Theo tờ báo của Anh, Berlin đang cảm thấy ngày càng bị cô lập, lo ngại rằng việc ông Trump đắc cử thêm một nhiệm kỳ Tổng thống nữa có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu của mình, cũng như đột ngột cắt giảm nguồn tài chính cho NATO.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) hôm 21/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng ông sẽ dừng cuộc đua vào Nhà Trắng và ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris đại diện đảng Dân chủ tranh cử vào ngày 5/11. Chính trị gia kỳ cựu 81 tuổi này đang phải đối mặt với áp lực ngày một lớn từ nội bộ đảng Dân chủ yêu cầu ông dừng tranh cử sau màn trình diễn kém thuyết phục của ông trong cuộc tranh luận trực tiếp trước ông Trump.
Trong một bài báo được xuất bản hôm 22/7, tờ Financial Times cho biết rằng "các nhà ngoại giao đang nỗ lực chuẩn bị cho một kịch bản ông Trump đắc cử, điều cho thấy sự bất an sâu sắc ở Berlin". Các quan chức Đức được cho là lo ngại rằng nếu đắc cử, ông Trump có thể áp dụng một chính sách kinh tế bảo hộ quyết liệt hơn so với nhiệm kỳ trước đó của ông.
Lời đe dọa của ông Trump về việc áp thuế 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu đã khiến Berlin đặc biệt lo ngại. Những quan ngại này thậm chí tiếp tục gia tăng khi ông Trump bổ nhiệm J.D. Vance làm ứng viên Phó Tổng thống của mình vào tuần trước, một chính trị gia thậm chí còn được cho là có tư tưởng bảo hộ cực đoan hơn cả cựu Tổng thống.
Theo Financial Times, một đơn vị thuộc Bộ Kinh tế Đức đang cố gắng dự đoán trước những tác động của việc ông Trump trở lại nắm quyền đối với nền kinh tế của nước này.
Một nguyên nhân chính khác khiến Berlin lo ngại là viễn cảnh chính quyền ông Trump giảm các khoản đóng góp tài chính của Mỹ cho NATO, cũng như viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ứng viên đảng Cộng hòa đã nhiều lần cáo buộc một số quốc gia thành viên NATO đã không đáp ứng các mục tiêu về chi tiêu quân sự cho khối. Ông Trump từng gợi ý rằng, nếu ông nắm quyền, Washington có thể cân nhắc lại việc đảm bảo an ninh cho các quốc gia không đáp ứng các mục tiêu đóng góp tài chính cho khối. Ông cũng nhiều lần chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden vì những khoản "viện trợ hào phóng" cho Kiev, đồng thời tuyên bố rằng ông sẽ chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ.
Theo Financial Times, sau nhiều tháng phủ nhận, các quan chức Đức, bao gồm cả các Bộ trưởng, đã bắt đầu cố gắng thiết lập quan hệ với thành viên đảng viên Cộng hòa có ảnh hưởng, đặc biệt là các thống đốc và thượng nghị sĩ, với hy vọng rõ ràng rằng họ sẽ giúp bảo vệ lợi ích kinh doanh của Đức ở Mỹ nếu ông Trump đắc cử Tổng thống vào ngày 5/11.