| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp cho cây nho trên vùng đất 'khô khát'

Thứ Hai 27/04/2020 , 09:54 (GMT+7)

Cây nho hầu như chỉ được tập trung trồng tại tỉnh Ninh Thuận, với giá trị cao, mỗi hecta một năm có thể cho thu nhập cả tỷ đồng.

Công nghệ tưới nước tiết kiệm đang là giải pháp hữu hiệu giúp người trồng nho Ninh Thuận phát triển vườn trong giai đoạn khô hạn. Ảnh: KS.

Công nghệ tưới nước tiết kiệm đang là giải pháp hữu hiệu giúp người trồng nho Ninh Thuận phát triển vườn trong giai đoạn khô hạn. Ảnh: KS.

Cây nho đã mang lại sự giàu có cho người nông dân xứ nóng là vậy, nhưng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, nguồn nước tưới trở nên vô cùng khan hiếm tại những vùng thủy lợi chưa phát triển.

Để sống chung với khô hạn, giải pháp duy nhất là người dân phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Trồng nho vùng đất “khát”

Những ngày cuối tháng 4, Ninh Thuận khô khan, nóng bỏng dưới cái nắng chói chang. Khom mình bước đi dưới giàn nho trĩu quả, nông dân Hà Tiến Phương (ngụ thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) đến chiếc máy bơm ở góc vườn rồi mở khóa nước, đóng điện để vận hành hệ thống tưới.

Anh Phương cho biết, Ninh Thuận đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa khô. Thời gian này, cây trái ít bị nấm bệnh và cho quả ngọt hơn so với những mùa khác trong năm. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, việc tưới nước và nguồn nước phục vụ sản xuất phải luôn được đảm bảo.

Gia đình anh Phương trồng 4 sào (1 sào 1.000m2) nho đỏ và toàn bộ cây trong vườn đang ở độ cho trái sum suê, chuẩn bị thu hoạch.

Nông dân này chia sẻ: “Là xã ven biển hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư nhiều, trong xã duy nhất chỉ có hồ Nước Ngọt để phục vụ sản xuất nhưng có dung tích chỉ có 1,8 triệu m3 nên hầu như không đủ phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân. Hiện nay, do khô hạn kéo dài nên mực nước hồ đã giảm, không đủ để phục vụ cây trồng”.

Để duy trì nước tưới, gia đình anh Phương khoan 2 giếng và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho toàn bộ diện tích.

Cũng theo người dân này, trước đây, khi cây nho chưa phổ biến trên nền đất cát khô hạn ở Ninh Hải, người dân phát triển bắp, đậu tương và các loại hoa màu. Việc làm nông nghiệp thời bấy giờ phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, tức trồng trọt vào các tháng mùa mưa và đến mùa khô thì bỏ hoang.

Ở góc vườn, máy bơm đã được đóng điện và nguồn nước từ giếng khoan được hút lên, đẩy vào hệ thống béc tưới khắp nền vườn. Nhìn những giọt nước li ti phun đều, anh Phương thổ lộ, trước đây, người dân tưới bằng cách phun tràn lên luống. Để đưa nước đến các gốc nho, chủ vườn phải dùng cuốc xới các rãnh.

“Vườn rộng hàng nghìn mét vuông nên việc xới rãnh vất vả vô cùng. Có những lúc, bề mặt vườn ở đầu nguồn ngấm nước nhiều, nổi sình nhưng ở góc xa thì vẫn khô. Do vậy, cây trên vườn phát triển không đều”, anh Phương cho biết.

Cách vườn của anh Phương không xa là khu trồng nho rộng 0,5ha của gia đình anh Nguyễn Văn Thanh.

Ở vườn này, những chùm nho mọng nước đang chín dần nên khắp giàn nhuộm một màu tím. Chủ vườn cho biết, hiện nay, nguồn nước từ hệ thống thủy lợi đã cạn kiệt, việc tưới cho cây phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc giếng khơi ở đầu vườn.

Nhìn mực nước nằm sâu ở đáy giếng, anh Thanh chia sẻ: “May mắn là gia đình lắp béc tưới tiết kiệm nếu không sẽ khó vượt qua được mùa này. Tưới tiết kiệm chỉ cần 50% lượng nước so với tưới rãnh truyền thống nhưng hiệu quả thì hơn gấp nhiều lần”.

Hệ thống tưới tiết kiệm có chi phí không quá cao nhưng mang lại nhiều lợi ích. Ảnh: Kim Sơ.

Hệ thống tưới tiết kiệm có chi phí không quá cao nhưng mang lại nhiều lợi ích. Ảnh: Kim Sơ.

