| Hotline: 0983.970.780

Dưa hấu rẻ như cho, nông dân thu hoạch toàn nỗi buồn

Chủ Nhật 27/03/2022 , 17:41 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Theo khuyến cáo, diện tích dưa hấu tại Bình Định năm nay đã giảm rất nhiều so với mọi năm, song giá dưa vẫn tụt thê thảm khiến người trồng dưa lỗ méo mặt.

Trồng nhiều lỗ nhiều

Anh Nguyễn Văn Nhựt ở Thị trấn Vĩnh thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) là người chuyên du canh trồng dưa hấu tại Gia Lai. Thế nhưng vụ đông xuân 2021 - 2022, anh đã phải quyết định dừng bước du canh tại Gia Lai để về thuê đất tại quê nhà trồng 50 sào (500m2/sào) dưa hấu tại xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh). Vụ dưa hấu này anh Nhựt thu hoạch toàn nỗi buồn, bởi, dưa liên tục hạ giá khiến anh lỗ “chỏng gọng”.

Không tiêu thụ được thị trường Trung Quốc, dưa hấu ở Bình Định trong vụ đông xuân 2021 - 2022 lại rớt giá thê thảm. Ảnh: V.Đ.T.

Không tiêu thụ được thị trường Trung Quốc, dưa hấu ở Bình Định trong vụ đông xuân 2021 - 2022 lại rớt giá thê thảm. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nhựt kể, 20 sào dưa trà đầu anh thu hoạch khoảng giữa tháng 3/2022. Khi ấy, dưa hấu còn đứng giá 2.200 đ/kg, thế nhưng tiền bán dưa chỉ đủ bù vào chi phí vật tư đầu tư cho suốt vụ, còn lỗ 1 triệu đồng/sào tiền công và 1 triệu đồng/sào tiền thuê đất. Sau đó mấy ngày, anh Nhựt thu hoạch tiếp 30 sào dưa còn lại. Lúc này giá dưa tiếp tục hạ xuống chỉ còn 1.900 đ/kg. Lứa dưa này anh Nhựt bị lỗ đậm.

Theo anh Nhựt, bình thường vụ dưa đông xuân kéo dài khoảng 65 ngày, thế nhưng năm nay do mưa lạnh kéo dài, nên vụ dưa này phải đến 80 ngày mới cho thu hoạch. Tuy vậy, năng suất dưa vụ đông xuân 2021 - 2022 vẫn đạt khá. Tuy nhiên, do giá dưa quá thấp nên người trồng đành chịu lỗ trên ruộng dưa tốt ngất.

“Tính năng suất dưa bình quân 2 tấn/sào, với giá bán 1.900 đ/kg, mỗi sào dưa lứa sau tôi bán được 3,8 triệu đồng. Trong khi từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, tôi đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV hết 5,5 triệu đồng/sào, đó là chưa kể 1 triệu đồng tiền công cắt tỉa nhánh, tưới và bón phân cho dưa.

Thêm vào đó, tiền thuê đất trồng dưa mỗi sào 1 triệu đồng/vụ nữa. Vị chi, tổng chi phí đầu tư cho mỗi sào dưa đến khi thu hoạch là 7,5 triệu đồng. Trong khi bán 2 tấn dưa chỉ có 3,8 triệu đồng, như vậy mỗi sào dưa tôi lỗ mất 3,7 triệu đồng, 30 sào dưa sau thu hoạch lỗ hơn 100 triệu đồng. Vụ dưa này ai trồng nhiều lỗ nhiều”, ông Nhựt buồn bã tính toán.

Diện tích giảm mạnh, giá dưa vẫn rẻ bèo

Vụ này, nông dân huyện Phù Cát (Bình Định) trồng được 267 ha dưa hấu, giảm gần 180 ha so cùng kỳ năm trước, tập trung tại các xã: Cát Lâm, Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Tài, Cát Sơn, Cát Tường và Cát Nhơn.

Nhờ nước tưới đầy đủ và thời tiết thuận lợi, dưa vụ đông xuân ở Phù Cát cho năng suất đạt khá, bình quân 35 tấn/ha. Diện tích dưa hấu giảm mạnh, nhưng không vì thế mà giá dưa hấu tăng lên so với các năm, ngược lại còn rớt thảm hại. Người trồng dưa vừa thu hoạch vừa "mếu" vì tiền bán dưa không đủ bù chi phí đầu tư.

Dù diện tích dưa hấu năm nay đã giảm rất nhiều so với mọi năm, nhưng giá dưa vẫn tuột dốc thảm hại. Ảnh: V.Đ.T.

Dù diện tích dưa hấu năm nay đã giảm rất nhiều so với mọi năm, nhưng giá dưa vẫn tuột dốc thảm hại. Ảnh: V.Đ.T.

