| Hotline: 0983.970.780

Duyên và nợ, còn sẽ còn mà hết thì sẽ hết!

Thứ Sáu 29/09/2017 , 06:50 (GMT+7)

Đúng là mười hai bến nước, cháu bước lên cái bến đục ngầu. Cháu là con gái út, con gái duy nhất của má cháu. Má biết cơ khổ vậy nên ngay từ đầu má giao hẹn với nhà chồng cháu là má bắt rể...

Cô Dạ Hương kính!

Hồi trước, cũng vì không nghe lời má mà cháu chịu một gia tộc bên chồng quá bết bát. Người ta nói “vợ xem tông chồng xem giống”, cái giống nhà chồng của cháu là được chăng hay chớ, nhà dột cột xiêu. Hồi quen nhau trong một đám cưới, cháu thích cái mã, anh ta thích cháu ít nói, không biết uống rượu giữa cái đám đàn bà con gái đỏ mặt tía tai hát hò tía lia.

Đúng là mười hai bến nước, cháu bước lên cái bến đục ngầu. Cháu là con gái út, con gái duy nhất của má cháu. Má biết cơ khổ vậy nên ngay từ đầu má giao hẹn với nhà chồng cháu là má bắt rể. Nhưng cưới xong, chồng cứ muốn kéo cháu về cái nhà dột cột xiêu của anh ta, trong đó, tía anh uống rượu như hũ chìm còn má anh thì buôn dưa lê nhất xóm. Vậy nên nhà họ cứ hoàn cảnh hoài.

Má cho hai vợ chồng cháu ra riêng trên đất ruộng trong quê. Má cho người ta mướn rẻ, đất đó của nhà nội cháu mà ba cháu là liệt sĩ mặt trận Tây Nam. Chồng cháu không lười biếng nhưng mà trồng gì thì thất bát cái đó. Cầm cố đất ra thị trấn với má với anh trai, chồng làm xe ôm cũng ế. Chừng hai đứa con vô học thì anh ta nghe lời bạn lên thành phố làm bảo vệ. Vợ chồng con cái xa nhau như thời ba má cháu cách ngăn vì chiến tranh biên giới.

Nhờ ngoại với cậu bảo bọc không thì chắc ba mẹ con lên thành phố xin ăn rồi. Cháu không theo chồng, nhà trọ tốn kém, con cái học hành trên đó nuôi sao nổi? Má cháu có nghề may thêu, có nhận học trò, có đất xây nhà trọ cho công nhân nhà máy thuê, cháu quản lý cho má, sống đắp đổi được. Lý ra chồng cháu ở gần vợ con được nhưng anh ta nói không làm công nhân nổi, cực khổ, bó buộc. Anh trai cháu sống riêng gần má, nói đừng tin đàn ông, dù là nghèo rách tả tơi thì xa vợ lâu ngày cũng sinh tật, không nhậu nhẹt cũng gái gú, cờ bạc giải sầu.

Con gái lớn của cháu năm nay vô đại học rồi. Đứa con trai thì đang học lớp 10, má với anh hứa sẽ nuôi nó hết cấp ba. Cháu theo chồng lên thành phố để làm gì đây cô? Xa má xa anh cháu sợ quá, cháu không dám, cháu không quen. Anh cháu cứ thúc, con cái cần ăn học, ở thị trấn không nuôi nổi con đâu. Má nói nước đôi, không bỏ thì phải theo, ở lại má coi như không có rể, xuôi một bề để má còn tính. Số là má có nhiều mảnh đất nhỏ ở thị trấn, má muốn cho con ruột thôi, không đứng tên dâu rể gì hết. Mới nghe như vậy anh ta đã điện về nói má “chơi trò xé lẻ”, má muốn gì? Cháu làm sao đây cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Hôn nhân là thứ quan trọng nhất đời, hơn cả nghề nghiệp. Chúng ta khi trẻ, ta chọn nghề, nghĩ về nghề, làm gì, tưởng tượng mình thành công và có thể nổi tiếng ra sao? Đến khi bập vào với ai đó thì không suy tính mấy mà lý ra, phải tìm hiểu, lắng nghe, thậm chí thử nữa để thấy thế nào, có đi được với nhau hết đường đời hay không.

Cô cũng biết dân miền Tây nhà dột cột xiêu nhiều, trong đó cánh đàn ông ngồi nhậu, phun nước miếng và chém gió tỉnh bơ. Đồng vợ đồng chồng, ít khi vợ chịu trận mà cũng xông ra đi buôn dưa lê như mẹ chồng cháu. Họ “hoàn cảnh” là vì cả hai xứng đôi vừa lứa quá. Vừa ít học vừa buông xuôi, chây lười và con cái thì chắc chắn sẽ không như con nhà người ta.

Má cháu là người phụ nữ giỏi. Ba hy sinh ở chiến trường K khi má trẻ, má vẫn cần cù nuôi hai con đàng hoàng. Vậy nên má nhìn xa, má đã bắt rể mong vực nó dậy. Nhưng đàn ông con trai trong cảnh đó lại vừa yếm thế, vừa hay nổi loạn khi nhà vợ khá giả, cầm trịch mình. Lạ vậy đó, lòng biết ơn không xuất hiện, chỉ oán thán và chống đối thôi. Bởi vậy mới là xem tông và xem giống, gặp giống lép, giống ung, giống kém thì chào thua.

Cô không nghe nói chuyện vợ chồng bao nhiêu năm xa cách rồi thì gặp nhau ra sao? Cậu ta về hay cháu đánh đường lên thăm? Và ở thành phố thì có gửi tiền về góp nuôi con không? Học vấn thấp, bảo vệ cũng có nhiều cỡ, nhiều khu vực, muốn vào được nơi ngon (như các chung cư lớn ở trung tâm, hay ngân hàng…) đều phải có phong độ, thậm chí có tiếng Anh, có trình độ vi tính, trình độ với máy móc điện tử…

Rất khó khuyên nếu cháu không có câu nào về mình, về chồng, về tình trạng “bỏ thì thương vương thì tội”. Anh trai xót cho cảnh có chồng như không của cháu, má thì chắc là muốn thấy cháu yên ổn ở bên mình. Đúng, cháu lêm thành phố tuổi đó thì già công nhân, chỉ có thể làm cấp dưỡng hay là đi giúp việc nhà người ta. Chắc chắn cháu sẽ buồn tủi nhiều lắm khi xa cái nôi má và anh mà cháu đã ấm áp trong đó mấy chục năm dài.

Nên xem lại thái độ của chồng khi nghe tin má định chia đất. Má đã đúng, là cô, cô cũng không cho gã rể ấy dính vào tài sản mình cho con. Nhưng cho chính danh sớm, thì gã ấy phải từ chối tài sản. Má nên cho bằng di chúc, cháu cứ sống trên đất má cho, nhưng khi má qua đời thì cháu sẽ được đứng tên như di chúc. Âm thầm, không tuyên bố, chỉ anh trai và cháu biết. Rất an tâm khi má còn sống và cũng không ai chen vào tranh giành được khi má mất nếu di chúc có công chứng hẳn hoi.

Thôi thì đã vậy thì cứ vậy đi đã. Con trai đang học cấp ba, cần mẹ chăm. Cháu cứ nương vào cái lý ấy mà sống và chăm con. Duyên và nợ, còn sẽ còn mà hết thì sẽ hết.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm