Gần 90% chó, mèo được tiêm phòng dại hàng năm
Theo Thống kê của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), 3 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 56 ổ dịch tại 25 tỉnh, thành phố. Trong đó, số chó, mèo mắc bệnh 86 con, chết và tiêu hủy là 192 con.
Đối với bệnh dại trên người, theo Bộ Y tế, 3 tháng đầu năm, ghi nhận 27 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố. Số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại là trên 100.000 người.
Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay có hàng chục nghìn người bị chó, mèo cào, cắn phải chích ngừa phòng dại. Hiện tổng đàn chó mèo của TP.HCM là 183.700 con (cả nước 7,6 triệu con), được nuôi tại 106.060 hộ, trung bình 1,73 con/hộ.
Theo ông Lê Minh Trí, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM (Sở NN-PTNT TP.HCM), là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn nhất nước và là nơi giao thương hàng hóa, TP.HCM có nguy cơ xâm nhập mầm bệnh rất lớn. Tuy nhiên, ghi nhận trên địa bàn TP.HCM từ nhiều năm nay không xảy ra ca dại trên động vật cũng như trên người.
Để đạt được những kết quả này, ông Lê Minh Trí cho biết, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM (gọi tắt là Chi cục - PV) đã tham mưu UBND thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh dại động vật trên địa bàn.
Trong đó, Chi cục phối hợp với UBND quận, huyện, đoàn thể thông tin, tuyên truyền cho người dân về phòng, chống bệnh dại, tiêm phòng vacxin dại, không thả rông chó mèo, khai báo, kê khai các hoạt động chăn nuôi, các hành vi vi phạm… Đặc biệt, phối hợp Sở GD-ĐT TP.HCM trong công tác truyền thông học đường mang lại hiệu quả tích cực trong phòng, chống bệnh dại.
Ngoài ra, phối hợp với UBND cấp xã rà soát, thống kê tình hình biến động đàn chó, mèo định kỳ 2 lần/năm và cập nhật vào phần mềm quản lý thống kê gia súc. Việc cập nhật vào phần mềm quản lý của Chi cục nhằm quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo trên địa bàn, cũng như hỗ trợ cho việc tổ chức tiêm phòng, quản lý việc lấy mẫu giám sát tiêm phòng, làm cơ sở duy trì thành công TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.
Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với các quận huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức tiêm phòng cho đàn chó, mèo. “Chúng tôi tập trung tiêm phòng vacxin đại trà vào khoảng tháng 3-5 hàng năm và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi.
Do đó, tỷ lệ tiêm phòng hàng năm luôn đạt trên 88% tổng đàn kiểm tra. Hàng năm, tổ chức lấy khoảng hơn 300 mẫu máu xét nghiệm hiệu giá thể sau tiêm phòng. Qua đó, tỷ lệ bảo hộ đối với bệnh dại trên địa bàn thành phố luôn đạt trên 80%", ông Trí nói.
Ông Trí cho biết thêm, Chi cục thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ các cơ sở hành nghề dịch vụ thú y tư nhân, nhằm cập nhật kịp thời tình hình tiêm phòng tại các phòng khám thú y tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật xuất tỉnh cho người nuôi chó, mèo.
TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại
Liên quan đến công tác bắt chó thả rông, ông Trí cho biết, Chi cục tập huấn công tác bắt chó thả rông cho nhân sự của UBND các xã, hỗ trợ phương tiện, dụng cụ bắt chó, xử lý… theo Thông tư 07 của Bộ NN-PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh trên cạn. “Đến nay, có 59 phường, xã đã thành lập tổ bắt chó thả rông trên địa bàn thành phố”, ông Trí nói.
Từ năm 2008, Chi cục Chăn nuôi và thú y TP.HCM đã tham mưu, triển khai xây dựng phường, xã an toàn bệnh dại. Từ 2 phường đầu tiên (phường 4, phường 6 quận Tân Bình) được công nhận an toàn bệnh dại năm 2008. Đến năm 2020, TP.HCM đã được cấp giấy chứng nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.
Để công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn đạt hiệu quả, góp phần duy trì TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM khuyến cáo, người dân thực hiện tiêm phòng vacxin bệnh dại cho chó, mèo mỗi năm 1 lần.
Mũi tiêm chủng đầu tiên thực hiện từ 12 tuần tuổi, trong trường hợp chó, mèo được tiêm phòng trước 12 tuần tuổi, lịch tiêm phòng đầu tiên phải được tiêm chủng bổ sung 1 mũi tiêm vào lúc 12 tuần tuổi hoặc lớn hơn.
“Đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu cho vật nuôi trong nhà, từ đó không xảy ra bệnh dại cho người”, ông Trí nói.
Ngoài ra, người dân phải kê khai hoạt động chăn nuôi 2 lần/năm cho chính quyền địa phương và khai báo với Trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương hoặc chính quyền địa phương khi đưa chó, mèo từ nơi khác về nuôi, nhất là vật nuôi chưa được tiêm phòng bệnh dại.
Đặc biệt, không mua chó mèo rong trên đường phố hoặc không rõ nguồn gốc; khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm, có xích để đảm bảo an toàn cho người khác. Khi bị chó, mèo cào cắn, cần xử lý vết thương và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị, tiêm phòng dại kịp thời.
Khi phát hiện chó mèo có các triệu chứng bệnh dại như trốn vào góc tối, kín đáo, tỏ ra vồn vã thái quá, sủa vu vơ, tru lên từng hồi hoặc bồn chồn, nhảy lên đớp không khí, chó tự cắn, cào đến rụng lông chảy máu, bỏ ăn, nuốt khó, sốt, giãn đồng tử… phải nhốt riêng và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời nhằm khống chế, không để phát sinh, lây lan bệnh dại trong cộng đồng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện UBND các quận huyện trên địa bàn thành phố đang tổ chức tiêm phòng vacxin dại cho chó, mèo. Người dân cần chi trả chi phí tiêm phòng 23.000 đồng/liều. Riêng người dân tại 5 huyện ngoại thành: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ khi tiêm phòng vacxin dại cho chó, mèo chỉ phải chi trả 12.500 đồng/liều do được hỗ trợ 50% chi phí theo Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND TP.HCM.
Khi có nhu cầu tiêm vacxin phòng bệnh dại, người dân nên mang chó, mèo đến Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật (số 126 Trần Quý, phường 6, quận 11) hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y quận, huyện, thành phố Thủ Đức để được tiêm phòng theo đúng quy định.