| Hotline: 0983.970.780

Vì sao Cao Bằng không có xã nào đạt chuẩn?

Thứ Tư 28/12/2022 , 09:52 (GMT+7)

Mặc dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nhưng đến nay tỉnh Cao Bằng không có bất cứ xã nào đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo Bộ tiêu chí 2021 - 2025.

Nhiều huyện trung bình đạt dưới 8/19 tiêu chí 

Đánh giá theo Bộ tiêu chí 2016 – 2020, toàn tỉnh Cao Bằng có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên điều đáng buồn là, sau khi đánh giá theo Bộ tiêu chí 2021 – 2025, thì tỉnh Cao Bằng đã không có xã nào đạt chuẩn NTM, xã cao nhất chỉ đạt 17/19 tiêu chí. Hiện chỉ có 10 xã đạt 15 – 17 tiêu chí, 47 xã đạt 10 – 14 tiêu chí, 75 đạt 5 – 9 tiêu chí và có 7 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân chung của cả tỉnh chỉ đạt 9,19 tiêu chí/xã, đạt 70% kế hoạch năm 2022.

Địa phương đạt trung bình các tiêu chí cao nhất tỉnh Cao Bằng là huyện Quảng Hòa, với trung bình là 11,43/19 tiêu chí; xếp sau là huyện Thạch An với trung bình 11/19 tiêu chí; huyện Trùng Khánh là 10,53/19 tiêu chí; thấp nhất là huyện Bảo Lâm với trung bình chỉ đạt là 6,58/19 tiêu chí.

Ngay cả tại thành phố Cao Bằng, có 3 xã nhưng tất cả các xã đều chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã Hưng Đạo, Vĩnh Quang và Chu Trinh đạt tiêu chí nông thông mới lần lượt là 17, 14 và 12.

11 (2)

Y tế và Giáo dục là 2 tiêu chí cơ bản được các địa phương hoàn thành trong lĩnh vực xây dựng NTM. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trong khi đó, tỉnh Cao Bằng cũng đã huy động hơn 3.100 tỷ đồng cho lĩnh vực xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, từ nguồn ngân sách Trung ương là hơn 1.635 tỷ (ngân sách bố trí trực tiếp của nông thôn mới là gần 224 tỷ đồng; vốn lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là 1.411.851 triệu đồng); Nguồn ngân sách địa phương bố trí trực tiếp của nông thôn mới là gần 150 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương là hơn 11,36 tỷ đồng; Vốn tín dụng là hơn 1.335 tỷ đồng; Huy động từ cộng đồng nhân dân là 2,144 tỷ đồng.

Có một số tiêu chí xây dựng NTM khó thực hiện, nổi bật như: Tiêu chí về giao thông chỉ 33/139 xã đạt, do tỉnh Cao Bằng có địa hình núi đá bị chia cắt, dân cư sống không tập trung; 28/139 xã đạt về chuẩn về trường học; Tiêu chí về thu nhập và nghèo đa chiều chỉ đạt có 4/139.

Nỗ lực giải quyết vướng mắc

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lã Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc thừa nhận việc xây dựng NTM tại địa phương có nhiều tiêu chí rất khó thực hiện. Có nhiều xóm, bản nằm cách trung tâm xã tới hàng chục km, đường đi lại rất khăn, thậm chí chỉ có đường đi bộ. Nếu đầu tư các công trình đường giao thông, điện lưới quốc gia thì có kinh phí quá tốn kém, lên đến vài chục tỷ đồng và đó là số tiền vượt quá khả năng của huyện. Nhiều vùng núi đá, thiếu nguồn nước nên không thể đầu tư công trình nước sinh hoạt và nước sản xuất được.

Theo ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTN tỉnh Cao Bằng, có nhiều nguyên nhân của việc khó đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Cao Bằng. Đầu tiên là việc ngân sách trung ương phân bổ chậm và mức kinh phí phân bổ chưa đáp ứng nhu cầu của tỉnh. Trong khi đó, Cao Bằng là tỉnh miền núi, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên việc phát huy nội lực rất có khăn và nhiều hạn chế.

3

Bản Cà Lò là một xóm rất khó khăn của xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc. Nơi đây không có đường giao thông, điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt, sóng điện thoại,... Ảnh: Toán Nguyễn.

Báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Cao Bằng cũng khẳng định, sự gắn kết giữa xây dựng NTM và cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa chặt chẽ. Kết quả thực hiện các tiêu chí NTM về thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm đạt kết quả thấp; chất lượng và năng lực hoạt động của các HTX nông nghiệp còn yếu.

Một vấn đề quan trọng được chỉ ra, xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn, nhiều nội dung, bao quát khắp tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trực tiếp tổ chức thực hiện là cấp xã, cán bộ phần lớn trình độ năng lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, còn nhiều lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Cũng theo ông Hà, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương đặc biệt là ở giai đoạn đầu chưa thực sự được quan tâm đúng mức, chưa thể hiện hết vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất