| Hotline: 0983.970.780

Du lịch nông thôn: Làm ngay kẻo muộn!

Thứ Bảy 16/04/2022 , 08:20 (GMT+7)

Sau khi tham vấn các Bộ, ban, ngành, Bộ NN-PTNT vừa gửi Tờ trình lên Thủ tướng, kiến nghị phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Chưa tương xứng tiềm năng

Trong những năm qua, nhiều điểm đếndu lịch nông thôn được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái vùng miền. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. 

Tại vùng Trung du Miền núi phía Bắc (MNPB), đây là vùng đất đa văn hóa, với nhiều đặc trưng, sắc thái của 32 dân tộc cư trú xen kẽ, trong đó các dân tộc tiêu biểu, chiếm số lượng lớn là Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Nùng…

MNPB đã hình thành một số loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng gắn với tham quan, trải nghiệm các bản làng dân tộc thiểu số; Du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa của các dân tộc vùng cao; Du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm các lễ hội và văn hóa dân gian. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, nhiều bản làng không chú trọng giữ gìn cảnh quan, môi trường, quy hoạch xây dựng dẫn tới phá vỡ cảnh quan. Một số điểm tập trung khách quá đông dẫn tới tình trạng quá tải, hoặc cung ứng các dịch vụ trải nghiệm giống nhau dẫn tới sự giảm sút về khách thời gian qua.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ 2 từ trái sang) tham quan nhà sàn và trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc phía Bắc.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ 2 từ trái sang) tham quan nhà sàn và trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc phía Bắc.

Tại vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), 11 tỉnh, thành phố trong khu vực có nhiều thuận lợi trong phát triển du lịch nông thôn nhờ kết nối với trung tâm gửi khách Hà Nội. Đây là nơi gắn liền với các giá trị văn hóa, lúa nước, văn hóa làng xã Bắc Bộ với “Cây đa, bến nước, sân đình”, nhiều làng cổ, làng nông nghiệp truyền thống, với không gian làng xã sinh động và các cảnh quan đồng quê đẹp trữ tình.

ĐBSH đã hình thành một số loại hình du lịch như: Du lịch nông thôn gắn với làng nghề truyền thống; Du lịch nông thôn gắn với cảnh quan vùng nông thôn; Du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết địa phương chưa khai thác được thế mạnh từ vùng canh tác cây ăn quả, lúa đặc sản lớn để phát triển du lịch. Nhiều điểm du lịch nông thôn trong vùng chỉ được khai thác khi kết hợp những tài nguyên du lịch nổi trội khác thu hút khách.

Tại vùng Bắc Trung Bộ (BTB), khu vực có đặc trưng dải bờ biển dài và nền văn hóa đặc sắc, nhiều cửa khẩu giáp với Lào. Đây là vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam cũng như phát triển kinh tế và du lịch trên hành lang Đông - Tây với các nước trong khu vực.

Là vùng đất địa linh nhân kiệt, BTB sớm hình thành các loại hình như du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch làng nghề thủ công truyền thống… Dù vậy, có một thực tế là phần lớn các sản phẩm du lịch nông thôn ở khu vực BTB chưa thực sự hấp dẫn khách du lịch do tiếp cận giao thông chưa thuận tiện và chưa có nhiều dịch vụ trải nghiệm cho du khách.

Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm vườn thnah long tại Bình Thuận.

Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm vườn thnah long tại Bình Thuận.

Tại vùng duyên hải Nam Trung Bộ (NTB), đây là vùng có đường bờ biển dài nhất Việt Nam (hơn 1.300 km), và có thế mạnh về du lịch biển, đảo và du lịch sinh thái. Nét độc đáo về tài nguyên biển đảo của vùng NTB thuận lợi cho việc khai thác các loại hình du lịch như khu bảo tồn thiên nhiên, cồn cát, ghềnh đá ven biển…

NTB đã khai thác khá tốt du lịch cộng đồng khai thác đặc trưng văn hóa địa phương, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, lối sống, lễ hội của cộng đồng, thăm quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề nông thôn. Các hoạt động trải nghiệm cuộc sống, thực tế sản xuất của người nông dân, du khách được trực tiếp cày bừa, cuốc đất, trồng rau, gánh nước tưới cây, được thưởng thức ẩm thực truyền thống, được chèo thuyền, đánh bắt cá như những ngư dân, được nghỉ dưỡng trong các cơ sở lưu trú chất lượng cao tại vùng nông thôn…

Tại vùng Tây Nguyên, đây là vùng có khí hậu mát mẻ quanh năm và tập trung nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ với hệ thống sông, suối, hồ, thác nước. Bên cạnh đó, Tây Nguyên có khoảng 32 loài động vật quí hiếm và nổi tiếng với các cao nguyên, trang trại cà phê, ca cao, hồ tiêu, và các loài hoa, các loại dược liệu.

Là nơi sinh sống của 47 dân tộc anh em, mỗi dân tộc Tây Nguyên đều có bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc riêng giúp hình thành các loại hình như: Du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa độc đáo của các buôn làng dân tộc thiểu số, không gian văn hóa cồng chiêng; Du lịch gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp, tham quan các trang trại cà phê, rau trái cây, chè đặc trưng. Tuy nhiên, trong 5 tỉnh Tây Nguyên, mới có Lâm Đồng có khả năng thu hút khách nhờ sự phong phú đa dạng về sản phẩm du lịch và đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

Tại vùng Đông Nam Bộ (ĐNB), đây là nơi có nhiều tiềm năng đề phát triển du lịch sinh thái nhờ các bãi biển đẹp; hệ sinh thái đất ngập mặn; cũng như du lịch sinh thái gắn liền với Vườn Quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn.

