xảy ra áp thấp nhiệt đới và bão. Thế nhưng bao đời nay, bám biển mưu sinh vốn là nghề truyền thống của ngư dân các làng chài ven biển ở Phú Yên.

Ngư dân Võ Văn Tiến, chủ tàu cá PY90595 TS, ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) cho biết, dù biết khai thác hải sản mùa biển động gặp nhiều rủi ro, song ngư dân vẫn bám biển vì đây là nghề mưu sinh. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, các tàu ngoài tự trang bị những công cụ bảo hộ cần thiết thì việc kết nối liên lạc thường xuyên với các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quân… là rất quan trọng. Bởi không chỉ để nắm bắt thông tin, diễn biến thời tiết trên biển mà khi tàu gặp sự cố, ngư dân sẽ liên lạc với các lực lượng này để ứng cứu kịp thời.

Còn ngư dân Nguyễn Khắc Vy, chủ tàu cá PY96149 TS cũng ở phường Phú Đông cho biết, tàu của ông hoạt động dài ngày trên biển, có khi hơn 1 tháng mới vào bờ. Vì vậy việc chủ động ứng phó các tình huống xấu có thể xảy ra luôn được ông chú trọng.

Hiện ngư dân Phú Yên bám biển xa bờ để khai thác cá ngừ đại dương. Ảnh: KS.

Hiện ngư dân Phú Yên bám biển xa bờ để khai thác cá ngừ đại dương. Ảnh: KS.

Theo đó, trước khi ra khơi, tàu của ông luôn trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ, cũng như đảm bảo thường xuyên kết nối liên lạc giữa tàu với lực lượng chức năng. Khi bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trên biển Đông, tàu sẽ nhanh chóng di dời đến nơi tránh trú an toàn nhằm đảm bảo an toàn về người và phương tiện.

Chủ động hỗ trợ ngư dân

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình thời tiết trên biển Đông còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó các cơ quan chức năng, nhất là ngư dân khai thác thủy sản cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo nhằm chủ động ứng phó kịp thời.

Hiện toàn tỉnh Phú Yên có 1.930 tàu cá và các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh này đều có khu neo đậu tránh trú cho tàu thuyền. Cụ thể, tại TX Đông Hòa có 2 khu vực neo đậu tránh trú gồm cảng cá Phú Lạc và vịnh Vũng Rô, đảm bảo an toàn cho khoảng 2.000 tàu thuyền neo đậu tránh trú bão.

Còn tại TP Tuy Hòa có cảng cá Đông Tác đảm bảo an toàn cho khoảng 600 tàu thuyền. Huyện Tuy An có lạch Vạn Củi và lạch Lễ Thịnh, đảm bảo an toàn cho khoảng 1.600 tàu thuyền. Tại TX Sông Cầu gồm 2 khu neo đậu tránh trú như đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài, đảm bảo an toàn cho khoảng 3.000 tàu thuyền.

Cơ quan chức năng theo dõi tàu thuyền khai thác hải sản trên biển qua thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: KS.

Cơ quan chức năng theo dõi tàu thuyền khai thác hải sản trên biển qua thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: KS.

Ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Phú Yên cho biết, đơn vị đang quản lý một số khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh. Trước mùa mưa bão, đơn vị đã tổ chức kiểm tra các luồng lạch ra vào, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho tàu thuyền vào các khu neo đậu. Cũng như phân công bố trí lực lượng tại các khu neo đậu để hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đúng vị trí để hạn chế va đập, gây thiệt hại.

Còn ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, để đảm an toàn cho các tàu hoạt động trong mùa mưa bão, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ven biển cần nắm rõ số lượng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đảm bảo thông tin liên lạc, kịp thời kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đến nơi trú tránh khi có thiên tai, mưa bão xảy ra.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng và địa phương ven biển cần xây dựng phương án neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản. Kiểm tra, rà soát, lập danh sách chủ phương tiện, số điện thoại, lực lượng lao động trên tàu cá, lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các địa phương để chủ động ứng phó khi cần thiết. Ngoài ra, trong mùa mưa bão cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, nhất là khi có lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. 

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

[Bài 3] Những bài ca 'viết trên báng súng'

'Âm nhạc về Điện Biên Phủ không chỉ là những bài ca, ca khúc. Nó đã biến thành những hợp xướng, giao hưởng, trở thành một 'binh chủng âm nhạc hùng hậu...'.