| Hotline: 0983.970.780

Những 'thủ lĩnh' của người S’tiêng

Huyền thoại sống ở sóc Bom Bo

Thứ Tư 19/07/2023 , 08:27 (GMT+7)

Năm 15 tuổi, già làng Điểu Lên đã tham gia cách mạng, 19 tuổi trực tiếp cầm súng đánh giặc, lập những chiến công hiển hách, 3 lần được phong tặng danh hiệu ‘Dũng sĩ’.

Ký ức thời hoa lửa

“Sóc Bom Bo bây giờ đẹp lắm, đường trải nhựa phẳng lỳ, xe chạy bon bon chứ không phải vất vả như hơn chục năm trước anh đi đâu”, anh Lâm Á Rịa, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước nói với tôi như thế. Nghe anh nói vậy tôi gật đầu cảm ơn. Thật ra tôi không lạ vùng đất văn hóa, lịch sử nổi tiếng này, vì đã từng vài lần đến.

Già làng Điểu Lên cùng các cháu trong vườn nhà. Ảnh: Phúc Lập.

Già làng Điểu Lên cùng các cháu trong vườn nhà. Ảnh: Phúc Lập.

Nhà già làng Điểu Lên nằm ngay ven con đường lớn, đối diện là trường tiểu học Bom Bo, và gần khu di tích lịch sử cùng tên, nhưng khi chúng tôi đến, ông không có nhà. Một người hàng xóm của già làng tên Điểu Hùng, cho biết: “Sáng sớm nghe già nói có khách đến, nhưng đợi lâu không thấy nên già vào nhà trong vườn điều rồi, chắc sẽ về thôi”.

Tôi nghe vậy, ngỏ ý nhờ anh đưa vào vườn, anh gật đầu, thoăn thoắt lấy chiếc xe máy dính đầy đất đỏ dẫn đường. Anh Hùng cho biết, rẫy của gia đình già làng cách đây chừng vài cây số, nhưng đường sạch và dễ đi.

Đến nơi, tôi thấy già làng đang chăm chú vạch lá cây cà phê, ngó nghiêng. Gần đó, vài đứa trẻ đang chơi đùa. Nghe tiếng xe, già làng quay đầu nhìn ra, cười hiền: “Mấy đứa nhỏ được nghỉ học rồi, chúng nó rủ ông vào vườn chơi. Đây là nhà cũ, còn nhà ở ngoài con trai mới làm sau này thôi. Tôi thích ở đây hơn”.

Già làng Điểu Lên năm nay đã gần 80 tuổi. Trên đầu, mái tóc thưa đã bạc trắng, cặp lông mày rậm cũng đã bạc hơn nửa, nhưng ánh mắt còn rất nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào.

Và khi nhắc lại chuyện thời hoa lửa, ông say sưa kể. Ảnh: Phúc Lập.

Và khi nhắc lại chuyện thời hoa lửa, ông say sưa kể. Ảnh: Phúc Lập.

Già làng Điểu Lên sinh ra trong gia đình giàu truyền thống, cha ruột đi bộ đội chống Pháp, 7 anh em của già cũng tham gia cách mạng. Cũng giống các anh chị, già làng “không biết cái chữ nó thế nào”, nhưng ngay từ năm 15 tuổi, ông đã làm giao liên, như một cánh chim rừng thoăn thoắt, làm cầu nối giữa các căn cứ trên địa bàn tỉnh Bình Phước, có lúc sang tận Tây Ninh. Vài năm sau, chàng trai Điểu Lên nhập ngũ, cầm súng trực tiếp chiến đấu, bảo vệ chính mảnh đất Bom Bo. Trong quá trình chiến đấu, mỗi khi bình yên, chàng trai Điểu Lên lại dành thời gian học chữ.

Theo lời già làng Điểu Lên, Bom Bo là căn cứ cách mạng hình thành trong kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1929, khi Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ ra đời tại huyện Đồng Phú, Bom Bo trở thành địa chỉ đỏ với sự ra đời của một đội du kích xã và đội vũ trang huyện Bù Đăng.

Già làng Điểu Lên: 'Sóc Bom Bo là niềm tự hào của người S'tiêng nên phải 'đòi' lại tên Bom Bo cho sóc'. Ảnh: Phúc Lập.

Già làng Điểu Lên: "Sóc Bom Bo là niềm tự hào của người S'tiêng nên phải "đòi" lại tên Bom Bo cho sóc". Ảnh: Phúc Lập.

“Bom Bo có vị trí địa lý quan trọng, là mạch “xương sống” kết nối giữa các vùng căn cứ. Từ Chiến khu D, Trung ương Cục miền Nam đến Bình Dương, TP.HCM. Đây cũng là nơi tập kết lương thực chi viện trực tiếp cho bộ đội địa phương, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 của Quân đoàn 4.

Biết đây là căn cứ cách mạng quan trọng của ta, địch liên tục mở những đợt càn quét dữ dội và vùng đất này. Nhưng phần vì mình là dân bản địa, thuộc từng góc rừng, con suối, hang núi, lối mòn, phần do tinh thần chiến đấu kiên cường của ta nên địch chỉ gây tổn thất, khó khăn cho ta chứ không làm gì được. Có lúc, bọn chúng tung ra chiêu bài thưởng tiền nếu người nào cung cấp tin cho chúng, hoặc giết được một cán bộ cách mạng, sẽ được 5 ngàn đô la. Nhưng không có ai nghe theo chúng.

Riêng già làng Điểu Lên, trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã tham gia 45 trận đánh, giết cả trăm tên Mỹ - Ngụy. Vì thế, già làng có 3 lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ”, gồm Dũng sĩ diệt Mỹ - Ngụy, Dũng sĩ diệt ác phá kìm, và Dũng sĩ chống càn.

Năm nay gần 80 tuổi, già làng Điểu Lên vẫn lao động chân tay không mệt mỏi. Ảnh: Phúc Lập.

Năm nay gần 80 tuổi, già làng Điểu Lên vẫn lao động chân tay không mệt mỏi. Ảnh: Phúc Lập.

Địa danh “Nửa Lon” và câu chuyện “đòi” lại tên cho làng

Nói về bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” nổi tiếng của cố nhạc sĩ Xuân Hồng, già làng Điểu Lên bảo: “Bài hát hay lắm. Nhạc sĩ Xuân Hồng là người gắn bó, cùng ăn cùng ở với đồng bào S’tiêng nhiều năm đánh Mỹ, bài hát đó là cảm xúc của nhạc sĩ. Lúc nghe bài hát này trên Đài Phát thanh Giải phóng, chúng tôi ai cũng xúc động, tự hào rơi nước mắt. Giờ thì ai cũng biết, cũng thích bài hát này. Nhưng nhiều người hát chưa đúng đâu.

Ở đoạn đầu của bài hát, nhiều người hát: Cắc cùm cum, cắc cùm cum, cắc cum cum cụp cum. Hát vậy là thừa hết một nhịp. Bởi vì người S’tiêng chúng tôi giã gạo chày đôi (2 người), chày ba (3 người) và chày tư (4 người), nhịp của bài hát là theo nhịp chày ba, chày tư, nên nếu hát như vậy là thành chày năm rồi, không theo nhịp sao mà giã được?”.

Sóc Bom Bo nổi tiếng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhưng khi đất nước hòa bình, người dân sóc Bom Bo, đặc biệt là những người như già làng Điểu Lên, từng nhiều năm muộn phiền khi cái tên Bom Bo bỗng dưng biến mất.

Già vẫn tự nấu ăn. Ảnh: Phúc Lập.

Già vẫn tự nấu ăn. Ảnh: Phúc Lập.

“Đầu những năm 60 thế kỷ trước, khi chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt, chính quyền Sài Gòn chủ trương dồn dân vào ấp chiến lược, nhưng người dân sóc Bom Bo khi đó đồng lòng không chấp nhận, nên toàn bộ mấy chục hộ dân của sóc đã băng rừng, vượt suối vào căn cứ kháng chiến “Nửa Lon” (nay thuộc xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng) lập ra sóc mới cũng lấy tên Bom Bo”.

Tôi thắc mắc: "Vì sao có cái tên Nửa Lon?”. Già làng kể: “Cái tên này có từ năm 1960. Khi đó, Trung ương Đảng chỉ thị xây dựng căn cứ cách mạng ở Tây Nguyên và mở đường 559 (đường Hồ Chí Minh). 

