| Hotline: 0983.970.780

Giải mã hợp tác xã đầu tiên làm nên 'cánh đồng 5 tấn'

Thứ Tư 30/08/2023 , 09:00 (GMT+7)

'Chị Hai năm tấn' Thái Bình nói về bí quyết làm nên cánh đồng 5 tấn/ha đầu tiên ở miền Bắc và được đón Bác Hồ về thăm hợp tác xã vào năm 1967.

Tân Phong là Hợp tác xã đầu tiên của toàn miền Bắc đạt năng suất lúa 7,2 tấn/ha vào năm 1966. Đây cũng là nơi bắt nguồn cảm hứng để cố nhạc sỹ Hoàng Vân sáng tác ca khúc “Hai chị em” bất hủ, từ đó định danh “quê hương năm tấn” cho mảnh đất Thái Bình, và thương hiệu “chị Hai năm tấn” trên mặt trận sản xuất sánh vai với “cô Ba dũng sỹ” trên mặt trận tiền tuyến chống Mỹ, làm nên vẻ đẹp hào hùng của người con gái Việt Nam.

Vì sao quê lúa Thái Bình có thương hiệu “chị Hai năm tấn” từ năm 1965, gần 60 năm về trước?

Gần 60 năm qua, nhắc tới Thái Bình không ai là không biết tới bài hát “Hai chị em” của nhạc sỹ Hoàng Vân. Bài hát đã định danh thương hiệu “chị Hai năm tấn” Thái Bình từ những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ trước. Đó là niềm tự hào không kể xiết của vùng quê lúa.

Nhưng, ít ai biết, những “chị Hai năm tấn” là những người thực, việc thực… Họ là nhân chứng sống của một giai đoạn hào hùng “năm tấn thóc góp phần đánh Mỹ” trên mặt trận sản xuất của quê hương năm tấn, là thành quả của mồ hôi, công sức và tình yêu cây lúa.

Gặp “chị Hai năm tấn” trong bức ảnh lịch sử Bác Hồ về thăm Thái Bình

Đến Phố Búng (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), hỏi thăm nhà cụ Phạm Thị Mùi, ngay đến đứa trẻ đang tuổi cắp sách tới trường cũng có thể rành rẽ, “cụ Mùi được chụp ảnh cùng Bác Hồ”, rồi tận tình dẫn khách đến tận nhà cụ, cách con đê chừng 200m.

'Chị Hai năm tấn' Phạm Thị Mùi, Đội trưởng Đội Khoa học kỹ thuật, HTX Tân Phong, người góp phần làm nên cánh đồng 5 tấn/ha đầu tiên ở miền Bắc từ những năm 1960. Ảnh: Kiên Trung.

"Chị Hai năm tấn" Phạm Thị Mùi, Đội trưởng Đội Khoa học kỹ thuật, HTX Tân Phong, người góp phần làm nên cánh đồng 5 tấn/ha đầu tiên ở miền Bắc từ những năm 1960. Ảnh: Kiên Trung.

Việt Hùng là xã thuần nông có bãi bồi trù phú do con sông Hồng bồi tụ, làm nên những bãi dâu, bãi màu xanh ngút ngàn. Nhìn từ cầu Tân Đệ, dải xanh ấy như đang chạy thi cùng với dòng sông, tưởng như không có điểm dừng. Phía trong đê, cánh đồng thẳng tắp liền một dải, ngỡ như câu ca “cò bay mỏi cánh” chỉ là cường điệu, nhưng đó lại là sự thực. Những khu dân cư, theo thời gian thêm quần tụ, đông đúc. Những cánh đồng, những bờ thửa… in dấu chân người, thế hệ nọ tiếp thế hệ kia, mùa nọ nối tiếp mùa kia, vẹn nguyên cả trong câu hát…

“Chị Hai năm tấn” Phạm Thị Mùi sinh năm 1943, là xã viên HTX Tân Phong từ năm 1959, khi đó Tân Phong còn là HTX cấp độ nhỏ, khi đó Mùi 16 tuổi. Năm 1961, chị trở thành Đội trưởng Đội Khoa học kỹ thuật của HTX Tân Phong với 22 thành viên, trong đó có 5 nam, còn lại 17 nữ. Chiến tranh chống Mỹ leo thang, 2 nam xã viên rời đội lên đường ra mặt trận. Trông cả HTX, ngoảnh đi ngoảnh lại, chị em thành lao động chủ lực.

