| Hotline: 0983.970.780

Đồng Tháp đảm bảo đủ nước tưới cho hơn 200.800ha vụ hè thu 2023

Chủ Nhật 19/03/2023 , 17:47 (GMT+7)

Đồng Tháp đưa ra kế hoạch đặt mục tiêu đảm bảo tích trữ đủ nguồn nước ngọt tưới cho hơn 200.800ha diện tích gieo trồng trong vụ hè thu năm 2023.

Empty

Đồng Tháp đảm bảo tích trữ đủ nguồn nước ngọt tưới cho hơn 200.800ha trong vụ hè thu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch phòng, chống hạn bảo vệ sản xuất năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đặt mục tiêu đảm bảo tích trữ đủ nguồn nước ngọt tưới cho hơn 200.800ha diện tích gieo trồng vụ hè thu năm 2023 (lúa 186.900ha; hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày 13.902ha), 46.780ha cây lâu năm, 6.810ha nuôi trồng thủy sản và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân trong thời gian xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Giải pháp được đề ra nhằm đảm bảo đáp ứng đủ lượng nước tưới trong vụ hè thu, trong đó gồm có biện pháp công trình và biện pháp phi công trình. Về biện pháp công trình, đối với các công trình tỉnh quản lý, sẽ sử dụng nguồn vốn hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi đầu tư năm 2023. Chủ đầu tư khẩn trương thi công nạo vét các công trình đã ghi danh mục và bố trí vốn nhằm cung cấp nước kịp thời cho hệ thống kênh, rạch nội đồng, đảm bảo tích trữ đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng, nhất là các vùng quy hoạch cây trồng trọng điểm và vùng gặp khó khăn về nguồn nước.

Đối với các công trình huyện, thành phố quản lý, UBND tỉnh đã phân kinh phí cho các huyện, thành phố, UBND cấp huyện chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư và khẩn trương nạo vét các kênh, rạch cạn kiệt ở các khu vực có khả năng thiếu nước bơm tưới; tháo dỡ các chướng ngại vật gây cản trở dòng chảy nhằm đảm bảo đưa đủ nguồn nước tưới đến đất sản xuất của người dân.

Các HTX, tổ hợp tác, chủ đường nước, người dân tổ chức nạo vét, tu sửa các kênh mương nội đồng; nạo vét các bể hút của các trạm bơm; kiểm tra, sửa chữa, vận hành các cống và trạm bơm điện, chủ động bơm tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Empty

Đồng Tháp khẩn trương thi công nạo vét các công trình nhằm cung cấp nước kịp thời cho hệ thống kênh, rạch nội đồng, đảm bảo tích trữ đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Về biện pháp phi công trình, tỉnh yêu cầu tăng cường theo dõi, cập nhật thông tin, dự báo hàng tuần về tình hình thủy văn của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh và cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT để các huyện, thành phố cập nhật, chủ động lịch thời vụ xuống giống vụ hè thu năm 2023 theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bố trí lịch bơm nước hợp lý để tiết kiệm nước trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng.

Đồng thời, rà soát lại các vùng sản xuất, khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp đối với các vùng có khó khăn về nguồn nước. Các địa phương hướng dẫn người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng một số loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày sử dụng ít nước, chịu hạn phù hợp với điều kiện từng vùng, địa phương; đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước hiệu quả áp dụng cho cây trồng trên địa bàn tỉnh.

"Bên cạnh đó, tiến hành rà soát các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao trên địa bàn tỉnh, nạo vét các kênh rạch trong khu bảo vệ rừng để tích trữ đủ nước phòng cháy; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các điểm cháy rừng và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai các biện pháp chữa cháy theo phương châm "4 tại chỗ", kiên quyết không để xảy ra cháy lớn. Báo cáo tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian xâm nhập mặn tăng mạnh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp về Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời" ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.