| Hotline: 0983.970.780

‘Đường lên đỉnh Olympia’ hay hành trình đi không trở lại?

Thứ Hai 21/09/2020 , 19:39 (GMT+7)

Sau đêm chung kết 'Đường lên đỉnh Olympia 2020', nhiều người băn khoăn liệu quán quân năm nay có trở lại quê hương sau khi nhận được học bổng du học?

Kết quả chung cuộc 'Đường lên đỉnh Olympia 2020'.

Kết quả chung cuộc "Đường lên đỉnh Olympia 2020".

Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia 2020” đã tìm được quán quân mới là nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng của Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình.

Vượt qua ba thí sinh Lưu Đào Dũng Trí (Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, Hà Nội) Văn Ngọc Tuấn Kiệt (Trường THPT thị xã Quảng Trị, Quảng Trị) và Vũ Quốc Anh (Trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk) cô gái miền quê Kim Sơn - Ninh Bình giành được học bổng trị giá 40 nghìn USD.

Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” là một sân chơi dành cho những học sinh xuất sắc về năng lực ghi nhớ và tích lũy kiến thức.

Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” được Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình VN thực hiện từ năm 1999 đến nay. 20 kỳ thi đã có 20 quán quân được học bổng để du học tại Úc. Và điều nhiều người quan tâm là không có một quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” nào trở lại phục vụ đất nước sau khi hoàn thành việc học.

Liệu quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” vừa được xướng tên là nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng có tiếp tục hành trình "đi không trở lại" như những quán quân trước đó không? Câu hỏi ấy, không ai có thể trả lời, nhưng sự băn khoăn là có thật.

Vì sao các quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” không chọn cách lập nghiệp tại Việt Nam, mà tìm kiếm cơ hội sinh sống ở các quốc gia khác? Phải chăng khi đã thấy “Đường lên đến đỉnh Olympia” thì họ hình thành suy nghĩ và thái độ khác?

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Phạm Khánh Vân chia sẻ góc nhìn: “Các bạn ấy có lỗi gì không? Không! Họ ăn học bằng tiền của cha mẹ, nhận học bổng nước ngoài, ở lại làm công dân toàn cầu. Đó là lựa chọn của họ!

Bạn yêu Việt Nam, bạn ở lại Việt Nam, đó là lựa chọn của bạn và bạn thấy hạnh phúc. Nó không khác gì ăn cá hay thịt, ở Sài Gòn hay Hà Nội, nó là quyết định cá nhân.

Người giỏi đi thì chúng ta vẫn còn rất nhiều người rất giỏi khác ở trong nước, quan trọng là làm thế nào để giữ nhân tài, lo nuôi con cá trong hồ chứ đừng oán trách con cá đang bơi giữa đại dương.

Chỉ có những ai nhận học bổng của Việt Nam, đi học bằng tiền thuế của dân mới cần cam kết về nước để làm việc hoặc phải trả lại số tiền tài trợ. Đó là công bằng!

Còn các bạn trẻ đi học bằng tiền cha mẹ họ, chỉ cha mẹ có thể có quyền quyết định cho con họ thôi”.

Nhà văn Nguyễn Một thì có cách lý giải khác: Một cuộc khảo sát về những quốc gia có đóng góp tổng thể cho nhân loại thì Việt Nam xếp hạng thứ hạng 124/125, có nghĩa là “dưới đáy”.

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần có đóng góp gì cho nhân loại chứ không chỉ loay hoay ở địa phương hay quốc gia, bạn hãy nghĩ xem những sản phẩm của nền văn minh mà bạn đang dùng hàng ngày như điện thoại, máy tính, ô tô có phải là phát minh của người Việt Nam không?

Vì vậy, chúng ta cho các em nền tảng ban đầu là điều kiện du học, sau khi học xong, bằng nhận thức của mình các em có quyền lựa chọn môi trường phù hợp nhất để làm việc, sáng tạo và nếu trong các em có một thiên tài sáng tạo ra “công trình” có ích cho nhân loại thì dù ở quốc gia nào cũng tốt cả, vì nhân loại trong đó có cả Việt Nam chúng ta! Lá rồi cũng rụng chứ mất đi đâu?

Mong rằng trong tương lai, từ những “hạt giống” hôm nay sẽ cải thiện được bản đồ xếp hạng “đóng góp cho nhân loại” của Việt Nam trên thế giới!".

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?