| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang: Mô hình quản lý dịch hại trên sầu riêng hiệu quả cao

Thứ Hai 31/10/2022 , 14:05 (GMT+7)

Tiền Giang Mô hình quản lý dịch hại trên sầu riêng được bà con nông dân Tiền Giang đánh giá đã mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát dịch hại.

Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật vừa có buổi tham quan mô hình quản lý dịch hại trên cây sầu riêng, do Công ty TNHH Syngenta Việt Nam thực hiện tại vườn của ông Hồ Thái Bảo (ấp Hòa Nghĩa, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) với diện tích 1,5ha. Mô hình được thực hiện trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Cục Bảo vệ thực vật dựa trên các nội dung cam kết phối hợp “Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV”.

Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật đã có chuyến thăm, khảo sát mô hình quản lý dịch hại trên cây sầu riêng tại xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật đã có chuyến thăm, khảo sát mô hình quản lý dịch hại trên cây sầu riêng tại xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, cây sầu riêng nổi lên như là một trong những loại cây ăn trái chủ lực có giá trị kinh tế rất cao. Diện tích hàng năm không ngừng tăng và chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Tại ĐBSCL, diện tích cây riêng đạt trên 30.000ha, trong đó, tỉnh Tiền Giang là trên 17.000ha. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây sầu riêng được nông dân quan tâm, tích cực học hỏi áp dụng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nông dân trồng sầu riêng hiện nay là canh tác sao cho đạt hiệu quả cao về năng suất, chất lượng. Trong đó, yếu tố dư lượng thuốc BVTV là điều mà nông dân còn băn khoăn nhất.

Mô hình quản lý dịch hại trên cây sầu riêng với mục tiêu xây dựng quy trình quản lý dịch hại đảm bảo được hiệu quả phòng trừ đồng thời kiểm soát dư lượng sau thu hoạch. Bên cạnh đó, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe nông dân thông qua giảm thuốc BVTV.

Theo kỹ thuật viên của Công ty Syngenta Việt Nam cho biết: Nhân viên của Công ty Syngenta sẽ kết hợp cùng chủ vườn đi thăm vườn thường xuyên với chu kỳ 7-10/lần để kiểm tra tình hình dịch hại và đưa ra phương hướng xử lý. Các sản phẩm được sử dụng trong điểm trình diễn này là các loại được đăng ký sử dụng trong rau quả chè. Đến thời điểm hiện tại, giải pháp đã giúp quản lý tốt các loại dịch hại giúp sầu riêng cho năng suất cao.

Kiểm tra bệnh xì mủ thân sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Kiểm tra bệnh xì mủ thân sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

So với tập quán của nông dân xung quanh hiệu quả kiểm soát tuyến trùng bằng Tervigo 020SC (liều dùng 6L/ha), giúp tỷ lệ cây bị nứt thân xì mủ hay có biểu hiện cây bị suy kiệt do bộ rễ tuyến trùng gây hại giảm 90%. Kiểm soát côn trùng gây hại trên lá (rầy nhảy, rầy xanh, rệp sáp, sâu đục trái) giảm 95%, kiểm soát bệnh hại trên lá (thán thư, thối úng) giảm 90%.

Hiện tại vườn sầu riêng 1,5 ha, 8 năm tuổi này của ông Hồ Thái Bảo đang mang trái, bắt đầu cho thu hoạch. Dự kiến năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha. Năm nay, ông Bảo cho biết rất phấn khởi vì làm theo quy trình quản lý dịch hại sầu riêng được mùa. Hơn nữa, sầu riêng vừa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên được giá hơn. Các thương lái đang thu mua sô sầu riêng tại vườn với giá từ 75.000 đồng/kg. Với giá này, trừ hết chi phí ông Bảo thu về hơn 1 tỷ đồng/ha.

Ông Hồ Thái Bảo được bà con nông dân trồng sầu riêng ở ấp Thanh Bình, xã Thanh Hoà, thị xã Cai Lậy tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX Cây ăn trái Thanh Bình.

Ông Hồ Thái Bảo cho biết: Làm theo quy trình này đã quản lý được các loại dịch hại quan trọng, giảm được số lần phun thuốc trong mùa vụ, từ đó giảm ảnh hưởng đến môi trường và người sử dụng. Tôi đề nghị hoàn thiện quy trình này với khả năng đảm bảo được tiêu chuẩn dư lượng thuốc BVTV để xuất khẩu, cũng như nhân rộng mô hình đến nơi khác.

Ông Bảo cho hay, bà con trong HTX rất an tâm và học hỏi áp dụng quy trình quản lý dịch hại này. Hơn 10 hộ xung quanh thực hiện theo và đạt hiệu quả cao về năng suất. Tuy nhiên, ngoài băn khoăn về dư lượng thuốc BVTV bà con rất mong muốn được hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng để sản phẩm sầu riêng của HTX được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Minh, đại diện Công ty Syngenta Việt Nam cho biết: Syngenta và nông dân Hồ Thái Bảo đã thực hiện mô hình được 2 vụ. Đây là vụ thứ hai, mô hình được thực hiện nhằm đánh giá dư lượng thuốc BVTV trên trái sầu riêng sau thu hoạch. Phía Syngenta cũng còn rất mới mẻ trong vấn đề đánh giá dư lượng thuốc BVTV trên trái sầu riêng. Nhân đợt thu hoạch này sẽ đánh giá và điều chỉnh nếu có.

Ông Nguyễn Thanh Hải (bìa trái) - Phó Trưởng phòng Thuốc Bảo vệ thực vật trao đổi với nông dân Hồ Thái Bảo về một số vấn đề mã số vùng trồng, quản lý dịch hại, an toàn nông sản trong canh tác sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Thanh Hải (bìa trái) - Phó Trưởng phòng Thuốc Bảo vệ thực vật trao đổi với nông dân Hồ Thái Bảo về một số vấn đề mã số vùng trồng, quản lý dịch hại, an toàn nông sản trong canh tác sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Tại đây, đại diện các cơ quan chuyên môn của Cục Bảo vệ thực vật đánh giá cao mô hình hợp tác của nông dân Hồ Thái Bảo và Công ty Syngenta Việt Nam, nhất là sự quan tâm của nông dân về đảm bảo trái cây an toàn. Đại diện các đơn vị đã giải thích và hướng dẫn cho bà con nông dân về việc đăng ký xây dựng mã số vùng trồng; sử dụng thuốc an toàn, đúng và kiểm soát được dư lượng; thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng phòng Thuốc bảo vệ thực vật - Cục Bảo vệ thực vật cho biết: “Riêng về mã số vùng trồng đề nghị liên hệ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang để được hướng dẫn cụ thể, từ tài liệu tập huấn đến các thủ tục đăng ký mã số. Các tỉnh thành đều có các đầu mối để làm việc này. Mã số vùng trồng làm rất nhanh và thủ tục rất đơn giản”.

Ngoài ra, đối với việc quản lý sâu bệnh hại, ông Hải cũng nhắc nhở chủ hộ nhà vườn cần có ghi chép đầy đủ lịch sử sử dụng thuốc BVTV trong quá trình canh tác, để từ đó có thể dễ truy xuất nguồn gốc dư lượng thuốc BVTV khi cần.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất