| Hotline: 0983.970.780

Đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa, tăng 20% giá trị

Thứ Ba 13/08/2024 , 09:35 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã và đang triển khai nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa giúp nông dân giảm chi phí đầu vào.

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai mô hình đưa tiến bộ kỹ vào sản xuất lúa để bà con học tập. Ảnh: KS.

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai mô hình đưa tiến bộ kỹ vào sản xuất lúa để bà con học tập. Ảnh: KS.

Lúa là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Thuận, hiện diện tích canh tác khoảng 43.000ha, mỗi năm gieo trồng 3 vụ trên 120.000ha. Những năm qua, việc sản xuất lúa tại tỉnh này không chỉ giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh và cả nước, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi và phụ phẩm cho canh tác cây thanh long.

Tuy nhiên theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, việc sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Cụ thể, các cánh đồng lúa phân tán, không tập trung; diện tích sản xuất lúa của người dân nhỏ lẻ (trung bình chỉ 0,6 - 1,2ha/hộ), manh mún. Hiện giống lúa mới đa dạng nhưng vẫn chưa được người dân sử dụng nhiều. Nông dân sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, chưa chịu khó tiếp cận kỹ thuật mới…

Trước tình hình trên, từ năm 2016 - 2023, Trung tâm đã tập huấn và triển khai các mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI) tại các huyện trọng điểm trồng lúa của tỉnh gồm Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh. Nhờ đó, đã giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa từ 7 - 55% qua các vụ (trung bình 20%) so với sản xuất truyền thống. Đồng thời, bà con đã thay đổi phần nào nhận thức trong canh tác lúa như giảm lượng nước tưới phù hợp, giảm lượng giống gieo sạ từ 25 - 30kg/sào xuống còn 12 - 15kg/sào.

Nông dân Bình Thuận hiện cũng đã giảm mật độ gieo sạ. Ảnh: KS.

Nông dân Bình Thuận hiện cũng đã giảm mật độ gieo sạ. Ảnh: KS.

Ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cho biết, hiện đơn vị đang tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo.

Điển hình như các mô hình trình diễn các giống lúa mới chất lượng cao gồm Đài Thơm 8, ST25... và mô hình sản xuất lúa hướng hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP với quy mô 212ha ở 5 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh. Các mô hình dựa trên các nền tảng kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, điều tiết nước ướt - khô xen kẽ, ứng dụng cơ giới hoá thực hiện "cánh đồng không dấu chân" nhằm hướng đến canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí carbon.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn giúp nông dân ứng dụng chuyển đổi số khâu ghi chép nhật ký cho người trồng lúa nhằm minh bạch hoá quá trình sản xuất... Nổi bật hiện nay là tại huyện Tánh Linh đã hình thành vùng chuyên canh lúa thương phẩm chất lượng cao với hơn 2.300ha và đang hướng đến diện tích khoảng 3.000ha.

Cũng theo ông Ngô Thái Sơn, hiện tỉnh đang đẩy mạnh cơ cấu lại vùng lúa phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, cũng như hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn. Từ đó từng bước đưa cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất.

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai mô hình sử dụng drone phun thuốc BVTV, rải phân bón. Ảnh: KS.

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai mô hình sử dụng drone phun thuốc BVTV, rải phân bón. Ảnh: KS.

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cũng đã và đang triển khai các mô hình đẩy mạnh cơ giới hoá đồng bộ các khâu trong sản xuất lúa như sạ cụm kết hợp bón lót, sử dụng drone phun thuốc BVTV, rải phân bón...

Để tạo cơ sở nhân rộng, thúc đẩy xã hội hoá công tác khuyến nông cũng như thu hút doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ nông dân, HTX trong sản xuất lúa gạo, Trung tâm đã hợp tác với Công ty Đại nông Cơ giới tiến hành trình diễn sạ cụm và phun xịt thuốc BVTV bằng drone tại Trại giống lúa Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc) trong vụ hè thu 2024.

Theo đó, việc sạ cụm chỉ với lượng giống từ 8 - 10kg/sào, giảm 50 - 60% lượng giống so với sản xuất đại trà. Vừa qua, Trung tâm đã phối hợp Trung tâm Giống nông nghiệp và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo đánh giá mô hình sạ cụm giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh đều, ít sâu bệnh hại.

Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa của khuyến nông triển khai. Ảnh: KS.

Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa của khuyến nông triển khai. Ảnh: KS.

Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 ổn định diện tích sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao khoảng 17.000ha, đồng thời ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây lúa.

Bên cạnh đó, nâng cao công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện các mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương để thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho nông dân, tạo sự dịch chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới có áp dụng khoa học công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm chí phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho nông dân, thời gian đến, Trung tâm sẽ triển khai các mô hình "cánh đồng không dấu chân" trên các vùng lúa trọng điểm, dự kiến xuống giống trong vụ mùa 2024 và đông xuân 2024 - 2025.

Xem thêm
Nuôi 6 vạn gà, mỗi ngày thu về 4 vạn quả trứng

Quảng Ninh Mỗi ngày trang trại gà của bà Phạm Thị Nguyệt Dung thu về 4 vạn quả trứng, cung ứng cho trên 70% các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, Nghệ An cẩn trọng đặc biệt

Nhận thấy diễn biến của dịch tả lợn Châu Phi hết sức khó lường, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị ứng phó trên diện rộng.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).