| Hotline: 0983.970.780

Dự án ​​VnSAT thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn Tiền Giang

Thứ Năm 22/12/2022 , 15:08 (GMT+7)

TIỀN GIANG Những công trình giao thông nông thôn, cống đập, trạm bơm... được Dự án VnSAT đầu tư ngoài phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn...

Ngày 21/12, Sở NN-PTNT Tiền Giang tổ chức hội nghị tổng kết Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang, qua gần 7 năm thực hiện, Dự án đã tác động tích cực, đem lại hiệu quả khá tốt, góp phần triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Công tác đào tạo quy trình canh tác lúa tiên tiến đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất lúa của các hộ nông dân trong vùng Dự án.

Empty

Nông dân đã chuyển đổi từ việc trồng lúa theo truyền thống sang trồng lúa áp dụng quy trình kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm". Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân đã chuyển đổi từ việc trồng lúa theo kiểu truyền thống sang trồng lúa áp dụng quy trình kỹ thuật "3 giảm 3 tăng" (3G3T), "1 phải 5 giảm" (1P5G). Qua đó, giúp giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 150kg xuống 100kg/ha; lượng phân bón trung bình 82,5kg/N/ha/vụ, giảm từ 30 - 70KgN so trước Dự án; giảm được số lần phun thuốc BVTV so trước khi được đào tạo khoảng từ 3 - 6 lần/vụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất lúa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Các công trình hạ tầng và hạ tầng kỹ thuật được đầu tư cho vùng sản xuất lúa đảm bảo nâng cao năng lực cho các HTX, hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất lúa gạo. Nhất là công trình nâng cấp mặt bờ bao các tuyến kênh kết hợp giao thông nông thôn rất hữu ích, kết nối giao thông nông thôn, phục vụ liên kết và phát triển giữa các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững. Đồng thời, đảm bảo yêu cầu ngăn lũ và triều cường, bảo vệ diện tích đất trồng lúa trong vùng.

Empty

Công trình Cống Tập đoàn 17, xã Mỹ Phước Tây, Thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) do Dự án VnSAT đầu tư. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Tăng Văn Phước, Giám đốc HTX Thạnh Lợi, xã Mỹ Hạnh Trung (Thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) chia sẻ: Trước đây bà con sạ dày, năng suất thấp. Bây giờ tiếp cận khoa học kỹ thuật như 3G3T, 1P5G nên bà con đã nhận thức được việc giảm chi phí, giảm giống, giảm phân đạm. Từ đó, giảm sâu bệnh, giảm chi phí phun xịt, tăng năng suất và lợi nhuận.

Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ hình thành những mối liên kết tiêu thụ ổn định giữa các HTX với doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư đầu vào. Toàn bộ 19 HTX trong vùng Dự án đã có hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. So với trước Dự án, diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm tăng lên khoảng 8.952ha.

Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH TM HK chia sẻ: Cách đây 3 năm, thông qua Ban quản lý dự án VnSAT Tiền Giang, doanh nghiệp tìm đến bà con nông dân ở HTX Thạnh Lợi (xã Mỹ Hạnh Trung, Thị xã Cai Lậy) để liên kết, cung ứng vật tư đầu vào trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Công ty bán chịu vật tư, giống lúa cho bà con 100% ngay đầu vụ. Bên cạnh đó, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác, nhất là bón phân theo quy trình kỹ thuật nên sản phẩm đầu ra đạt chất lượng. Từ mô hình thử nghiệm ban đầu với diện tích chưa đầy 8ha, đến nay diện tích Công ty liên kết với HTX đã phát triển lên hơn 50ha.

Empty

Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH TM HK cho biết, doanh nghiệp đang hỗ trợ HTX liên kết với doanh nghiệp xây dựng sản phẩm OCOP từ gạo. Ảnh: Minh Đảm.

Cũng theo đánh giá của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, Dự án cũng đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, tạo gắn kết cộng đồng cùng chung sức bảo quản, chăm sóc, trồng hoa tạo cảnh quan tươi đẹp ở nông thôn.

Ông Đặng Văn Tung, Quyền Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cái Bè đánh giá, những công trình giao thông nông thôn, cống đập, trạm bơm ngoài thực hiện tốt vai trò phục vụ sản xuất nông nghiệp còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

“Khi dự án đầu tư nhà kho, cống đập, đường sá, đã tạo điều kiện cho bà con đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi hơn. Các nhà kho phát huy dự trữ lúa gạo, vật tư nông nghiệp. Hiện huyện Cái Bè còn 2 xã cuối cùng dự kiến về đích nông thôn mới trong năm 2022. Qua đó, toàn huyện có 24/24 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới”, ông Tung cho biết.

Empty

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang đánh giá Dự án VnSAT đã có nhiều tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, Dự án VnSAT còn góp phần nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp cho công chức ngành NN-PTNT về quản lý và triển khai thực hiện dự án ODA. Ông cũng cho biết thêm: Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đang lấy ý tưởng hình thành dự án WB11, vốn vay Ngân hàng Thế giới. Lấy từ kinh nghiệm của Dự án VnSAT, bên cạnh những công trình hạ tầng “cứng”, dự án WB11 sẽ có những hợp phần “mềm” được đầu tư để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân trong sản xuất sản phẩm sao cho chi phí đầu vào giảm, chất lượng sản phẩm nâng lên.

Đến nay, số người hưởng lợi từ Dự án VnSAT tại Tiền Giang đạt 108.824 người/71.000 người theo kế hoạch, đạt 153%; diện tích áp dụng quy trình canh tác lúa 3G3T là 18.126 ha/16.000ha theo kế hoạch, đạt 113%; diện tích áp dụng quy trình canh tác lúa 1P5G là 8.201 ha/8.000ha, đạt 103%; diện tích liên kết tiêu thụ 9.781ha/5.500ha, đạt 178%. Lợi nhuận tăng 36,6%/30%, đạt 122%. Giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa 122.364 tấn CO2/106.667 tấn CO2, đạt 115%.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.