Một đoàn cán bộ sau đó về tập kết ở Phước Long xây dựng căn cứ để bắt liên lạc với Đoàn B90. Do thông tin liên lạc hạn chế nên việc kết nối với Đoàn B90 chưa thực hiện được, đời sống đoàn cán bộ được cử đi rất khó khăn, lương thực thiếu thốn, chủ yếu là ăn củ rừng, lá bép, trái gấm, măng tre, lá nhíp, đọt mây... lúc ấy cả đoàn mười mấy người chỉ có nửa lon gạo nấu thành nước cháo loãng “cầm hơi” để xây dựng căn cứ.

Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, đoàn đã đặt tên căn cứ là Nửa Lon để ghi nhớ những ngày đầu kháng chiến gian khổ. Nhiều người sau này bảo khi đó tiêu chuẩn mỗi người nửa lon gạo 1 ngày, đó là sai. Vì lúc đó nếu được nửa lon 1 ngày là rất cao.  Không đúng đâu, cả đoàn chỉ có nửa lon thôi”.

Già làng Điểu Lên (hàng ngồi, thứ ba từ trái sang) trong buổi lễ cúng mừng cơm mới năm 2022. Ảnh: Bùi Liêm.

Già làng Điểu Lên (hàng ngồi, thứ ba từ trái sang) trong buổi lễ cúng mừng cơm mới năm 2022. Ảnh: Bùi Liêm.

“Vây còn cái tên Bom Bo thì sao?”, tôi hỏi tiếp. “Năm 1989, tôi khi đó là Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nhau cùng hơn trăm hộ đồng bào S’tiêng với 2 ngàn nhân khẩu lại chuyển từ căn cứ Nửa Lon về sóc Bom Bo cũ. Đến năm 1998, tỉnh Bình Phước thành lập xã mới mang tên xã Bom Bo, nhưng sóc Bom Bo bị đổi thành thôn 1. 10 năm sau, thôn 1 lại bị chuyển “hộ khẩu” khỏi xã Bom Bo, về xã mới Bình Minh. Đây là “nỗi đau” của người dân sóc Bom Bo, bởi tên gọi của sóc không chỉ đơn giản là một địa danh, mà còn là lịch sử, văn hóa, là truyền thống kháng chiến của người S’tiêng Bom Bo.

Suốt nhiều năm liền, bà con sóc Bom Bo kiến nghị lên tỉnh, Trung ương đề nghị trả lại tên cho sóc, và cuối cùng cũng được nhà nước chấp nhận. Năm 2012, chính quyền huyện Bù Đăng đã tổ chức buổi lễ trả lại tên sóc cho Bom Bo lớn lắm. Người dân ai cũng mừng, nhiều người mổ heo, gà, cúng tạ thần linh, uống rượu, múa hát thâu đêm”, nói đến đây, già làng nở nụ cười tươi.

Ngồi nghe già làng kể chuyện từ mấy chục năm trước, tôi không khỏi thắc mắc vì sao già nhớ rõ và kể chi tiết, mạch lạc được như vậy thì ông cười đáp: “Đó là thời kỳ oanh liệt, hào hùng nhất của Đảng và nhân dân ta. Là niềm tự hào của người dân sóc Bom Bo, nên mình phải nhớ để kể cho con cháu nghe, để chúng biết cha ông chúng ngày xưa giỏi giang thế nào chứ”.

Tái hiện khung cảnh đêm giã gạo nuôi quân ở Sóc Bom Bo. Ảnh: Bùi Liêm.

Tái hiện khung cảnh đêm giã gạo nuôi quân ở Sóc Bom Bo. Ảnh: Bùi Liêm.

“Trong kháng chiến chống Mỹ, già làng Điểu Lên là một anh hùng, trở về đời thường, ông ấy là người có uy tín, hiểu biết về văn hóa truyền thống, sống nhân hậu, được mọi người quý trọng. Sóc Bom Bo trở thành khu bảo tồn văn hóa, lịch sử nổi tiếng như hôm nay, một phần nhờ bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" của nhạc sĩ Xuân Hồng, một phần là nhờ già làng Điểu Lên đề xuất với các cấp chính quyền địa phương, ngành văn hóa tỉnh xây dựng khu bảo tồn văn hóa S’tiêng”, ông Lý Trọng Nhân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.