| Hotline: 0983.970.780

Duyên tình của ngôi sao cải lương lừng danh

Thứ Bảy 08/05/2021 , 13:10 (GMT+7)

Sau những ngày tháng lênh đênh hát cộng tác với các đoàn nhỏ lẻ, cuộc đời Phùng Há ngỡ sa vào ngõ cụt, nhưng bất ngờ lại có quý nhân phù trợ.

Nghệ sĩ tài danh Phùng Há (1911-2009).

Nghệ sĩ tài danh Phùng Há (1911-2009).

Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há (tên thật Trương Phụng Hảo) sinh năm 1911 ở thành phố Mỹ Tho. Khi cha mất sớm bé Phụng Hảo phải đi đóng gạch thuê với mẹ. Cô có giọng ca thiên bẩm mà không ai ngờ. Thậm chí những người thợ còn đóng gạch hộ cho bé. Họ chỉ cần cô đứng hát cho mọi người nghe. Giọng cô bé 13 tuổi cao vút bay bổng trên những hầm đất tối tăm. Tiếng lành đồn xa. Ông chủ rạp hát Hai Cu tìm đến...

Khi ông chủ rạp Hai Cu của đoàn Tái Đồng Ban tìm đến như một cơ may bất ngờ cho Phụng Hảo. Khi đó đoàn cần tìm gấp một đào chính mới thay cho cô Năm Phỉ. Thoáng nghe cô hát ông đã lập tức xin mẹ cô cho ký hợp đồng.

Tiền lương tháng gấp mười lần công đóng gạch. Phụng Hảo ngơ ngác lo sợ cho dù trong lòng mừng rỡ. Còn mẹ của Phụng Hảo ký ngay hợp đồng và đặt luôn nghệ danh cho con là Phùng Há (phiên âm từ Phụng Hảo theo tiếng Quảng Đông).

Từ đó cuộc đời nghệ sĩ tha hương bắt đầu. Trước đây cô Năm Phỉ đã nổi tiếng. Giọng cô ấm khàn làm mê hoặc lòng người. Nay giọng hát Phùng Há ngược lại. Sang sảng cao sang. Nhưng trước khi lên sân khấu Phùng Há phải học lời hát của vai diễn và tập luyện diễn xuất.

Ngày đó các nghệ sĩ đều phải học truyền miệng do các nhạc công và nghệ sĩ lớp trước dạy lại. Nên học vai nào biết vai đó. Phùng Há được nhạc sĩ Tư Chơi dậy nhạc để nắm vững nhịp điệu và thuộc lời ca. Còn nghệ sĩ Năm Châu (NSND Nguyễn Thành Châu) dậy diễn xuất động tác và thể hiện nội tâm nhân vật.

Mọi người đều bất ngờ vì Phùng Há rất thông minh. Bài bản học ba lần là thuộc lòng. Nên cả vở chỉ trong vài tháng là diễn cứ như không. Vai đầu tiên cô Phùng Há diễn trên sân khấu là nhân vật Giả Thị trong vở "Hoàng Phi Hổ quy châu".

Cô diễn cùng kép chính Năm Châu. Hai người làm khán giả ngạc nhiên vì sự ăn ý thâm sâu. Cứ như hai người đã diễn với nhau từ lâu. Trước mắt họ là một đào nương trắng trẻo xinh đẹp đài các và mơ mộng. Ai cũng nghĩ cặp đôi này ắt hẳn yêu nhau mới ăn ý trên sân khấu đến thế. Nhưng mọi người có phần mừng hụt vì trong lòng Phùng Há đã tơ tưởng thầy đàn Tư Chơi.

Hai người sớm cưới nhau làm lòng Năm Châu tan nát đổ sầu. Vậy nên giọng ca của Năm Châu ngày mỗi ngày thu hút lòng người. Phùng Há sớm có con với Tư Chơi. Nhưng ông trời oái oăm "duyên kia sao khéo chia lìa sớm hôm".

Tròm trèm duyên định được hai năm thì hai người chia tay bởi những chuyện vặt không đâu. Nhưng khi đó đào chính Năm Châu bỏ đi lang thang vô định. Đoàn rã gánh. Thầy đàn Tư Chơi cũng bơ vơ. Còn cô đào Phùng Há ôm con gái về với mẹ.