Cũng theo nông dân này, tùy thuộc vào độ sinh trưởng của cây mà lịch tưới được cài đặt khác nhau. Với cây đang độ trái chín thì một tuần chỉ cần tưới 1-2 lần, còn cây đang thời kỳ phát triển trái thì tưới từ 2-3 lần. Nước từ hệ thống béc được phun đều trên bề mặt và tạo thành lớp ẩm đều giúp cây hấp thụ tốt.

“Việc bón phân cũng trở nên đơn giản hơn so với trước đây. Chỉ cần rải đều lên khắp bề mặt vườn rồi tưới phun lên trên là phân bón tan, thấm vào đất cho cây hấp thụ”, anh Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.

Cánh đồng nho lớn

Phát triển hệ thống tưới tiết kiệm đã trở thành giải pháp hữu hiệu trong phát triển cây nho. Riêng tại xã Vĩnh Hải, địa phương trồng nho trọng điểm của Ninh Thuận với diện tích gần 200ha, do đặc thù ven biển, thủy lợi hầu như không có, nguồn nước mặt vô cùng khan hiếm, do vậy toàn bộ diện tích nho được người dân đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.

Nho là một trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận và đã được Bộ Khoa học Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Kim Sơ.

Nho là một trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận và đã được Bộ Khoa học Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Kim Sơ.

Để cây nho phát triển bền vững, xã đã thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp nho Thái An. Hiện HTX xây dựng chương trình liên kết sản xuất nho quy mô lớn với 109 hộ dân, diện tích nho theo quy chuẩn VietGAP lên đến 50ha.

Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX cho biết, cây nho ở địa phương cho hiệu quả kinh tế cao và hợp tác xã xây dựng cánh đồng mẫu lớn với khoảng trên 30ha.

“Toàn bộ diện tích sản xuất của hợp tác xã được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, trong đó nhà nước hỗ trợ chi phí lắp đặt 20 triệu đồng/ha.

Thời điểm này, dù khô hạn nhưng nước tưới được đảm bảo, cây phát triển mạnh”, ông Phòng chia sẻ và cho biết thêm, tưới tiết kiệm đang là giải pháp hữu hiệu nhất trong phát triển cánh đồng lớn tại đây.

Cũng theo ông Phòng, hiện người dân Ninh Hải đã chủ động thực hiện các biện pháp tưới. Họ cũng thực hiện tưới giãn cách để nuôi cây, vượt qua khô hạn. Chi phí lắp đặt ban đầu vào khoảng 20-30 triệu đồng/ha, sử dụng trong nhiều năm.

“Tưới tiết kiệm đất vườn không cần làm mặt bằng như tưới tràn kiểu cũ, đỡ được rất nhiều tiền công. Ở đồng nho Thái An này, nếu không có công nghệ tưới tiết kiệm thì chắc chắn không thể phát triển được hết toàn cánh đồng. Nhờ công nghệ mà bà con mới mở rộng được diện tích trồng trọt, khai thác tối đa hiệu quả của vườn”, ông Phòng nhận định.

Nho là cây giá trị kinh tế cao nhất tại Ninh Thuận

Theo Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận, diện tích nho của toàn tỉnh hiện nay là 1.238ha với các giống chủ lực như Red cardinal, NH-148 và NH-152.

Đối với cây trồng áp dụng tưới tiết kiệm, cả tỉnh có khoảng 1.253ha. Trong đó, diện tích tưới tiết kiệm cây nho rất lớn, tập trung ở những vùng xa nguồn nước và trồng nho trên đất cát, thiếu nước như huyện Ninh Hải.

Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận cho hay, công nghệ tưới tiết kiệm mang lại hiệu quả rõ rệt, giảm được công lao động, giảm chi phí diệt trừ cỏ. Trong điều kiện khô hạn thường xảy ra như Ninh Thuận, đây là giải pháp tối ưu nhất hiện nay.

Trước đây, các mô hình tưới tiết kiệm được nhà nước hỗ trợ và đến nay, người dân ý thức được hiệu quả nên tự bỏ chi phí đầu tư.

“Nho là một trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận và đã được Bộ Khoa học Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Năng suất nho của địa phương đạt khoảng 20 tấn/ha/vụ và là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất tại Ninh Thuận”, ông Nguyễn Tin cho biết.

Tiến sĩ Phạm Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố: Nho là cây trồng chủ lực, đặc sản của tỉnh Ninh Thuận. Thời gian qua, Viện đã giới thiệu và đưa vào sản xuất 5 giống nho, đặc biệt là giống nho ăn tươi chất lượng cao NH-152. Trên nền tảng nguồn giống chất lượng kết hợp áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng chất lượng nông sản.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất