Bà Trần Thị Ngân Hà - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết, trong 35 cá thể động vật hoang dã vừa tiếp nhận, có nhiều cá thể động vật hoang dã thuộc nhóm đối tượng nguy cấp, quý hiếm như: chim già đẫy nhỏ, cá sấu nước ngọt, rùa núi vàng, tê tê java, trăn gấm, trăn đất, kỳ đà vân, công Ấn Độ, rùa đất lớn, rùa răng và rùa hộp lưng đen...
Đây là những cá thể thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm, nằm trong nhóm IIB của Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Bên cạnh đó, Chi cục đã thả về môi trường tự nhiên hơn 444 cá thể động vật hoang dã các loại, trong đó nhiều nhất là cá thể chim. Khi được thả chúng đều khoẻ mạnh, đủ điều kiện sinh sống trong môi trường tự nhiên.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục đã phối hợp các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về bảo vệ các loài thực vật rừng, động vật rừng, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm;
Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã trái pháp luật, đồng thời vận động người dân không tự ý vào rừng săn bắn, ngăn chặn tình hình săn, bẫy, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim, động vật hoang dã, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
"Toàn tỉnh hiện có 184 cơ sở gây nuôi động vật rừng với mục đích thương mại. Theo khuyến cáo, người dân không tự ý thả, phóng sinh các loài động vật hoang dã, mà cần giao nộp cho cơ quan Kiểm lâm để thả về nơi có điều kiện sống tự nhiên phù hợp với đặc điểm của từng động vật hoang dã, góp phần gìn giữ các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tăng tính đa dạng sinh học cho rừng, đặc biệt là bảo vệ các loài động vật rừng có nguy cơ bị đe doạ, tuyệt chủng", bà Trần Thị Ngân Hà - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh nhấn mạnh.