| Hotline: 0983.970.780

Du lịch nông nghiệp: 'Độc, lạ, bền vững sẽ thu hút du khách'

Thứ Sáu 22/09/2023 , 17:21 (GMT+7)

Đó là chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch thành công của ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Long Thuận, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Làm du lịch bằng cả trái tim

Đã ngoài 70 tuổi, ông Khanh vẫn tâm huyết với khởi nghiệp nông nghiệp. Tham gia cách mạng năm 14 tuổi, ông đã dành những năm tháng tuổi trẻ để cống hiến cho đất nước, nên khi về hưu, ông bắt đầu khởi nghiệp khá muộn - năm 53 tuổi. Sau kháng chiến, ông chịu 60% thương tật nhưng vẫn đau đáu khi thấy nông nghiệp địa phương chưa được phát triển.

Điều quan trọng của du lịch nông thôn là kết nối giá trị kinh tế, văn hóa và nhân văn cũng như giải quyết những vấn đề di dân và nâng cao thu nhập nông thôn hiện tại. Ảnh: HT.

Điều quan trọng của du lịch nông thôn là kết nối giá trị kinh tế, văn hóa và nhân văn cũng như giải quyết những vấn đề di dân và nâng cao thu nhập nông thôn hiện tại. Ảnh: HT.

Vốn không được đào tạo chuyên ngành, nhưng bằng quyết tâm và tinh thần ham học hỏi, ông đã làm việc với các kỹ sư, nhà khoa học để cho ra đời 42 sản phẩm thực phẩm và mỹ phẩm chiết xuất từ những loại cây sẵn có. Trong số đó, có 12 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 4 sao.

Bên cạnh đó, ông Khanh đã tận dụng 8.000m2 đất vườn trồng bưởi, dừa sáp và nhiều loại thuốc nam khác. Người cựu chiến binh này không chỉ phát triển nông nghiệp mà còn quảng bá hình ảnh con người và quê hương miền Tây với khu du lịch mang tên “Ve chai Thần kỳ”. Ông được bà con biết đến trong vùng với cái tên thân thương là “Tư Khanh”.

Ông Tư Khanh thiết kế những cây cầu bằng thép cao chót vót trên ngọn dừa, thành một hệ thống giao thông trên cao, có bậc thang đi lên để dạo vòng quanh khu vườn. Ông không chỉ nỗ lực tạo cảnh quan cho địa phương mà còn hướng tới đảm bảo an toàn cho du khách.

Ông Khanh tâm sự: “Làm cái gì phải độc, lạ và có tính bền vững mới thu hút được khách du lịch. Mình không chỉ giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo không gian cho những ai mỗi khi đến tham quan, thưởng ngoạn và được sống với không gian yên tĩnh của chốn quê”.

Để “níu chân và chinh phục” du khách

Bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam cho biết, trong giai đoạn hiện nay khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ toàn cầu và nhân loại đã trải qua đại dịch Covid-19, nhiều thói quen thường ngày và cả xu hướng, hành vi du lịch cũng đã thay đổi. Bên cạnh các loại hình du lịch tham quan, tìm hiểu lịch sử văn hóa, khám phá, nghỉ dưỡng, sinh thái… du lịch nông nghiệp - nông thôn nói riêng và du lịch xanh nói chung đang là xu thế cũ mà lại mới, lại nóng đối với Việt Nam và thế giới.

Bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, du lịch nông nghiệp - nông thôn nói riêng và du lịch xanh nói chung đang là xu thế cũ mà lại mới, lại nóng đối với Việt Nam và thế giới. Ảnh: Hồng Thắm.

Bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, du lịch nông nghiệp - nông thôn nói riêng và du lịch xanh nói chung đang là xu thế cũ mà lại mới, lại nóng đối với Việt Nam và thế giới. Ảnh: Hồng Thắm.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn lữ hành, bà Yến Ly cho rằng, du lịch nông nghiệp - nông thôn Việt Nam chưa thật sự đột phá dù đã nói nhiều đến tiềm năng, thế mạnh, sự phát triển của loại hình du lịch này.

Theo đó, bà Phan Yến Ly đề xuất giải pháp “Mỗi huyện, mỗi xã một sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn đặc trưng” - One Region One Agriculture Product (OROAP). Theo bà Ly, sáng kiến này sẽ làm mới và đồng bộ hóa Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), vốn đã rất thành công trong phát triển đặc thù vùng miền thông qua sản phẩm văn hóa.

“Phong trào này sẽ giúp các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn của các tỉnh thành không bị trùng lặp, nhàm chán; tránh cạnh tranh không lành mạnh; tạo nên sức hút du khách qua các thông điệp và câu chuyện truyền thông riêng biệt và đặc biệt giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có dịp nhìn lại du lịch nông nghiệp - nông thôn của địa phương mình sâu sát hơn trong việc quản lý cũng như đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp”, bà Ly nói.

Du lịch nông nghiệp - nông thôn Việt Nam chưa thật sự đột phá dù có nhiều đến tiềm năng, thế mạnh. Ảnh: HT.

Du lịch nông nghiệp - nông thôn Việt Nam chưa thật sự đột phá dù có nhiều đến tiềm năng, thế mạnh. Ảnh: HT.

Bà Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM khẳng định, những loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn sẽ rất ý nghĩa, một là giúp phát triển kinh tế nông thôn, hai là tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp mà mỗi cư dân tại địa phương cảm nhận qua những sản phẩm du lịch mà họ muốn giới thiệu đến du khách.

“Khi du lịch nông thôn phát triển sẽ có thêm việc làm cho giới trẻ, có thêm không gian để họ có những ý tưởng sáng tạo, hay có thể tận dụng chính những cảnh sắc làng quê thanh bình, những nét văn hóa đa dạng, những sản phẩm nông nghiệp phong phú để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn. Điều quan trọng của du lịch nông thôn là kết nối giá trị kinh tế, văn hóa và nhân văn cũng như giải quyết những vấn đề di dân và nâng cao thu nhập nông thôn hiện tại”, bà Trang nói.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Thủ tướng đã ban hành quyết định về phát triển du lịch nông thôn. Bộ NN-PTNT cũng đã ký văn bản liên tịch với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát triển chương trình này. Đây đang là xu hướng của thế giới và là lợi thế của Việt Nam. Bộ NN-PTNT muốn khai thác lĩnh vực này thành ngành kinh tế du lịch nông thôn và trở thành thương hiệu của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.