Theo tính toán của người trồng dưa hấu ở xã Cát Lâm, địa phương có diện tích trồng dưa nhiều nhất huyện Phù Cát với 75 ha, mỗi sào dưa ở đây đầu tư các khoản giống, phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc từ đầu đến cuối vụ mất khoảng 5 triệu đồng. Nếu ai thuê đất thì mất thêm 1 triệu/sào nữa. Ấy vậy mà giá dưa hấu vụ này ở Phù Cát chỉ dao động 800 - 1.500 đ/kg, người trồng dưa thu về chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/sào, lỗ 2,5 triệu đồng/sào.

Theo ông Võ Văn Tiếng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, hồi đầu vụ, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dự báo thị trường Trung Quốc sẽ khó tiêu thụ nên xã đã vận động bà con giảm diện tích dưa hấu, chuyển sang các loại cây trồng khác.

Thực tế, vụ đông xuân này diện tích dưa hấu của xã Cát Lâm đã giảm hơn 95 ha so cùng kỳ năm trước. “Với năng suất dưa đạt như năm nay, nếu dưa hấu giữ giá khoảng 6.000 - 8.000 đồng/kg như mọi năm thì người trồng dưa thắng lớn, nhưng đáng tiếc là giá dưa hấu lại tụt quá sâu”, ông Tiếng chia sẻ.

Người trồng dưa ở huyện miền núi An Lão (Bình Định) còn thê thảm hơn, dù trước đó nhờ ngành chức năng cảnh báo sớm về những cây trồng lệ thuộc thị trường Trung Quốc, nên diện tích dưa hấu ở An Lão đã giảm mạnh, chỉ còn 30 ha.

Thế nhưng vụ dưa đông xuân năm nay, những vùng dưa ở An Lão vẫn vắng bóng thương lái đến mua như những năm trước đây. Giá dưa cũng tụt thảm hại. Nếu như năm ngoái dưa hấu ở An Lão bán tại ruộng được 6.000 - 8.000 đ/kg thì vụ này chỉ bán được khoảng 1.000 đ/kg, nhưng thi thoảng mới có người hỏi mua. Dưa chín đầy ruộng mà không có người mua, chủ ruộng dưa nóng ruột phải thu hoạch rồi chở đi bán lẻ từng trái. Thậm chí có chủ ruộng dưa đã nhận tiền cọc, nhưng do thị trường Trung Quốc đóng cửa nên thương lái đành bỏ tiền cọc, chấp nhận mất ít để khỏi bị lỗ khoản tiền lớn.

Do không có thương lái mua nên các chủ ruộng dưa phải thu hoạch rồi bày bán lẻ từng quả. Ảnh: V.Đ.T.

Do không có thương lái mua nên các chủ ruộng dưa phải thu hoạch rồi bày bán lẻ từng quả. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Võ Xuân Cầm ở thôn Long Hòa, xã An Hòa (huyện An Lão) buồn bã: “Năm nay, do thời tiết mưa lạnh kéo dài đã khiến cây dưa phát triển èo uột, sâu bệnh tấn công, năng suất kém hơn mọi năm. Đến khi thu hoạch thì dưa lại mất giá, người trồng dưa lỗ khốn đốn. Với 3 ha dưa, vụ này tôi lỗ gần 200 triệu đồng”.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Nhựt, người trồng đến 50 sào dưa hấu ở huyện Vĩnh Thạnh, do thị trường Trung Quốc đóng cửa nên năm nay các vùng dưa vắng bóng thương lái đến mua như mọi năm. Dưa hấu năm nay chủ yếu tiêu thụ nội địa, dưa chín đồng loạt nên thu hoạch ào ạt, cung vượt cầu nên rớt giá thảm hại. Trong khi đầu năm nay, miền Bắc mưa lạnh kéo dài, nên dưa hấu mất thêm nguồn tiêu thụ lớn tại thị trường nội địa.

“Hiện nay, theo quy định mới thì sản phẩm ớt và dưa hấu của Bình Định không xuất khẩu theo đường chính ngạch vào thị trường Trung Quốc được, bởi không đáp ứng được những quy định của Hải quan Trung Quốc, mà chỉ có thể xuất qua đường tiểu ngạch.

Xuất khẩu qua đường tiểu ngạch thì rất bấp bênh, nếu nông dân trồng nhiều quá sẽ có nguy cơ dẫn tới ứ đọng sản phẩm. Do đó, trong vụ đông xuân 2021 - 2022, chúng tôi khuyến cáo các địa phương điều chỉnh tăng diện tích cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định như lúa, ngô, lạc, vừng, rau các loại, đồng thời giảm diện tích những loại cây trồng có đầu ra bấp bênh như dưa hấu và ớt”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.