| Hotline: 0983.970.780

Gia tăng bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng

Thứ Bảy 14/12/2019 , 13:15 (GMT+7)

Ung thư đại trực tràng thường gặp ở những người trên 50 tuổi, tuy nhiên tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng trong nhiều năm gần đây tăng nhanh ở giới trẻ.

Ảnh minh họa.

Tại Bệnh viện K, căn bệnh này đã được chẩn đoán ở cả những bệnh nhân 20 tuổi.
 

Căn bệnh xếp hàng thứ 5 trong số các ung thư phổ biến

GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, trong những năm qua, ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư phổ biến nhất trên thế giới và tại Việt Nam. Trên thế giới, mỗi năm có 8 triệu ca mắc mới loại ung thư này, trong đó có hơn 860.000 ca tử vong và con số này đang không ngừng tăng. Trong đó các quốc gia châu Á chiếm 51,3% tổng số ca mắc trên toàn cầu.

Tương tự, tại Việt Nam, thông tin từ TS Nguyễn Tiến Quang, Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, tại Việt Nam, năm 2000, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng ở cả 2 giới là 5.400 ca, đến năm 2010 là hơn 13.000 ca và đến năm 2018 đã tăng lên gần 15.000 ca, gấp gần 3 lần trong vòng 18 năm, trong đó có gần 9.300 ca tử vong. Đáng ngại, tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng ở nước ta đã lên mức 26,3/100.000 dân, tương đương gần 33.000 người đang phải sống chung với căn bệnh này.

“Ung thư đại trực tràng hiện đang xếp thứ 5 trong số các ung thư phổ biến nhất Việt Nam, đứng sau ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư vú. Theo dự báo đến 2025, ung thư đại trực tràng sẽ vươn lên hàng thứ 2 ở nam giới và thứ 4 ở nữ giới”, TS Quang nhận định.

Sở dĩ ung thư đại trực tràng ở nước ta cũng như nhiều nước đang phát triển tăng chóng mặt, theo lý giải của TS Quang nguyên nhân do liên quan trực tiếp đến lối sống, chế độ ăn. Người dân dần thích nghi với lối sống của phương Tây, trong đó béo phì, ít vận động, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ăn ít trái cây và rau xanh, nạp nhiều chất béo, thức ăn nhanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá... là những yếu tố nguy cơ gia tăng tỉ lệ mắc bệnh.

Bằng chứng, 57% người trưởng thành tại nước ta ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của WHO, trong khi ăn nhiều thịt; một nửa nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại; béo phì tăng nhanh từ 12% năm 2010 lên 17,5% năm 2015; Việt Nam nằm trong top 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới...

“Ngoài lối sống, ung thư đại trực tràng có liên quan đến yếu tố tuổi tác và di truyền, tuy nhiên số ca liên quan đến di truyền chỉ chiếm 3-5%”, TS. Quang nhấn mạnh.
 

Hầu hết đến viện muộn

Mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới trên 90%, tuy nhên theo ghi nhận tại Bệnh viện K, TS. BS Phạm Văn Bình, trưởng Khoa Ngoại bụng I thì có tới 70-80% bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở nước ta được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, chủ yếu là giai đoạn 3-4 nên điều trị gặp nhiều hạn chế.

Hiện tại, mỗi ngày Bệnh viện K phẫu thuật 12 đến 16 ca ung thư đại trực tràng, tương đương mỗi năm từ 4.000 - 5.000 ca. Theo TS Bình, ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với nhiều bệnh lý đường tiêu hoá khác.

Tuy nhiên khi có những triệu chứng sau, cần đặc biệt lưu ý đến ung thư đại trực tràng: Rối loạn tiêu hoá (ban đầu có thể là ợ chua, sau là đau tức vùng bụng, co thắt dạ dày trước hoặc sau khi ăn); người dân nếu đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần; đi ngoài phân nhỏ, dẹt do có nguy cơ ruột gặp phải những vật cản như các khối u, polyp to khiến hình dạng và kích thước phân thay đổi.

Ngoài ra, theo TS Bình, những người dân đi ngoài ra máu - đây là triệu chứng khá phổ biến ở các bệnh nhân ung thư đại trực tràng (do khối u trong lòng ruột gây chảy máu) hoặc giảm cân nhanh và nhiều trong thời gian ngắn dù không ăn kiêng hay tập luyện gì gắng sức… thì cũng cần nghĩ đến căn bệnh ung thư đại trực tràng.

“Các khối u đại trực tràng ở bệnh nhân trẻ có tốc độ phát triển nhanh hơn những người lớn tuổi và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn. Ung thư đại trực tràng có thể phòng ngừa và phát hiện sớm, ở giai đoạn đầu tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới 90%; dưới 10% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn sống quá 5 năm”, TS Bình một lần nữa nhấn mạnh.

Do đó, để phòng ngừa căn bệnh này, các chuyên gia khuyến cáo, người dân không dùng quá nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật. Chế độ ăn đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, không hút thuốc, sử dụng những thức uống có chất kích thích… Đặc biệt mỗi người dân cần có thói quen luyện tập thể dục thể thao…

(Kiến thức gia đình số 50)

Xem thêm
Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm trắng?

Cơm trắng có chỉ số đường huyết cao, không tốt cho người tiểu đường. Vậy người bị tiểu đường nên thay cơm bằng thực phẩm gì?

8 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của quả xoài

Xoài là loại cây quen thuộc với người Việt, thường được trồng làm bóng mát trong gia đình và khu dân cư. Quả xoài được yêu thích bởi hương thơm và vị ngọt đặc trưng.