| Hotline: 0983.970.780

Gạo biến đổi gen giúp giải bài toán an ninh lương thực

Chủ Nhật 22/08/2021 , 19:14 (GMT+7)

Gạo vàng, một loại gạo biến đổi gen giàu Vitamin A, có thể giúp chống lại nạn suy dinh dưỡng trên toàn cầu tại nhiều khu vực trên thế giới.

Mallikarjuna Swamy kiểm tra lúa vàng tại Los Banos, tỉnh Laguna, phía nam Manila. Ảnh: AFP.

Mallikarjuna Swamy kiểm tra lúa vàng tại Los Banos, tỉnh Laguna, phía nam Manila. Ảnh: AFP.

Tiềm năng

Gạo vàng, một loại gạo biến đổi gen, là loại ngũ cốc giàu chất dinh dưỡng. Khác với các loại thực phẩm bổ sung khác như dầu, bột mì, hay các sản phẩm từ gạo thông thường, gạo vàng cần một quá trình kiểm tra nghiêm ngặt, trước khi xuất hiện trên thị trường. Nó đã được các cơ quan an toàn thực phẩm ở Australia, New Zealand, Canada và Mỹ phê duyệt theo quy định. Nhưng chỉ đến Philippines, quốc gia  này mới trở thành nước đầu tiên ủng hộ trồng gạo vàng rộng rãi.

Theo Telegraph, gạo vàng có thể có mặt trên bàn ăn của người dân Philippines sau 18 tháng nữa, khi Quốc hội nước này thông qua các đạo luật liên quan. Sau Philippines, Bangladesh cũng đang xem xét phê chuẩn cho phép người nông dân trồng loại gạo này.

Theo thống kê, có khoảng 20% trẻ em của Philippines, đặc biệt trong các hộ nghèo, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu Vitamin A, dẫn đến suy giảm hệ thống miễn dịch và nguy hiểm nhất là có thể gây mù lòa. Với hàm lượng beta-carotene để chuyển hóa thành vitamin A cao hơn các loại gạo thông thường, gạo vàng được xem như một phương án hữu hiệu, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa hỗ trợ cho an ninh lương thực của các quốc gia.

Thế giới hiện nay có khoảng 190 triệu trẻ em bị thiếu Vitamin A và 2 tỷ người phải đối mặt với tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, ảnh hưởng tới chất lượng sức khỏe và cuộc sống. Hơn nữa, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã khiến cho hàng triệu người trên toàn cầu phải đối mặt với nạn đói. Chính vì vậy, gạo vàng được xem là nông sản có tiềm năng trong việc giải quyết các vấn đề về lương thực nói trên.

Tiến sĩ Russell Reinke, thành viên của Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), và hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu Lúa Philippines (DA-PhilRice), cho biết việc cho phép và khuyến khích người dân trồng gạo vàng sẽ tác động lớn tới sức khỏe cộng đồng. “Chúng tôi hy vọng gạo vàng sẽ là một công cụ mới trong cuộc chiến chống nạn suy dinh dưỡng”, ông chia sẻ.

Là lương thực số một trên thế giới, chiếm tới 75% lượng calo tiêu thụ hàng ngày ở nhiều quốc gia, gạo được xem là một trong những thực phẩm tốt nhất có thể chỉnh sửa, thậm chí biến đổi gen để tạo ra giống mới, trong số các loại ngũ cốc, cũng như cây trồng. Tuy nhiên, ở trạng thái tự nhiên, gạo trắng hầu như không có đủ vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu hàng ngày.

Các nhà nghiên cứu đã mất hàng chục năm để có thể tạo ra giống gạo vàng. Vào cuối những năm 1980, Giáo sư Ingo Potrykus và Peter Beyer lần đầu tiên tạo ra nó, với từ 30% - 50% lượng vitamin A được khuyến nghị hàng ngày.

Tuy nhiên, mãi đến thập niên 1990, những sản phẩm dạng này, trong đó có gạo vàng (gạo biến đổi gen) mới được chấp nhận và có thị trường tiêu thụ. Những sản phẩm dạng này ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho thế giới.

Theo Tiến sĩ Russell Reinke, gạo vàng là sự lai tạo giữa một tập các tính trạng trội từ những giống gạo trắng tự nhiên. Ví dụ, giống lúa vàng được trồng ở Philippines được thiết kế để phù hợp trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới. "Điều quan trọng là việc trồng gạo vàng cho kết quả tốt, thân thiện như môi trường, tương tự các loại cây trồng khác để nó có thể được chấp nhận rộng rãi trong tương lai", Tiến sĩ Reinke nhấn mạnh.