“Thời ấy chiến tranh chống Mỹ, thanh niên trai tráng trẻ tuổi, mạnh khỏe… đều lên đường ra tiền tuyến, ở lại chủ yếu là người già cả, trẻ nhỏ và chị em phụ nữ. Vì thế, HTX Tân Phong có tới 70% lao động nữ”, cụ Mùi chậm rãi rồi trỏ tay chỉ bức ảnh kỷ niệm xã viên Tân Phong chụp cùng Bác Hồ trong ngày Bác về thăm HTX ngày 1/1/1967, tại đình Phương Cáp. Cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, gương mặt rạng rỡ đứng rất gần Bác, nhưng vẫn không giấu vẻ bẽn lẽn của một cô gái vùng quê thuần nông - đó là Phạm Thị Mùi.

“Những người vinh dự được chụp ảnh cùng Bác, bây giờ có lẽ còn một mình tôi”, cụ Mùi bồi hồi. Khi Bác về thăm, chị Mùi tròn 24 tuổi, độ tuổi tràn đầy năng lượng, tràn đầy những ước mơ, hoài bão…

Bức ảnh kỷ niệm của xã viên, nhân dân huyện Vũ Thư đón Bác Hồ về thăm HTX đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc. (Ảnh chụp Tư liệu).

Bức ảnh kỷ niệm của xã viên, nhân dân huyện Vũ Thư đón Bác Hồ về thăm HTX đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc. (Ảnh chụp Tư liệu).

Cụ Phạm Thị Mùi bên những tấm ảnh lưu niệm đón Bác Hồ về thăm quê hương 5 tấn. Ảnh: Kiên Trung.

Cụ Phạm Thị Mùi bên những tấm ảnh lưu niệm đón Bác Hồ về thăm quê hương 5 tấn. Ảnh: Kiên Trung.

Năm 1965, HTX Tân Phong (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là đơn vị đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Thành quả ấy làm nức lòng cả quê lúa, nức lòng cả miền Bắc, nức lòng cả nước, trở thành cơn gió mát lành tiếp thêm sức mạnh ở tất cả các mặt trận trên cả nước. Năm 1966, Bác Hồ hai lần gửi thư khen ngợi Tân Phong. Ngày 1/1/1967, Bác trực tiếp về thăm, động viên nhân dân Thái Bình, gặp gỡ, thăm xã viên HTX Tân Phong.

9 nữ xã viên tiêu biểu vinh dự được đại diện cho xã viên Hợp tác xã Tân Phong được gặp Bác Hồ ngày ấy, gồm Phạm Thị Tý, Nguyễn Thị Thơm, Nguyễn Thị Nụ, Phạm Thị Mùi, Trần Thị Tuyến, Vũ Thị Bộ, Nguyễn Thị Tỉnh, Trần Thị Lân, Nguyễn Thị Trình. Đây đều là những người đã đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" năm 1966 và khi đó hầu hết các chị đều mới ở độ tuổi ngoài 20.

Cụ Mùi nhớ như in buổi sáng ngày 1/1/1967: Lúc đầu theo kế hoạch các anh lãnh đạo địa phương cho biết Bác sẽ trực tiếp xuống HTX Tân Phong, nhưng ngày hôm đó đúng lúc có phiên chợ, rất đông người, do đó tỉnh, huyện đón Bác ở đình Phương Cáp, cách HTX chừng 2km. Chị em xã viên được tin, hồi hộp cả đêm không ngủ. Sáng hôm đó, trời vẫn còn tối và rét, 9 nữ xã viên tiêu biểu chạy bộ qua mấy cánh đồng đến nơi gặp Bác.

“Tân Phong chuẩn bị sẵn một số lọ thủy tinh đựng các loại thóc mới, có năng suất cao do Đội Khoa học kỹ thuật sản xuất ra như Di hương, Nếp quýt… để báo công dâng Bác. Biết Bác luôn đau đáu hướng về miền Nam ruột thịt, các đồng chí lãnh đạo xã Hiệp Hòa cũng tìm trong nhân dân biếu Bác một chùm dừa, tượng trưng cho tình cảm của người dân miền Bắc hướng về đồng bào miền Nam. HTX Tân Phong sản xuất ra nhiều thóc lúa, chỉ muốn biếu Bác thật nhiều lúa gạo mang về nhưng sợ Bác mắng, các đồng chí lãnh đạo xã, HTX không dám mang biếu trực tiếp Bác, chỉ cử người mang ra xe một yến gạo do bà con xã viên sản xuất để biếu Bác…”, cụ Mùi hồi tưởng.

Hai bức thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gửi năm 1966 tới HTX Tân Phong. Ảnh: Kiên Trung.