Nhưng rồi Mỹ Tho sớm có một ông bầu lãng tử xuất hiện. Đó là bầu Năm Tú học ở Tây về. Ông lập tức cho gọi mọi người tập hợp về mái nhà của ông (1926). Đó là "Rạp hát Thày Năm Tú" ở gần chợ. Mỹ Tho lúc này rộn ràng hơn bao giờ hết. Vở diễn đầu tiên khai trương cho rạp chính là vở Kiều.

Phùng Há diễn Kiều như thần làm bao người rơi nước mắt. Còn Năm Châu là một Từ Hải dũng mãnh chân chất và yêu đương say đắm. Là vở khai trương nhưng Kiều đứng vững hàng mấy tháng trời với hàng trăm xuất diễn. Phùng Há nổi lên như một ngôi sao sáng láng trên đất thánh cải lương Mỹ Tho. Tình yêu giữa Năm Châu và Phùng Há có manh nha nối lại.

Nhưng câu chuyện đang hồi hộp chờ trong sự chờ đợi thì một ông chủ khác xuất hiện khi đoàn Năm Tú có phần xa sút. Đó là Bạch công tử Lê Công Phước. Bạch Công tử mê cải lương và ra mặt si mê cô đào Phùng Há. Khi đó Phùng Há mới 18 tuổi dễ bị quy phục trước ông chủ hào hoa phong nhã, giàu có và nổi tiếng khắp lục tỉnh này.

Phùng Há với vở 'Phụng Nghi đình' lừng lẫy.

Phùng Há với vở "Phụng Nghi đình" lừng lẫy.

Đó chính là cuộc thứ hai của Phùng Há (1929). Bạch Công tử đã thành lập gánh hát Huỳnh Ký giao cho Phùng Há làm chủ. Có thể nói giai đoạn này tài năng của Phúng Há thêm rực rỡ bởi có điều kiện dựng nhiều tuồng mới. Hầu hết những vai khó đều do Phùng Há đảm nhiệm.

Bạch công tử như một nhà tổ chức biểu diễn thực thụ. Ông sắm ba thuyền máy lớn đi lưu diễn khắp lục tỉnh. Đi tới đâu cũng trống giong cờ mở. Dàn diễn viên có tài đều tụ về làm ăn. Đó là các đào kép nổi tiếng ở lục tỉnh, ngoài Phùng Há, Năm Châu còn có Ba Vân, Tám Du, Năm Thiện, Tư Bé, Hai Nữ...sau này còn có cả Năm Phỉ cũng đầu quân tạo nên những vở diễn nổi tiếng một thời.

Đặc biệt thời gian này kiếm bộn tiền cho Bạch công tử có vở "Giọt máu chung tình" do Năm Châu và Phùng Há diễn cặp đôi. Dẫn đoàn đi tới đâu Bạch Công tử đều rút súng bắn vang trời và cho diễn viên mặc thật đẹp đi dọc phố để quảng bá bán vé. Khi kết thúc cũng vậy Bạch Công tử lại nổ súng đì đoành và đốt pháo chia tay khán giả. Trong lòng đầy hoan hỉ.

Hạnh phúc của Phùng Há cũng không trọn vẹn cho dù có hai mặt con với Bạch Công tử. Tuy đây là giai đoạn bùng nổ về vai diễn và sự nghiệp của Phùng Há. Nhưng rồi chừng dăm năm sau hai người đã phải chia tay khi Bạch Công tử sa vào rượu chè và chơi bời trác táng.

Hai đứa con cũng không được Bạch Công tử đoái hoài cho dù chúng ốm đau bệnh tật. Phùng Há thân gái dặm trường không lo nổi việc lớn. Gánh hát tan rã. Hai con yểu mệnh không có tiền chữa bệnh lần lượt ra đi.

Phùng Há bơ vơ đi tìm bến đỗ mới. Những vai diễn lừng lẫy trong giai đoạn này của Phùng Há đã đóng dấu thương hiệu cho cô như: Lã Bố (vở Phụng Nghi Đình), Bạc Thu Hà (vở Giọt máu chung tình) và Cô Lựu (vở Đời cô Lựu).

Sau những này tháng lênh đênh hát cộng tác với các đoàn nhỏ lẻ, cuộc đời Phùng Há ngỡ sa vào ngõ cụt, nhưng bất ngờ lại có quý nhân phù trợ. Đó chính là Kỹ sư Nguyễn Bửu, một đại điền chủ giầu có ở Trà Vinh. Ông đã có một đời vợ và hai con trai nhưng đã ly hôn.

Kỹ sư Nguyễn Bửu cưới Phùng Há và thành lập đoàn hát "Phụng Hảo" ở Sài Gòn (1940). Phùng Há lại trở thành bà chủ đầy phù hoa. Trong tay bà các nghệ sĩ lừng lẫy một thời lại quy tụ và say mê nghiệp diễn.

Hai vợ chồng Phùng Há sống hạnh phúc tại một ngôi nhà lớn ở Gò Vấp. Gánh hát Phụng Hảo như thắp lại ngọn lửa đam mê của hàng chục nghệ sĩ cải lương ở Sài Gòn ngày đó. Một thánh đường nghệ thuật đã trở lại như xưa.

Trong những năm này nhiều vở diễn mới ra đời và Phùng Há lại nổi như sóng cồn ngay tại thành phố hoa lệ bậc nhất Đông Dương. Ấy thế rồi chiến sự và những biến cố xảy ra vào năm 1945 làm mọi hoạt động của gánh Phụng Hảo ngừng trệ dẫn tới vỡ nợ. Gánh hát giải tán. Đồng thời cuộc hôn nhân này cũng đổ vỡ.

Nhưng duyên phận của tổ nghề chưa chấm dứt đối với nghệ sĩ Phùng Há. Tuy vậy phải mãi tới năm 1950, bà lại được ông Châu Văn Sáu, một chủ trang trại chăn nuôi phục dựng lại gánh Phụng Hảo. Phùng Há lại một phen làm bà bàu và đem quân đi diễn khắp ba miền Trung, Nam, Bắc.

Ông chủ Châu Văn Sáu đầu tư khá lớn để Phùng Há thu nạp các nghệ sĩ gạo cội. Đồng thơi dựng lại những vở lớn để thu hút khán giả. Nhưng rồi cuộc chơi dã đám vì thời thế. Sau dăm năm như ngọn núi lửa phun trào rồi tắt ngấm.

Phùng Há lại cùng các nghệ sĩ diễn thuê cho các gánh hát khác. Giai đoạn này Phùng Há vẫn nổi lên như một ngôi sao sáng chói trên nền sân khấu cải lương và tuồng cổ một thời. Đó là các vai diễn chính trong các vở như: "Kiều Nguyệt Nga", "Phụng Nghi Đình", "Tình sử Dương Quý Phi", "Đời cô Lựu", "Tô Ánh Nguyệt"...

Nơi yên nghỉ của ngôi sao cải lương bậc nhất.

Nơi yên nghỉ của ngôi sao cải lương bậc nhất.

Khi sức khỏe đã yếu bà chỉ tham gia giảng dậy cho lợp nghệ sĩ trẻ sau này như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Thanh Tâm, Mỹ Hằng, Vũ Linh...Đặc biệt bà đã thông qua Hội Ái hữu nghệ sĩ Cải lương tìm mua được mảnh đất làm nghĩa trang cho những nghệ sĩ nghèo ở quận Gò Vấp TP HCM (từ 1958).

Số phận bà thật nghiệt ngã khi người con gái đầu tiên tìm về sống với bà một thời gian rồi cũng đột ngột xa rời thế gian trong một đêm gió mưa tầm tã. Bà về tu tại ngôi chùa trên đất nghĩa trang nghệ sĩ.

Một mình côi cút muộn sầu mấy chục năm trời. Nghệ sĩ Phùng Há được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu tiên năm 1984. Bà mất năm 2009 và được chôn cất tại nghĩa trang này. Nơi đây là như một chốn tìm về của Phùng Há sau 98 năm gian truân và cô đơn đến cuối đời.

(Kiến thức gia đình số 18)

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.