| Hotline: 0983.970.780

Những 'thủ lĩnh' của người S’tiêng

Già làng Điểu Vem, người được dân tin tưởng

Thứ Năm 20/07/2023 , 06:44 (GMT+7)

Không chỉ sản xuất giỏi, sử dụng thành thạo các loại máy nông nghiệp mà ông còn là người được đồng bào trong thôn tin tưởng, chuyện gì cũng hỏi, cũng nhờ.

Đó là già làng Điểu Vem, 61 tuổi, ở ấp 8B, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Người “vác tù và…”

Tìm đến UBND xã Lộc Hòa, tôi gặp anh Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã, nghe tôi trình bày lý do, anh vồn vã: “Gì chứ mấy nhân vật là người đồng bào thiểu số uy tín ở Lộc Hòa thiếu gì”. Anh Cường ngừng vài giây rồi nói tiếp: “Gần đây có ông Điểu Vem, già làng ở thôn 8B, là người sản xuất giỏi, rất có uy tín với bà con, cũng là người hỗ trợ chính quyền rất nhiều trong công tác dân vận. Để tôi đưa anh đi”. Nói rồi anh đứng dậy và ra cổng dắt xe.

Già làng Điểu Vem (bìa trái) và anh Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa. Ảnh: Phúc Lập.

Già làng Điểu Vem (bìa trái) và anh Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa. Ảnh: Phúc Lập.

Ngồi sau xe máy anh Cường, tôi mới có dịp quan sát 2 bên đường. Ngoài con đường chính của xã đã trải nhựa, những đường nội thôn cũng đã được bê tông hóa, không còn đường đất. 2 bên đường, những vườn điều, tiêu, mít, khá sum suê. Đặc biệt, những ngôi nhà của đồng bào thiểu số tuy chưa phải to, nhưng khang trang, và khá sạch sẽ, những đàn gia súc, gia cầm không còn sống chung với người ở dưới gầm sàn nhà hay quanh quẩn trong sân, phân, nước tiểu rải khắp nơi như xưa nữa.

“Nếu anh đã từng đi các vùng đồng bao thiểu số thì chắc anh nhận ra sự đổi thay ở đây?”, anh Cường nói trong tiếng gió. Tôi hỏi, có phải anh nói tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi nhốt trâu bò, lợn gà dưới gầm sàn nhà?

Anh bảo, đúng rồi. Đây là một thành công trong đề án đẩy mạnh chăm lo đời sống người dân vùng đồng bào thiểu số của tỉnh. Mặc dù vậy, do phong tục, tập quán, lại thêm tính bảo thủ, nên việc thuyết phục họ thay đổi cách sống không hề đơn giản. Nhờ những người như già làng Điểu Vem thuyết phục, vận động, nên mới hoàn thành nhanh công tác di dời này đấy.

2 vợ chồng già làng Điểu Vem trong căn nhà cũ. Ảnh: Phúc Lập. 

2 vợ chồng già làng Điểu Vem trong căn nhà cũ. Ảnh: Phúc Lập. 

Sau chừng 15 phút, anh Cường rẽ xe vào một khuôn viên rộng, có 2 ngôi nhà, một kiểu cũ và 1 căn mới xây kiển hiện đại. Giữa 2 ngôi nhà là một chiếc máy cày đang đậu. “Nhà già làng Điểu Vem đấy”, anh Cường vừa nói xong thì già làng Điểu Vem từ căn nhà cũ bước ra, nhoẻn miệng cười, gật đầu chào cán bộ xã, sau đó quay sang tôi gật đầu chào.

Năm nay mới 61 tuổi, còn khá trẻ, nhưng già làng Điểu Vem đã có gần 20 năm làm già làng. Anh Cường cho biết, có những người như già làng Điểu Vem, địa phương cũng đỡ nhiều việc lắm, vì ngoài sản xuất giỏi, già làng còn là người đàn ông gương mẫu trong gia đình, hiểu biết rộng, rất quan tâm đến người dân trong thôn, sẵn sàng giúp đỡ khi cần.

Trong cuộc sống hàng ngày, hễ gia đình nào có chuyện “lùm xùm”, từ mâu thuẫn vợ chồng, con cái hỗn hào, bỏ học, ông đến “làm việc” 1 buổi là đâu lại vào đó. Trong chuyện làm ăn cũng vậy, do làm ăn giỏi, “chuyện gì cũng biết”, nên mỗi khi bà con muốn nuôi con gì, trồng cây gì, chăm sóc thế nào… cũng đến tham khảo ý kiến già làng Điểu Vem.

