| Hotline: 0983.970.780

Đưa sản phẩm OCOP thành giỏ quà tặng

Thứ Năm 14/07/2022 , 14:14 (GMT+7)

Giỏ quà sản phẩm OCOP vừa giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, vừa tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua được hàng hóa chất lượng.

Thú vị giỏ quà tinh hoa sản phẩm OCOP

Nhiều người tiêu dùng ở Kiên Giang cảm thấy khá thú vị khi lần đầu tiên được giới thiệu những giỏ quà giói trọn tinh hoa bằng các sản phẩm đạt chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm). Việc đưa các sản phẩm OCOP thành giỏ quà là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khách hàng, phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh, giao lưu học hỏi, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, tạo điều kiện cho các chủ thể sản phẩn OCOP nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Tỉnh Kiên Giang hiện có trên 100 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên, trong đó có nhiều sản phẩm có tiềm năng đạt hạng 5 sao cấp quốc gia. Ảnh: Trung Chánh.

Tỉnh Kiên Giang hiện có trên 100 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên, trong đó có nhiều sản phẩm có tiềm năng đạt hạng 5 sao cấp quốc gia. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Huỳnh Thanh Liêm, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, nhằm thúc đẩy công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục phối hợp với các sở ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương thông qua thông tin đại chúng, tham gia các sàn thương mại điện tử. Xây dựng nhiều phương án, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ngoài ra, còn tạo điều kiện đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như sản phẩm gạo hữu cơ, hồ tiêu, nước mắm truyền thống, chả lụa… Đến nay, đã có trên 60 sản phẩm đạt chuẩn tham gia sàn thương mại điện tử, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm – OCOP giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, nhằm phát triển các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

“Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sử dụng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương để làm giỏ quà tặng, quà biếu cho gia đình chính sách, hộ khó khăn. Kết quả bước đầu đã có trên 2.000 giỏ quà với tổng giá trị sản phẩm trên 2,4 tỷ đồng được tiêu thụ”, ông Liêm cho biết.

Mới đây, tỉnh Kiên Giang cũng đã tham Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Đồng Tháp. Tại đây, đoàn tỉnh Kiên Giang tham gia khu Không gian triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, với quy mô 5 gian hàng tiêu chuẩn, gian hàng được thiết kế hiện đại, bố trí hàng hóa trưng bày bắt mắt, thu hút khách tham quan. Theo đó, có 8 huyện, thành phố trong tỉnh có cơ sở, chủ thể OCOP tham gia trưng bày, giới thiệu 48 sản phẩm, gồm các nhóm sản phẩm như: gạo các loại, hồ tiêu, nước mắm, tôm khô, cá khô các loại, rượu các loại, các sản phẩm từ khóm, các sản phẩm trà, muối tiêu, bột nghệ, tinh dầu, chả lụa….

 Đây là dịp để doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh có cơ hội trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm với các đơn vị trong nước về phân phối sản phẩm, đẩy mạnh phát triển thương hiệu và trao đổi hàng hóa, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Thông qua quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm được đối tác hợp tác sản xuất kinh doanh, đại lý phân phối sản phẩm và bán hàng trực tiếp cho các khách hàng với doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP

Nhằm thúc đẩy xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng đị phương, mới đây Sở NN-PTNT Kiên Giang đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP năm 2022, phát động phong trào thi đua chuyên đề thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2020-2025.  

Ông Trần Công Danh (thứ 5 từ trái qua), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang trao chứng nhận cho các chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Anh: Trung Chánh.

Ông Trần Công Danh (thứ 5 từ trái qua), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang trao chứng nhận cho các chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Anh: Trung Chánh.

Theo ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 tỉnh dự kiến có ít nhất 190 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Tiếp tục củng cố và nâng cấp các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương. Tạo điều kiện thuân lợi cho các chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, khuyến khích mỗi huyện, thành phố có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm.

Riêng trong năm 2022, tỉnh phấn đấu có từ 50 sản phẩm mới đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên, bình quân 4 sản phẩm/huyện, thành phố, củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng.

Là chủ thể vừa được tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, ông Lê Quốc Việt (ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) phấn khởi cho biết: “Nhiều năm qua tôi đã xây dựng trang trại sinh thái Lúa mùa Tư Việt, chuyên bảo tồn văn hóa lúa mùa, sản xuất hoàn toàn theo cách truyền thống của ông bà xưa, không sử dụng bất kỳ loại phân bón, thuốc hóa học. Từ đó, tạo ra sản phẩm gạo hữu cơ, rất an toàn, được khách hàng tin dùng. Mới đây, 2 loại gạo lúa mùa của trang trại là Gạo chim rơi và Móng chim vàng đã được tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao”.

Tỉnh Kiên Giang ưu tiên hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương. Ảnh: Trung Chánh.

Tỉnh Kiên Giang ưu tiên hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương. Ảnh: Trung Chánh.

Trước đó, Sở NN-PTNT Kiên Giang đã phối hợp với các ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức hướng dẫn cho các chủ thể đăng ký tham gia dự thi Chương trình OCOP. Kết quả tham mưu cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh tổ chức 2 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Qua kết quả đánh giá có 90/93 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó, có 6 sản phẩm tiềm năng đạt hạng 5 sao cấp quốc gia, 15 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 69 sản phẩm đạt hạng 03 sao. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 108/120 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, đạt 90% kế hoạch cho cả giai đoạn 2020-2025.

Sở NN-PTNT Kiên Giang phối hợp Sở Nội vụ đã phát động phong trào thi đua chuyên đề thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh, nhằm khuyến khích và khen thưởng cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình tham gia thực hiện chương trình. Qua đó, sẽ góp phần phát triển các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, mang đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương. Đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa của từng địa phương.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.