| Hotline: 0983.970.780

Dừa tươi Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh ở Trung Quốc

Chủ Nhật 15/09/2024 , 15:54 (GMT+7)

Cơ hội xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc rất lớn bởi thị trường này có nhu cầu cao, trong khi sản lượng nội địa ở mức thấp.

Dừa tươi xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là dừa xiêm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Dừa tươi xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là dừa xiêm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, trước khi có Nghị định thư cho phép xuất khẩu dừa tươi Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, trái dừa tươi đã được nhiều thương lái xuất khẩu sang thị trường này qua đường tiểu ngạch.

Trong thời gian qua, Hiệp hội Dừa Việt  Nam đã có những trao đổi thường xuyên với các hiệp hội thương mại của Trung Quốc về nhu cầu nhập khẩu dừa tươi của thị trường này. Thông tin từ những trao đổi cho thấy, Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu dừa tươi. Năm 2022, nhập khẩu dừa tươi của Trung Quốc đạt 872 nghìn tấn (tương đương khoảng 2,6 tỷ trái dừa), trị giá 543 triệu USD.

Còn theo Produce Report, nhập khẩu dừa của Trung Quốc vào năm 2023 đạt tổng cộng 1,18 triệu tấn, trị giá 580 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan là 589 nghìn tấn, từ Indonesia là 364 nghìn tấn…

Ông Cao Bá Đăng Khoa cho biết, ở Trung Quốc, chỉ có tỉnh Hải Nam trồng được dừa. Sản lượng dừa Hải Nam đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu của cả Trung Quốc. Mặt khác, trái dừa Hải Nam lại có những hạn chế do khí hậu, thời tiết như nhỏ hơn trái dừa của các nước khác. Những thông tin này cho thấy dư địa cho dừa tươi nhập khẩu ở thị trường Trung Quốc là rất lớn.

Lâu nay, Trung Quốc nhập trái dừa tươi nhiều nhất là từ Thái Lan. Sau Thái Lan là Malaysia và Philippiness. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhập khẩu dừa tươi từ Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ… Chất lượng trái dừa từ những nước này không đồng đều. Cho nên, tại một số hội chợ thương mại gần đây tại Trung Quốc, kết quả khảo sát thị trường cho thấy, người tiêu dùng Trung Quốc chưa hài lòng lắm đối với thực phẩm, đồ uống tươi trên thị trường.

Từ thực tế đó, ông Khoa nhận định, dư địa cho trái dừa tươi Việt Nam ở Trung Quốc là rất lớn và Nghị định thư cho phép trái dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc đang mở ra cơ hội cho người nông dân và cộng đồng doanh nghiệp ngành dừa Việt Nam có những định hướng đầu tư phù hợp với nhu cầu thị trường trong thời gian tới.

Chế biến dừa tươi xuất khẩu ở nhà máy của Vina T&T Group. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chế biến dừa tươi xuất khẩu ở nhà máy của Vina T&T Group. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Về khả năng cạnh tranh của dừa tươi Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, cho biết, trái dừa tươi xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu là giống dừa xiêm, còn Thái Lan xuất khẩu chủ yếu giống dừa dứa. Dừa dứa có kích cỡ lớn nhưng độ đường cao, vị thơm nồng. Trong khi đó, dừa xiêm có vị ngọt thanh hơn nên uống vào thấy mát hơn.

Nhiều người tiêu dùng hiện ưa thích những đồ uống có hương vị nhẹ nhàng, nên có xu hướng chọn dừa Việt Nam khi muốn uống nước dừa tươi. Vì vậy, tại nhiều thị trường như EU, Mỹ, Canada, Hàn Quốc…, dừa Việt Nam đã có được chỗ đứng nhất định và có thể cạnh tranh sòng phẳng với dừa tươi Thái Lan.

Ông Tùng cũng cho rằng Trung Quốc là một thị trường rất lớn. Khi Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch một loại trái cây nào đó, thì chắc chắn là thị trường này đang có nhu cầu cao với loại quả ấy. Lâu nay, Vina T&T đang xuất khẩu dừa tươi đi nhiều thị trường. Việc có thêm thị trường Trung Quốc sẽ tạo thêm lợi thế để công ty đưa dừa tươi vào thị trường này và cạnh tranh sòng phẳng với dừa tươi đến từ Thái Lan, Philippines, Malaysia… và các thị trường xuất khẩu dừa tươi khác.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.