Chị kính mến!
Khi lá thư này khiến chị đọc hết, thế nào chị cũng bảo tôi kém cạnh, thế mà cũng phải hỏi. Nhưng chuyện đời, chị cũng biết rồi đó, nó không như chúng ta tưởng bao giờ. Tôi ở thế đi cũng dở mà ở cũng không xong chị ạ.
Tôi mất chồng từ năm 33 tuổi, ở vậy nuôi con. Năm bốn mươi tuổi, tôi gặp người đàn ông hiện nay vẫn gắn bó với tôi. Anh ấy lớn hơn tôi 10 tuổi, ly dị vợ, có hai con một trai một gái. Nói ly dị cũng không chính xác, chẳng qua bà ấy mang tội lừa đảo tiền bạc, bạn bè thưa kiện, đi tù, nhà cửa của hai vợ chồng bị cưỡng chế hết, anh ấy không nhà không tiền nên đã vấp vào tôi. Thôi thì mấy chục năm rồi, lên lão cả rồi, hôn nhân chính thức hay hôn nhân thực tế thì chúng tôi cũng là vợ chồng trong mắt bà con, bạn bè, lối phố.
Con trai tôi vẫn ở chung đây với chúng tôi, vợ và hai đứa con của nó. Đứa con trai riêng của chồng tôi đã theo bên vợ nó định cư ở nước ngoài. Con gái riêng của anh ấy làm ăn giỏi, phải nói nó có máu làm ăn phiêu lưu của mẹ nó nên phất nhanh. Nghề buôn gỗ mà chị, không biết có bền không nhưng công ty càng ngày càng to.
Vừa qua đứa con gái ấy xây cho bố nó một ngôi nhà gỗ, trên đất mua mới hoàn toàn. Mẹ nó sau mấy lần sang chơi với con trai, không ở hẳn bên ấy được, đã về và ở trong ngôi nhà mới ấy. Bà ấy và con gái lập bàn thờ nhà nội nó, bảo ở chỗ tôi, nhà của tôi, không thờ cúng nội nó được. Vậy là bà ấy ôm bàn thờ nhà chồng của cả tôi rồi.
Nhà rộng, đẹp, chồng tôi thấy có bàn thờ cứ đau đáu muồn về chỗ ấy. Mà về với tôi nữa cơ. Nghịch cảnh cho tôi quá, đúng không chị? Chúng tôi đã về, ở thử xem sao. Bà ấy giờ đọc kinh, đi chùa, ăn chay. Bếp chung nhưng bữa ai người ấy nấu, nhà ba người hai góc ăn, chả ra làm sao. Chồng tôi sau nhiều tháng phân vân, giờ làm giỗ trong ngôi nhà ấy được rồi, trước nay anh phải về quê giỗ nhà bác trưởng, anh vui lắm, ngày đêm năn nỉ tôi về đằng ấy.
Tôi quên kể rằng chúng tôi cùng thị xã nhỏ, nhà tôi và nhà mới của bố nó cũng chỉ vài con phố thôi. Lối phố chỗ mới xì xào, bà con bên tôi vùng vằng, con trai và con dâu tôi im lặng tủi hờn. Dù gì tôi cũng là cô giáo về hưu mà chị, tôi phải chịu cảnh một ông hai bà chung một mái nhà sao? Nhưng bỏ anh ấy, tôi lại thấy khó sống chị ạ, quen rồi, mấy chục năm rồi, già cả càng nên phải có nhau.
Tôi mắc kẹt rồi chị ơi.
--------------------
Bạn thân mến!
Thực ra tôi rất ngạc nhiên khi thấy con cái anh thu xếp như vậy. Không phải có tiền là có lý. Vì sao không làm cho mẹ nó một chỗ ở, cạnh nó, cùng lắm là ở cạnh nhà của bố nó để đến nỗi lùa cả ba người vào chung một chỗ như thế?
Vấn đề sâu xa là bạn ạ, bạn giáo viên, bạn đã không đấu tranh ngay từ đầu để người đàn ông ấy ly hôn chính danh và chính danh sau đó với bạn. Danh không chính thì hành xử khó thuận. Nếu chồng bạn có giấy tờ với bạn trong cuộc hôn nhân này, con trai của bạn phải ra riêng, bàn thờ bố nó ở nhà nó cho thuận mắt (vì bạn đã tái hôn, người ấy gây dựng cơ ngơi với bạn, người ta phải được sở hữu nhà đang sống với bạn). Không gì hết, giấy tờ, sở hữu và cả thờ cúng.
Bạn không nói mình ở đâu nhưng tôi biết, người miền ngoài xem bàn thờ và giỗ chạp quan trọng lắm. Trong khi đó vợ cũ của chồng bạn lại không có chỗ chính thức, ấy là chưa nói việc bà ấy không thể sống với con gái và con rể giàu sụ kia. Tính khí, tư cách, quá khứ tù rạc… chắc gì con rể nó yêu thương bà ấy. Vậy là chúng nó âm thầm xây nhà gỗ đẹp để đẩy mẹ về đó, khi có bàn thờ nội nó nữa thì bố phải về theo thôi, bố đang cần cái bàn thờ kia mà.
Bạn nên suy nghĩ và cân nhắc kỹ. Quan sát nữa. Nếu họ vẫn còn tình với nhau, bạn ạ, bạn nên rời ra, ai về chỗ ấy với con của mình đi. Con gái của chồng ỷ tiền, thu xếp vậy là ngang ngược, ít nhất cũng ngang ngược với bạn. Không thể sống cảnh một ông hai bà, theo tôi. Không việc gì phải vậy. Có khi nó thấy bạn yêu người đàn ông này quá nên thu xếp mà không cần quan tâm phản ứng, tâm tư của bạn.
Tôi hình dung không có ấm êm trong căn nhà ấy. Tuổi già đã đến, nên yên và vui. Không được vậy thì nên yên phận của mình. Duyên đã hết, bạn đã xong nợ với người đàn ông ấy rồi, kệ họ, họ sum họp cũng được chứ sao, bạn đã có con cháu của mình, đừng làm chúng tủi hờn, tội nghiệp.