Vùng đất Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang là xã an toàn khu, đặc biệt khó khăn. Xã có thế mạnh trong nuôi trồng thuỷ sản với diện tích 3.100ha, trong đó con tôm là chủ lực. Thời gian gần đây, môi trường nuôi tôm ngày càng suy thoái, nhiều hộ nuôi không có lãi hoặc thu lỗ. Trên vùng đất đầy gió biển này, dù thường xuyên thiếu nước ngọt vào mùa khô nhưng cây rau màu cũng bén rễ, đang dần phát triển, mang lại kinh tế khá cho nông dân.
Cũng như nhiều nông dân khác, gia đình ông Nguyễn Văn Chín (60 tuổi) ở ấp Pháo Đài, xã Phú Tân đã khá lên nhờ trồng cây dưa hấu. Năm 2021, gia đình ông trồng 1ha dưa hấu, thu hoạch được khoảng 50 tấn. Mặc dù bị dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nhưng giá trung bình vẫn đạt khoảng 7 - 8 nghìn đồng/kg, gia đình ông thu lãi được hơn 300 triệu đồng. Hiện nay, giá dưa hấu đang dao động khoảng 8 - 9 nghìn đồng/kg. Ruộng dưa hấu của gia đình ông Chín đang rất tươi tốt, chuẩn bị cho thu hoạch nên ông rất phấn khởi.
“Thời gian qua, nhờ trồng dưa hấu mà cuộc sống gia đình tôi đã đầy đủ, ổn định. Dưa leo và mấy loại khác cũng hiệu quả nhưng không bằng dưa hấu. Để trồng dưa hiệu quả phải chọn được giống tốt. Những loại giống ít mẫn cảm với mưa. 10 năm nay, tôi chọn giống dưa hấu Sen Hồng. Hiện nay, có giống dưa hấu Sen Hồng SH65 đạt chất lượng, trời mưa không sợ thiệt hại. Giống này đặc biệt đậu trái rất đẹp, cuống to, lên khoảng chừng 3 lá là có 1 nụ, một dây có đến 6 - 7 trái, rất sai quả nên thậm chí phải hái bỏ bớt” ông Chín chia sẻ.
Tại ấp ven biển Pháo Đài, xã Phú Tân có khoảng 17ha đất trồng màu, chủ yếu là dưa hấu và khoai lang. Riêng dưa hấu được người dân chuyên canh từ 3 - 4 vụ trong năm. Ông Trần Công Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân cho biết:
“Người dân trên ấp Pháo Đài trồng dưa hấu khoảng 3 vụ/năm. Đất giồng cát rất thích hợp với cây dưa hấu, dưa hấu ở đây chất lượng hơn các vùng khác. Vì mùa khô người dân khoan giếng khoảng 1 - 2m là có nước ngọt đủ tưới nên trồng dưa hấu vốn đầu tư không nhiều, nghề trồng dưa rất ổn định. Hiện nay, ấp này còn có 9 hộ nghèo, đây là cây trồng ngắn ngày, giúp nông dân có thu nhập quanh năm. Do đó, cây dưa hấu giúp thoát nghèo khá hơn các ấp khác”.
Hiện nay, do điều kiện đặc biệt khó khăn mà xã Phú Tân mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí nông thôn mới. Thời gian tới, cùng với phát triển cây rau màu, địa phương cũng chú trọng tái cơ cấu lĩnh vực thuỷ sản, nhất là những mô hình chăn nuôi, trồng trọt có vốn đầu tư “vừa tầm”. Theo ông Trần Công Danh, xã Phú Tân phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023.
Theo UBND huyện Tân Phú Đông, đến nay huyện đã xuống giống 192ha rau màu, 50ha cây có củ, đạt trên 100% kế hoạch. Trong đó, mô hình trồng màu tại xã Phú Tân đã giúp nông dân vùng đất mặn thoát nghèo, có thu nhập khá, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới.
Tân Phú Đông là huyện cù lao, cách trở đất liền, còn nhiều khó khăn. Để rút ngắn khoảng cách phát triển so với các địa phương khác, huyện đã đề ra chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 của Tỉnh uỷ Tiền Giang. Mục tiêu chung là tập trung xây dựng huyện Tân Phú Đông phát triển bền vững; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân...
Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 06/06 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện đạt chuẩn nông thôn mới… Đến năm 2030, huyện Tân Phú Đông là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch sinh thái biển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biên giới biển.