Hai bức thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gửi năm 1966 tới HTX Tân Phong. Ảnh: Kiên Trung.

Sự kiện Bác về thăm đã tiếp thêm động lực tinh thần cho HTX Tân Phong nói chung, Đội Khoa học kỹ thuật và cá nhân cụ Mùi. Từ cánh đồng 5 tấn, những năm tiếp theo, Tân Phong không ngừng tập trung chăm sóc, cải tiến kỹ thuật đưa lên thành cánh đồng 7 tấn, tiếp tục đặt mục tiêu cánh đồng 10 tấn và dành hẳn một khu cánh đồng mẫu cho mục tiêu này. Đến nay, khu vực này vẫn có tên gọi “Cánh đồng 10” của gần 60 năm trước.

Trong hội trường của HTX Tân Phong, hai bức Thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho xã viên Tân Phong cùng trong năm 1966 được phóng to trên hai bức phù điêu khổ lớn. Một bức thư Bác gửi ngày 2/3/1966, với nội dung:

“Thân ái gửi xã viên và cán bộ Hợp tác xã Tân Phong, xã Việt Hùng, huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư – PV), tỉnh Thái Bình.

Trong mấy năm qua, Tân Phong đã cố gắng xây dựng tốt HTX, áp dụng kinh nghiệm sản xuất tiên tiến cho nên đã đạt được năng suất lúa cao. Năm 1965 đã đạt 6.719kg trên một ha. Do đó, đời sống xã viên được cải thiện. Hợp tác xã bán thóc theo giá khuyến khích cho nhà nước nhiều hơn năm 1964. Như vậy là tốt. Bác rất vui lòng, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các xã viên và cán bộ Tân Phong đã ra sức thi đua tăng năng suất lúa.

Đó là thành tích bước đầu. Xã viên và cán bộ không nên chủ quan, thỏa mãn, mà cần phải cố gắng hơn nữa, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, đoàn kết chặt chẽ, thực hành dân chủ tài chính công khai, nêu gương tiết kiệm, vượt mọi khó khăn để đạt được nhiều thành tích hơn nữa về các mặt như chăn nuôi, hoa màu…

Làm được như vậy, HTX Tân Phong sẽ thiết thực góp phần vào công cuộc chống Mỹ cứu nước của toàn dân ta”. Chào thân ái và Quyết thắng – Bác Hồ".

Ngày 20/12/1966, Bác Hồ gửi thư khen ngợi (lần 2) Hợp tác xã Tân Phong đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc, từ hơn 6 tấn 700 kg trên 1ha lên 7 tấn 205kg/1ha. “Bác rất vui lòng khen ngợi các xã viên và cán bộ Tân Phong mới đã luôn cố gắng đạt sản lượng cao. Bác mong rằng các HTX khác đều ra sức thi đua với Tân Phong”. 

Ông Trần Quý Bình, Giám đốc Hội đồng quản trị HTX Tân Phong thời điểm hiện tại, thế hệ tiếp nối của những “chị Hai năm tấn” như cụ Mùi cho biết: hiện, HTX đang quản lý 192ha đất lúa, 5,7ha đất trồng màu. Những thành tựu của thế hệ cha anh đi trước đang được tiếp tục kế thừa, duy trì và phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu của Bác Hồ, xứng đáng với niềm vinh dự Bác Hồ gửi thư khen xã viên HTX hai lần trong cùng một năm đối với lá cờ đầu của toàn miền Bắc những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.

Bí quyết làm nên cánh đồng 5 tấn đầu tiên của cả nước

Giải thích “bí quyết” để có cánh đồng 5 tấn đầu tiên trong lịch sử, cụ Mùi tâm sự: “Có ba yếu tố quan trọng, thứ nhất là con người, thứ hai là chất đất, thứ ba là tiếp thu khoa học kỹ thuật nhưng con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Ngày ấy, xã viên Tân Phong rất cần cù chịu khó, lao động hết sức mình và ham học hỏi. Tôi cùng mấy xã viên trong đội đi bộ sang tận Hưng Yên để học kỹ thuật cấy ngửa tay của bác Lương Đình Của truyền cho.

Cụ Mùi bên khu cánh đồng 2ha trước kia Đội KHKT của HTX nhân giống bèo hoa dâu để làm phân bón hữu cơ cho lúa. Ảnh: Kiên Trung.

Cụ Mùi bên khu cánh đồng 2ha trước kia Đội KHKT của HTX nhân giống bèo hoa dâu để làm phân bón hữu cơ cho lúa. Ảnh: Kiên Trung.

