Ông Dương Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CBT Travel (một doanh nghiệp xã hội chuyên giúp người dân nông thôn về phát triển cộng đồng, du lịch nông thôn) là một người công tác lâu năm trong ngành du lịch, và đã tham gia làm du lịch nông thôn từ gần 10 năm nay.
Ông Bình cho biết, du lịch cộng đồng (một loại hình du lịch nông thôn) du nhập vào Việt Nam từ năm nào không ai biết, nhưng mô hình này xuất hiện ở nước ta cũng đã lâu rồi.
Du lịch cộng đồng bắt nguồn từ nhu cầu của những du khách thích sống gần gũi với người dân nông thôn. Từ nhu cầu đó, người dân ở nhiều địa phương cứ thế mà làm, nhà này học theo nhà kia, địa phương này học theo địa phương khác … mà không có theo một sự hướng dẫn nào.
Các tổ chức phi chính phủ cũng là một trong những nhân tố đầu tiên tham gia làm du lịch cộng đồng, nhưng họ làm là để phát triển cộng đồng chứ không phải phát triển du lịch. Vì thế, các mô hình du lịch cộng đồng do các tổ chức phi chính phủ thực hiện cứ giông giống nhau, không có nhiều tác động tới phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam.
Ông Bình kể, năm 2013, sau khi về hưu, tôi được một tổ chức mời làm tư vấn về phát triển du lịch cộng đồng ở xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Là người có kinh nghiệm lâu năm, tôi biết bất cứ loại hình du lịch nào, kể cả du lịch nông thôn, cũng phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản nhất của du khách.
Vì vậy, khi bắt tay vào làm du lịch cộng đồng ở Mai Hịch, tôi đặt ra yêu cầu là phải làm theo tiêu chuẩn của du lịch, đó là làm sao để du khách ăn được, ở được, ngủ được và đi vệ sinh được.
Từ yêu cầu đó, tôi xuống gặp người dân, chỉ cho họ cách sử dụng những nguyên vật liệu tại chỗ, có gì làm nấy, không cần phải mua sắm các trang thiết bị đắt tiền, để làm chỗ ăn, nghỉ, đi vệ sinh … cho du khách. Sau này, mô hình sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ để làm du lịch cộng đồng như vậy, được các chuyên gia khen ngợi là góp phần bảo vệ môi trường.
Nhờ đáp ứng được các tiêu chuẩn du lịch cần thiết, năm 2014, Mai Hịch đón được hơn 400 khách lưu trú qua đêm. Ngoài ra còn có nhiều du khách chỉ đến và đi trong ngày. Đến năm 2015 đã tăng lên hơn 2.000 khách lưu trú qua đêm.
Khi du khách đã tìm đến và sẵn sàng ở lại qua đêm nhờ cơ sở vật chất đáp ứng được các nhu cầu ăn, nghỉ của họ, chúng tôi với nói cho người dân hiểu rằng, du khách đến đây là để được sống trong không gian văn hóa cộng đồng, trong một không gian gần gũi với thiên nhiên ... Vì vậy, để giữ chân du khách và để họ quay trở lại, người dân địa phương phải có ý thức bảo tồn những không gian như vậy.
Sau khi hiểu được điều đó, người dân làm du lịch cộng đồng ở các địa phương đã có ý thức bảo tồn không gian văn hóa, không gian thiên nhiên trên cả mong đợi.
Từ thành công ở Mai Hịch, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai …, rồi ở miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long đã mời chúng tôi tới tư vấn, làm du lịch cộng đồng.
Năm 2019, nếu cộng lại tất cả những nơi chúng tôi tham gia làm du lịch cộng đồng thì được trên 200 ngàn khách lưu trú. Tôi ước tính năm 2020 vào khoảng 500 ngàn du khách và tới năm 2025, nếu không còn bị ảnh hưởng bởi Covid-19. thì sẽ có khoảng 1 triệu du khách tới lưu trú tại các điểm du lịch cộng đồng mà chúng tôi đã tham gia.