Căn nhà kiểu cũ với gầm sàn nhốt gia súc đã được thay bằng căn nhà mới xây theo kiến trúc hiện đại của gia đình già làng Điểu Vem. Ảnh: Phúc Lập.

Căn nhà kiểu cũ với gầm sàn nhốt gia súc đã được thay bằng căn nhà mới xây theo kiến trúc hiện đại của gia đình già làng Điểu Vem. Ảnh: Phúc Lập.

Một trong những hủ tục vừa được xóa bỏ hẳn ở Lộc Hòa cũng như nhiều vùng đồng bào thiểu số ở Bình Phước là di dời toàn bộ gia súc, gia cầm ra ngoài, cách xa nhà ở.

“Lộc Hòa có đến hơn 2/3 dân số là đồng bao thiểu số, trong đó phần lớn là đồng bào S’tiêng. Từ bao đời nay, người dân vẫn có thói quen nhốt vật nuôi, từ gà vịt đến trâu bò, heo dưới gầm sàn nhà, mùa nắng bốc mùi hôi thối, mùa mưa lại càng bẩn hơn. Do nền sàn không được xây bờ xung quanh nên mưa xuống nước chảy lênh láng, cuốn theo phân trâu, bò, heo tràn ra ngoài. Ngay cả nước giếng ăn cũng có mùi hôi, người không quen không dám uống”, anh Cường nói.

Tôi hỏi già làng Điểu Vem, tập tục nuôi nhốt gia súc, gia cầm cùng nơi mình ở có từ khi nào? Sao giờ lại đồng ý đưa ra ngoài?. Ông bảo, có lâu lắm rồi, từ thời ông cha rồi. Người S’tiêng xưa nay vẫn ở rừng núi, ngày xưa hẻo lánh, thú rừng nhiều, nhốt riêng nó lạnh, mà thú dữ đến bắt trâu bò của mình ăn thịt mình không giữ được. Còn nhốt chung thì thú dữ đến thấy có người nó cũng sợ, không dám đến gần. Mà nhà làm có sàn, nhốt trâu bò, lợn gà ở dưới thì không phải làm thêm chuồng cho nó.

Chiếc máy đa năng này được già làng Điểu Vem sắm từ chục năm trước, bât cứ ai cần, già làng sẵn sàng hỗ trợ, từ làm đất đến thu hoạch. Ảnh: Phúc Lập.

Chiếc máy đa năng này được già làng Điểu Vem sắm từ chục năm trước, bât cứ ai cần, già làng sẵn sàng hỗ trợ, từ làm đất đến thu hoạch. Ảnh: Phúc Lập.

Tôi hỏi tiếp, thế nhốt lợn, trâu bò chung với người như vậy không thấy mùi hôi, ô nhiễm, bệnh tật sao?. Già làng cười: “Có chứ. Nhưng ở chung với chúng lâu ngày quen mùi rồi. Còn bệnh tật thì mọi người nghĩ là do con ma rừng, do thần linh trách phạt. Nên ốm đau thì gọi thầy lang đến cúng. Sau này mình mới biết chứ”.

Bài liên quan

Già làng Điểu Vem cho biết, gia đình ông có đàn bò gần 3 chục con, đã dời chuồng ra ngoài từ lâu. Ông cũng chủ động vận động mọi người làm theo, những gia đình khó khăn ít thì ông hỗ trợ, nhưng nhiều gia đình khó khăn hơn thì chưa thể làm.

May là được nhà nước hỗ trợ nên bây giờ không còn ai nhốt trâu bò trong nhà nữa. Tôi sống từng này tuổi, mừng nhất là việc di dời chuồng trại ra khỏi nhà. Bây giờ đi ngoài đường vẫn thấy có phân trâu bò rơi vãi, nhưng người ta hốt ngay, vừa sạch đường vừa có phân bón cây. Còn ở nhà thì nắng hay mưa cũng không còn thấy mùi hôi thối, ruồi, muỗi cũng ít, nước sạch hơn.

Không để người S’tiêng mang tiếng 

Anh Cường cho biết, già làng Điểu Vem là người làm kinh tế giỏi, là một trong số những người giàu đầu tiên trong làng đồng bao thiểu số ở Lộc Hòa. Từ hơn chục năm trước, ông đã biết lái máy cày, phun thuốc, bón phân bằng máy, nuôi bò sinh sản. Tử chỗ biết cách làm ăn, ông chỉ cho nhiều người khác cùng làm ăn.