Trước, mình cứ quen cấy úp tay, vừa mất thời gian tách mạ, hao mạ, cắm cây mạ xuống đất sâu, nghẹn rễ, cây phát triển chậm. Kỹ thuật cấy ngửa tay, rễ cây bám trên lớp đất mặt đã được chuẩn bị đủ dinh dưỡng nên rễ phát triển nhanh, đẻ nhanh, rõ là ít dảnh hơn nhưng đẻ khóm nhanh hơn, cho năng suất cao hơn. Học về rồi thì phổ biến cho các xã viên khác, phổ biến cho toàn thể HTX, bà con nông dân”.

Kỹ thuật cấy ngửa tay, cấy chăng dây… sau đó được áp dụng trên toàn tỉnh Thái Bình bắt đầu như thế.

Công việc của Đội Khoa học sản xuất do cụ Mùi làm đội trưởng, đó là nghiên cứu, nhân giống các giống lúa, nghiên cứu chủng loại đất, các phương án cải tạo, khử chua (PH) đất, nghiên cứu để đảm bảo nguồn phân bón hữu cơ cho cây lúa… Đội đã nghiên cứu được trên 10 giống lúa chủ lực của HTX Tân Phong như Mộc tuyền, Nếp quýt (nếp thơm), Dâu rừng, Di hương, Qn5… Khu nhân giống được quy hoạch riêng rẽ, giao cho đội quản lý, phụ trách gần chục mẫu ruộng.

Ruộng đất của HTX gồm nhiều loại đồng đất khác nhau, phải “bắt bệnh” đất trồng: cánh đồng nào đất chua, độ PH cao, đội đi phá đá, nung vôi, rồi đập mịn thành bột đem rắc khử chua. Đất xấu, kém chất, chị em đi tát ao để múc bùn, sau đó phơi khô, rồi gánh gồng, chở xe cải tiến đem bồi thêm, tăng chất cho đất.

“Hồi đó chỉ lao động bằng chân tay, không có máy móc, cơ giới. Đội có hai con trâu làm nhiệm vụ cày, bừa, sức kéo. Trâu cày xong, xã viên ra đắp luống, lật đất để phơi ải. Những chỗ cày lỏi, lại mang cuốc ra cuốc tay, cho đến lớp đất sét thì thôi. Thế mà công việc cứ băng băng, chẳng thấy mệt mỏi gì, dù khẩu phần ăn rất ít”, cụ Mùi trò chuyện.

Năm 2003, cụ Mùi nghỉ tham gia các phong trào đoàn thể tại địa phương để về vui vầy cùng con cháu, sau hơn 40 năm gắn bó với cây lúa, cánh đồng. Ảnh: Kiên Trung.

Năm 2003, cụ Mùi nghỉ tham gia các phong trào đoàn thể tại địa phương để về vui vầy cùng con cháu, sau hơn 40 năm gắn bó với cây lúa, cánh đồng. Ảnh: Kiên Trung.

Cánh đồng Tân Phong nằm gần con sông Hồng nên hệ thống mương máng, tưới tiêu, thủy lợi không phải là nỗi lo. Chưa có máy bơm, máy nổ, xã viên dùng guồng nước có bánh xe, một người ngồi bên trên dùng chân đạp. Nước từ sông vào mương, tháo vào các cánh đồng. Đoạn nào bờ cao thì dùng gầu dây để tát gầu đôi, hay gầu đơn kê trên hai chiếc sào đỡ để làm giá, một người điều khiển vục lấy nước, kéo lên, đổ vào hệ thống mương dẫn. Nước theo mương máng tỏa đi khắp các thửa ruộng.

Trong câu chuyện, cụ Mùi nói nhiều tới cây bèo hoa dâu – chất dinh dưỡng quan trọng và rất quý đối với sản xuất lúa của HTX Tân Phong. Nó được ví như “biệt dược” của cây lúa, ngay từ thời đó, thế hệ cụ Mùi đã nhận thức được tầm quan trọng của loại bèo hoa dâu. Vậy mà giờ đây, rất ít địa phương để ý, sử dụng, thậm chí bèo hoa dâu đã gần như biến mất.

Người con trai cả của cụ Mùi bên bức ảnh quý của gia đình lưu giữ hình ảnh Bác Hồ về thăm quê hương. Ảnh: Kiên Trung.

Người con trai cả của cụ Mùi bên bức ảnh quý của gia đình lưu giữ hình ảnh Bác Hồ về thăm quê hương. Ảnh: Kiên Trung.