Màu vàng của gạo biến đổi gen có thể là rào cản với đa số người tiêu dùng. Ảnh: AFP.

Màu vàng của gạo biến đổi gen có thể là rào cản với đa số người tiêu dùng. Ảnh: AFP.

Vẫn còn trăn trở

Có nhiều đặc tính tốt, nhưng theo Tiến sĩ Russell, gạo vàng (gạo biến đổi gen) cũng còn những trở ngại không nhỏ trong khâu tiếp cận thị trường. Một trong số đó, chính là màu vàng của hạt gạo.

"Từ trước tới nay, người dân đã quen với việc gạo có màu trắng. Chúng tôi sẽ phải hỗ trợ trong việc triển khai, tuyên truyền về gạo vàng, để mọi người có nhận thức và lựa chọn sáng suốt về nó. Sau cùng, họ sẽ thay đổi được hành vi và thích nghi với việc ăn một loại hạt gạo mới có màu vàng”, Tiến sĩ Russell nói.

Bên cạnh màu sắc, thời gian sản xuất giống lúa mới đủ để nông dân Philippines gieo trồng trên quy mô lớn vào khoảng 12 tháng. Từ lúc gieo trồng, cây lúa sẽ mất 4 tháng để phát triển và cho thu hoạch. Công tác phơi khô và đưa gạo vàng ra thị trường tiêu thụ sẽ mất thêm một vài tháng nữa. Như vậy, tính tổng cộng, người dân Philippines phải chờ khoảng 2 năm, tính từ lúc bắt đầu được gieo trồng trên diện rộng.

DA-PhilRice đang làm việc với các đối tác địa phương để xác định địa điểm tốt nhất cho các mô hình trình diễn, đồng thời làm rõ cách thức triển khai sản phẩm cho cộng đồng có mức độ suy dinh dưỡng và thiếu hụt chất dinh dưỡng cao nhất. "Tất cả các quy trình này đều cần giám sát chặt chẽ", Tiến sĩ Russell bày tỏ.

Dù còn nhiều thách thức, Tiến sĩ Russell cho rằng, riêng việc phê duyệt trồng gạo vàng đã là một bước tiến đáng kể trong nhận thức của người dân Philippines. Nó cho thấy, chất lượng khác biệt mà gạo vàng có thể mang lại, so với các loại gạo hiện có. Bên cạnh đó, quá trình triển khai trồng gạo vàng rộng rãi ở Philippines có thể dễ dàng hơn dự kiến, do quốc gia này có tập tục nhuộm màu gạo ở các ngày lễ đặc biệt.

"Điều quan trọng nhất lúc này, là phải đảm bảo gạo vàng đến được với người nghèo ở thành thị cũng như các cộng đồng nông thôn. Tôi tin, gạo vàng có dư địa phát triển lớn và sẽ sớm cho năng suất, cũng như các loại gạo hiện có. Người dân cũng cần nhận thức, rằng họ không cần thay đổi tập quán canh tác truyền thống, nhưng lại cải thiện đáng kể dinh dưỡng các bữa ăn", ông Russell ca ngợi giống lúa mới.

Song song với phát triển gạo vàng, Viện Lúa IRRI cũng phát triển gạo có hàm lượng sắt và kẽm cao, với mục đích cuối cùng là kết hợp chúng với gạo vàng để giải quyết tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến 2 tỷ người trên toàn thế giới.

(Theo Telegraph)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Hezbollah đang chuẩn bị chiến tranh tổng lực với Israel

Thủ lĩnh lực lượng Hezbollah Hassan Nasrallah cho biết nhóm này đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tổng lực với Israel, đồng thời cảnh báo Síp không tiếp nhận quân đội Israel.

Nga tiêu diệt 9 máy bay chiến đấu của Ukraine trong 24 giờ

Bộ Quốc phòng Nga hôm 2/7 báo cáo rằng quân đội nước này đã phá hủy 9 máy bay chiến đấu của Lực lượng Không quân Ukraine trong 24 giờ qua.

Ăn cá nhỏ nguyên con có thể kéo dài tuổi thọ

Một nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa, Đại học Nagoya, Nhật Bản cho thấy, việc thường xuyên ăn cá nhỏ nguyên con giúp kéo dài tuổi thọ.