Với lợi thế của trung tâm gửi khách lớn nhất của cả nước là TP.HCM, ĐNB có những loại hình du lịch nông thôn như: Du lịch sinh thái cộng đồng trải nghiệm tại các nông trại miệt vườn với các vườn cây ăn trái đặc sản; Du lịch trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao trồng rau hữu cơ, phong lan, cây cảnh, trang trại điều, cà phê, cao su. Hiện có nhiều chương trình du lịch sinh thái, nông nghiệp nhưng hầu hết hình thành ở TP.HCM.

Du lịch sông nước tại các miệt vườn là đặc trưng của vùng ĐBSCL.

Du lịch sông nước tại các miệt vườn là đặc trưng của vùng ĐBSCL.

Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhờ hệ thống tài nguyên du lịch mang tính đặc thù, độc đáo, gắn liền với sông nước, miệt vườn, chợ nổi, làng nghề… ĐBSCL có thể khai thác lợi thế du lịch nông thôn gắn với hệ thống kênh rạch chằng chịt và các vườn cây trái quanh năm.

Các sản phẩm du lịch gắn với cảnh quan sông nước, du lịch gắn với các làng nghề truyền thống từ lâu đã được hình thành ở ĐBSCL. Nhiều địa phương trong khu vực đã quy hoạch và đầu tư xây dựng hàng trăm tuyến, điểm du lịch. Dù vậy, so sánh trong tổng thể phát triển du lịch chung của cả nước, tốc độ phát triển du lịch khu vực ĐBSCL về tăng trưởng khách, doanh thu, mức đầu tư, tính chuyên nghiệp chưa thực sự có bước đột phá, tốc độ tăng tưởng còn thấp hơn so với các vùng khác. Lượng khách đến khu vực có sự tăng trưởng nhưng lượng khách lưu trú tại khu vực nông thôn rất thấp (khoảng 20-30%), hầu hết là các tour kết nối từ thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 80%) và đi tour ngắn ngày.

Hiện cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn.

Một chính sách tổng thể

Khu vực nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng và có nhiều dư địa để phát triển du lịch nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống khu vực nông thôn, đồng thời gắn bó mật thiết với hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.

Bên cạnh việc mở rộng không gian du lịch, phát triển du lịch nông thôn góp phần tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng có lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách du lịch, phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đây cũng là giải pháp giúp nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp tiếp tục bị thu hẹp, cũng là theo đúng định hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa ngành, đa giá trị.

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 10/7/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, nhiều chính sách và giải pháp phát triển ngành du lịch được ban hành và triển khai thực hiện. Mục tiêu nhằm thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững; tạo ra giá trị nền tảng, hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông thôn.

Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 2 số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021, trong đó phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, hiện chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia, nhằm giải quyết một cách gốc rễ tình trạng tự phát, quy mô nhỏ như hiện nay.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Bộ NN-PTNT đã phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép các nội dung phát triển du lịch vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, các mô hình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Bộ NN-PTNT cũng phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP là một hướng đi hiệu quả cũng là nhiệm vụ cần thiết, nhằm xác định những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù tạo ra động lực phát triển cho du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025, vừa phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn, vừa xây dựng chuỗi giá trị du lịch nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Trong giai đoạn mới, phát triển du lịch nông thôn sẽ hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, sản phẩm OCOP, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.

Tại nước ngoài, du lịch nông thôn đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao cuộc sống của bà con.

Tại nước ngoài, du lịch nông thôn đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao cuộc sống của bà con.

Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đề ra những mục tiêu rõ ràng như: Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; Ít nhất 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận xếp hạng hoặc công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Song song với đó, chương trình sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Ít nhất có 80 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và được chuẩn hóa; trong đó ít nhất 50% dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Tiến tới, bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc sẽ được xây dựng.

2.500 tỷ đồng thực hiện chương trình

Tổng nguồn lực thực hiện chương trình dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới khoảng 500 tỷ; Vốn ngân sách địa phương 550 tỷ đồng; Vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án, đề án khác 560 tỷ đồng; Vốn tín dụng và huy động từ các nguồn lực xã hội hoá khoảng 890 tỷ đồng.

Nhằm triển khai hiệu quả chương trình, 6 giải pháp được đề ra trong thời gian tới. Một, là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, chú ý bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu như sử dụng quỹ đất đai phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng và địa phương, đảm bảo tính kết nối giữa các điểm đến; chính sách hỗ trợ về nguồn lực, đào tạo, thông tin, tư vấn... cho từng đối tượng chủ thể.

Hai, là huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn. Tập trung lồng ghép nguồn lực thực hiện Chương trình này với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan, đặc biệt các nội dung thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Ba, là tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; đồng thời tổ chức các lễ hội đặc biệt là lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội trái cây theo mùa và theo vùng miền, tổ chức các cuộc thi sáng tác ý tưởng liên quan tới du lịch nông thôn, tổ chức giải thưởng Du lịch nông thôn cấp quốc gia.

Bốn, là bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn. Trong đó, chú trọng các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề và kỹ năng mềm phục vụ du lịch: Cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú, ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, đón tiếp, thái độ phục vụ khách cho cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện.

Năm, là ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn như: Xây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR).

Sáu, là tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông thôn. Tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin với các quốc gia, tổ chức quốc tế nhằm tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về quản lý và phát triển du lịch nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết với các tổ chức nước ngoài để xây dựng mô hình du lịch nông thôn phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Từ khi triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Bộ NN-PTNT đã chủ động xây dựng nhóm sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Đến nay, cả nước đã có 36 sản phẩm thuộc loại hình này là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 3/2024

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã thống nhất và quyết định đánh giá 28 sản phẩm đủ điều kiện để trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT công nhận đạt OCOP 5 sao.