Anh Điểu Vức, một trong những người năng động, nhờ học hỏi già làng Điểu Vem, gia đình anh ngày càng khá giả. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Điểu Vức, một trong những người năng động, nhờ học hỏi già làng Điểu Vem, gia đình anh ngày càng khá giả. Ảnh: Phúc Lập.

Một trong số những người có kinh tế khá giả nhờ học hỏi từ già làng Điểu Vem là gia đình anh Điểu Vức, ở cùng ấp 8B. Anh Điểu Vức có hơn chục ha cao su, vườn điều quanh nhà thuộc hàng cổ thụ, hiếm. Đàn trau, bò, heo vài chục con, đã được di dời ra khỏi nhà ở từ lâu. Anh cũng có máy cày, máy kéo để vận chuyển nông sản, và áp dụng các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc cây điều, tiêu, nhờ vậy, năng suất lúc nào cũng cao.

“Tôi quý già Điểu Vem lắm. Ông ấy tốt bụng, vận động người dân giúp nhau, thường xuyên cho người nghèo mượn lúa, tiền không lấy lãi, đến vụ thu hoạch mới thu vốn, cho họ mượn cả heo, bò về nuôi để gây giống. Chỉ cho mọi người cách làm ăn. Ông ấy còn vận động mọi người không trông chờ, ỷ lại mà phải chăm chỉ làm ăn. Người nào nghèo mà không chịu khó làm ăn, còn đi xin, ông ấy buồn bực lắm. Ông ấy bảo làm như thế là mang tiếng xấu cho người S’tiêng”, anh Điểu Vức nói.

Chị Thị Tám, vợ anh Điểu Vức cũng năng động không kém khi có thể sử dụng máy kéo, máy cày, vận chuyển nông sản bằng xe cơ giới...Ảnh: Phúc Lập.

Chị Thị Tám, vợ anh Điểu Vức cũng năng động không kém khi có thể sử dụng máy kéo, máy cày, vận chuyển nông sản bằng xe cơ giới...Ảnh: Phúc Lập.

Phó Chủ tịch xã Nguyễn Xuân Cường cho biết, Lộc Hòa có đến hơn nửa dân số là đồng bao thiểu số, trong đó phần lớn là đồng bào S’tiêng. Vì thế, tiếng nói của những già làng như Điểu Vem rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của đồng bào.

Hiểu rõ tầm quan trọng này nên Đảng ủy, chính quyền xã Lộc Hòa luôn phối hợp với già làng để làm công tác dân vận. Từ đó, nhiều năm trở lại đây, ở Lộc Hòa 100% trẻ em đến trường đúng độ tuổi, không có học sinh bỏ học. Mỗi tổ, ấp đều có già làng làm thành viên tổ hòa giải. 10 năm trở lại đây, đã có hơn 200 vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, trong đó có lấn chiếm đất đai, mê tín, bùa ngải... đã hòa giải thành.

Không chỉ hỗ trợ người dân làm kinh tế, là chỗ dựa tinh thần cho họ, già làng Điểu Vem cũng là người rất coi trọng văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng, dù không phải nghệ nhân, nhưng ông cũng hiểu biết khá nhiều về các nhạc cụ truyền thống của người S’tiêng.

“Mỗi dịp lễ hội, tôi cũng biểu diễn cồng chiêng, múa hát sử thi, hát dân ca S’tiêng. Tôi muốn lớp trẻ dù có phát triển đến đâu, hiện đại đến đâu cũng đừng quên văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tôi cũng là người vận động những gia đình có bộ cồng chiêng quý không được bán, nếu quyết tâm bán thì tôi mua lại, không để người ngoài, họ không hiểu biết, mà mua để bán lại kiếm tiền thôi. Người S’tiêng ở Lộc Hòa bây giờ vẫn còn giữ được nhiều bộ cồng chiêng lắm”, già làng Điểu Vem nói.

Vườn điều cổ thụ của gia đình anh Điểu Vức. Ảnh: Phúc Lập.

Vườn điều cổ thụ của gia đình anh Điểu Vức. Ảnh: Phúc Lập.

“Lộc Hòa có 4 ấp tập trung đồng bào dân tộc thiểu số. Hội đồng già làng xã có 36 người. Ngoài già làng Điểu Vem, còn có nhiều già làng uy tín khác, được đồng bào quý trọng như Điểu Ngân, Điểu Hum, Điểu Pe, Điểu Riêng, Điểu Mía… đây đều là những người có kinh nghiệm sống, hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, là những cầu nối giữa chính quyền xã với đồng bào”, anh Nguyễn Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Hòa chia sẻ.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.