| Hotline: 0983.970.780

"Huyện khát" Tân Phú Đông

Thứ Ba 13/12/2011 , 14:19 (GMT+7)

Huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) nằm giữa dòng sông Tiền rộng lớn nhưng oái oăm thay, nhiều năm qua, người dân vẫn thiếu nước sạch.

Người dân phải mua từng can nước để dùng
Huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) nằm giữa dòng sông Tiền rộng lớn nhưng oái oăm thay, nhiều năm qua, người dân vẫn thiếu nước sạch.

Nằm ở đoạn cuối  sông Tiền giáp với biển Đông, nguồn nước ngầm và nước nổi ở Tân Phú Đông bị nhiễm phèn mặn nặng nề, khoảng 8 tháng trong năm. Vì vậy, năm nào cũng thế, gần tết là các hộ nông dân lại chạy đôn chạy đáo đi mua nước sạch để sử dụng. 

Bà Phạm Thị Dung xã Tân Phú cho hay: "Nước ở đây thì nhiều nhưng toàn là nước mặn, nước phèn làm sao mà ăn uống, tắm rửa được. Muốn có nước sạch sinh hoạt, không còn cách nào khác là phải mua. Mà dân chúng tôi ở đây thường mua lẻ từng can loại 20 lít do người ta chở bằng xe ba gác vào tận nhà. Giá cũng tùy loại bởi những nhà ở ấp xa có khi giá phải 2.000 đồng/can”.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: “Trong xã hiện nay có một ao nước dung tích gần 9.000m3 nằm ở trung tâm dùng để dự trữ nước sạch. Tuy nhiên theo tính toán, cái ao này chỉ có thể phục vụ cho 600/1.200 hộ dân trong xã trong vòng 3 tháng mà thôi. Nếu trong khoảng thời gian trên mà không có mưa thì người dân phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù tình trạng này diễn ra khá lâu nhưng cũng chưa có biện pháp gì bởi hiện nay dự án đưa nước sạch của Cty Cổ phần BOO Đồng Tâm về cho người dân nơi đây vẫn bị ách tắc vì giá cả mà đối tác đưa ra quá cao, không phù hợp với tình hình thực tế thu nhập của địa phương”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn huyện Tân Phú Đông hiện nay chỉ có một đường ống dẫn nước sạch nằm men theo tỉnh lộ 877B, chạy dọc địa bàn huyện. Nghĩa là, chỉ có một bộ phận nhỏ người dân ở men theo hai bên tỉnh lộ đang xây dựng này là có nước sạch sử dụng, còn lại tất cả những hộ nông dân khác phải tự túc bằng cách trữ nước mưa trong chum, vại hay đào ao, dùng phèn chua lọc nước tự nhiên để sinh hoạt.

Nói về những khó khăn trong việc sử dụng nước sạch, ông Hùng bảo: “Với các hộ dân ở xa tuyến tỉnh lộ 877B thì phải tự khắc phục tình trạng khó khăn chứ địa phương chưa có đủ kinh phí để làm tất cả các tuyến nước sạch về cho người dân được. Tuy nhiên, sắp tới sẽ có thêm một ao nước lộ thiên dự trữ nữa được xây ở xã Phú Thạnh bên cạnh với mục tiêu cung cấp đủ nước sạch cho người dân. Vậy nhưng, vào giữa mùa khô, tình trạng vẫn rất khó khăn vì lúc đó, gần như toàn bộ hệ thống nước ở đây bị nhiễm phèn mặn, rất khó trong khâu xử lý”.

Những ngày này, men theo tỉnh lộ 877B, chúng tôi dễ dàng thấy rất nhiều các xe ba gác tự chế chở nước đi bán cho bà con nông dân trong các ấp. Ông Nguyễn Văn Bảy (Tân Thới) ngao ngán: “Năm nào cũng vậy, hết mùa mưa là nhà tôi bắt đầu phải đi mua nước sạch để dùng. Nhà tôi có 4 cái chum trữ nước, dùng chỉ hơn 1 tuần là hết. Ở đây, nước sạch đắt đỏ lắm, giờ đang là 25.000/m3 nhưng nghe nói mai mốt lại tăng giá lên 30.000/m3. Có lúc, giữa mùa khô nước đắt gấp đôi bây giờ ấy chứ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho người dân ở đây được giao cho Cty Khai thác và cấp nước sinh hoạt Tiền Giang đảm nhiệm với cách thức hoạt động như sau: Cty sử dụng nguồn nước tự nhiên ở các ao hồ chứa lộ thiên trong địa bàn khu dân cư làm nơi trữ nước sạch sau đó bơm lên, xử lý rồi dắt ống đưa tới các hộ dân cư trong địa bàn. Tuy nhiên, như đã nói ở trên thì chỉ một phần nhỏ các hộ dân ven hai bên đưởng của tỉnh lộ 877B là được hưởng thụ nguồn nước này mà thôi. Còn lại, đa phần vẫn phải mua nước sạch ở các nơi khác với giá gấp nhiều lần.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.