Ngày đó, phân đạm hóa chất hiếm, chỉ có phân đạm, u rê, phân lân Lâm Thao, Văn Điển… nhưng chúng tôi cũng rất dè sẻn, hạn chế dùng. Phân hữu cơ là chủ lực. Chị em đi cắt rau, cắt cỏ về làm phân xanh. Phân chuồng đưa ra ruộng, đắp đất ủ để nó ngấu, hoai, sau đó rắc rải, bừa nhuyễn; phân xanh ủ từ phế phụ phẩm; phân bắc, phân hôi từ gio bếp trộn. Những lúc thưa việc, Đội Khoa học chia lượt đi khắp nơi nhặt phân trâu, phân bò ngoài đường, về gom thành đống, phơi khô, rồi đập mịn đảo với đất.

Để có bèo hoa dâu, cụ Mùi đích thân cùng với một vài xã viên khác cuốc bộ sang Hải Hậu, Giao Thủy (Nam Định) để mót bèo hoa dâu về làm giống. Hai ngày cả đi cả về, mót được vài kg bèo hoa dâu, quy trình nhân giống bèo hoa dâu được Đội Kỹ thuật lên kế hoạch.

Một khu ruộng 2ha để ngập nước dành riêng để cấy bèo hoa dâu. Chọn những cây bèo khỏe mạnh nhất, dầy cánh, lá bèo mịn, mỡ, có nhiều rễ khỏe… để làm giống. Chăng 4 chiếc sào buộc lại cỡ chừng tấm chiếu, bèo hoa dâu giống được thả, chất cho ăn nuôi bèo là bùn mương máng, bùn ao được phơi khô, đập mịn, sau đó sàng sảy lấy những hạt bùn mịn rải lên cánh bèo. Hạt bùn to tiếp tục để bón lúa. Ba ngày được một lứa bèo, cứ thế nhân từ 2kg bèo hoa dâu giống, Đội Kỹ thuật đã sản xuất đủ bèo hoa dâu làm phân bón cho toàn bộ diện tích lúa của HTX Tân Phong, sau đó còn bán cho các xã bạn, nhiều vô kể.

Lúa mượt đồng trên quê hương Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Lúa mượt đồng trên quê hương Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung.

“Bèo hoa dâu được vớt lên, đào hố đổ đống, sau đó lấy bùn trát bên ngoài. Mấy ngày sau, bèo đã hoai thành phân, xã viên lấy phân hữu cơ từ bèo hoa dâu trộn với tro, bón vào từng gốc lúa. Ngày ấy, chăm cây lúa như chăm con”, cụ Mùi bồi hồi.

Câu chuyện của “chị Hai năm tấn” Phạm Thị Mùi về cánh đồng 5ha gần 60 năm về trước, khi khoa học kỹ thuật, máy móc chưa phát triển như bây giờ, vậy mà mới mẻ và còn nguyên tính thời sự. Đó là những kinh nghiệm quý báu mà cha ông tích lũy, truyền đời hàng ngàn năm để hình thành nên nền văn minh lúa nước, vậy mà con cháu thời hiện đại chạy đua theo năng suất, lạm dụng hóa chất… để phát triển một nền nông nghiệp cưỡng bức, đang tìm đường quay trở lại nền nông nghiệp sản xuất hữu cơ, bền vững… của cha ông.

“Thời của chúng tôi vui lắm, làm quên ăn, quên nghỉ, mà đâu có nhiều cái ăn đâu. Con cái đẻ ra, tháng thứ 7 cho đi gửi trẻ, tháng thứ 13 cắt sữa, gửi ông bà ngoại… rồi lại toàn tâm, toàn ý dành cho đồng ruộng” – cụ Mùi cùng tôi tới cánh đồng 2ha, nơi mà trước kia Đội Khoa học kỹ thuật do cụ làm đội trưởng mày mò ngày đêm để nhân giống bèo hoa dâu làm phân hữu cơ cho cánh đồng 5 tấn, 7 tấn, rồi ước mơ xây dựng cánh đồng 10 tấn đầu tiên ở miền Bắc.

Bước sang tuổi 80, “chị Hai năm tấn” Phạm Thị Mùi giờ đây vui vầy hạnh phúc bên con cháu, sống an lạc trên quê hương, trên cánh đồng mà cả cuộc đời cụ cùng các xã viên xã nhà chăm chút, dành hết tình yêu, trách nhiệm cho cây lúa. “Tôi có 5 người con, 11 người cháu, 6 đứa chắt, tất thảy đều ngoan ngoãn, giỏi giang, hiếu thuận”, cụ Mùi hạnh phúc nói.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm