| Hotline: 0983.970.780

Giảm 50% chi phí phân bón: Hoàn toàn được

Thứ Sáu 29/10/2021 , 11:17 (GMT+7)

Tại ĐBSCL, rất nhiều mô hình đã áp dụng quy trình bón giảm lượng phân vô cơ, tiết kiệm được 50% chi phí phân bón và năng suất lúa vẫn đạt hơn 6 tấn/ha.

Giảm 50% chi phí phân bón, năng suất lúa vẫn cao

Theo tập quán bón phân thông thường của hầu hết nông dân ĐBSCL hiện nay, ở vụ đông xuân (ĐX), nông dân thường bón khoảng 45 - 55 kg phân bón các loại/công (1.000 m2). Mọi năm, khi giá phân bón và các loại vật tư khác chưa tăng, chi phí phân bón chỉ xoay quanh khoảng 500.000 đồng/công. Nếu cộng với chi phí thuốc BVTV, giống, công cắt lúa, bơm tưới..., chi phí sản xuất lúa vụ ĐX thường chỉ khoảng 1 triệu đồng/công.

Tuy nhiên với giá phân bón và các loại vật tư khác đều tăng cao như hiện nay (giá phân bón bình quân khoảng 20.000 đồng/kg), theo tính toán, chi phí sản xuất lúa của nông dân đã tăng hơn gấp đôi so với mọi năm, tức khoảng 2 đến 2,2 triệu đồng/công, trong đó riêng chi phí phân bón đã chiếm khoảng 1 triệu đồng/công. 

Giá phân bón tăng cao đang đè nặng lên sản xuất vụ lúa vụ đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giá phân bón tăng cao đang đè nặng lên sản xuất vụ lúa vụ đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Phạm Văn Tuấn ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) có trên 30 năm gắn bó với ruộng đồng. Hiện ông Tuấn đã xuống giống xong và đang chăm sóc 1ha lúa vụ ĐX sớm 2021 - 2022 với tâm trạng buồn rười rượi vì giá phân bón tăng cao. Theo chia sẻ, vụ này, ông Tuấn sạ 20 kg giống/công. 

“Trước cũng sạ thưa nhưng thấy ốc ăn, chết giống nặng công dặm nên tôi sạ dày lại ở mức 20 kg/công. Lúc phân bón rẻ thì vụ ĐX tôi thường rải 60 - 70 kg/công. Còn vụ này giá phân bón quá đắt nên tôi giảm xuống còn 50 kg/công”, ông Tuấn cho biết.

Bài liên quan

Do tập quán nên nhiều bà con đang sạ dày dẫn đến chi phí lớn. Vụ ĐX này, gánh nặng phân bón, thuốc BVTV sẽ tiêu hao hầu hết lợi nhuận nếu giá lúa gạo không khởi sắc.

Còn tại tỉnh Trà Vinh, ông Võ Quang Cường, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tiểu Cần cho biết: “Tại huyện Tiểu Cần, hầu hết đất lúa nhiễm phèn nên công thức bón phân theo khuyến cáo chung của huyện là 90N- 60S- 30K, chủ yếu nhiều lân để hạ phèn. Do đó mỗi ha, công thức chung là sử dụng khoảng 400 kg phân bón (hay 40 kg/công).

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, bên ngoài phần lớn người dân không tham gia tổ hợp tác, HTX thường duy trì tập quán sạ dày từ 15 - 20 kg giống và sử dụng lượng phân bón từ 45 - 55 kg/công”.

Trong điều kiện giá phân bón tăng cao, các ngành chức năng tỉnh Trà Vinh cũng đưa ra khuyến cáo nông dân có thể giảm bón phân Urea để thay bằng các loại phân hữu cơ và làm đất kỹ để tiết giảm chi phí. Bởi hiện nay, giá phân hữu cơ khoáng chỉ bằng 50% - 60% giá phân vô cơ.

“Theo chúng tôi thấy, nếu nông dân làm đất kỹ, kết hợp bón lót phân lân ở giai đoạn làm đất sẽ giúp đất tơi xốp, giữ phân ít bị rửa trôi. Nhất là không sợ ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ. Giống sạ không chết nhiều. Do đó ở vụ đông xuân 2021 - 2022 này, bà con có thể mạnh dạn giảm lượng giống gieo sạ từ 15-20 kg/công như trước đây xuống còn 10 - 12 kg/công. Việc gieo sạ thưa sẽ giúp nhu cầu về lượng phân bón cũng sẽ giảm ít đi, cũng như nguy cơ sâu bệnh sẽ giảm và giảm được chi phí thuốc BVTV”, ông Võ Quang Cường cho biết.

Tại ĐBSCL, rất nhiều mô hình tiết kiệm được tới 50% chi phí phân bón, nhưng năng suất lúa vẫn đảm bảo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại ĐBSCL, rất nhiều mô hình tiết kiệm được tới 50% chi phí phân bón, nhưng năng suất lúa vẫn đảm bảo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bà Nguyễn Thị Lùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Trà Vinh thông tin: Nhiều nơi nông dân đã từng áp dụng tiến bộ kỹ thuật sạ thưa, sử dụng lượng giống thấp (khoảng 10 kg/công) nên lượng phân bón cũng đã tiết giảm rất đáng kể so với mặt bằng chung.

Theo bà Lùng, thông thường, nông dân sử dụng 3 đợt bón phân cho cả vụ, cụ thể: Đợt 1 bón 5 kg DAP và 5 kg Urea/công; đợt 2 bón 5 kg DAP và 5 kg Urea/công; đợt 3 bón 5 kg kali và 5 kg Urea/công. Với quy trình bón này, tổng lượng phân bón vô cơ lên tới khoảng 30 kg/công/vụ.

Bài liên quan

Tuy nhiên, để tiết kiệm phân bón, bà Lùng cho biết có thể bổ sung 15 kg phân bón hữu cơ/công, đồng thời giảm lượng phân bón vô cơ xuống. Cụ thể: Đợt 1 và đợt 2 bón cùng công thức 3 kg Urea, 3 kg DAP + 5 kg hữu cơ/công; đợt 3 bón 3 Urea + 5 kali + 5 kg hữu cơ/công.

Với công thức này, nông dân sẽ bón chỉ 20 kg phân hoá học và 15 kg phân hữu cơ/công/vụ, giảm được tới 50% lượng phân hoá học so với công thức chung mà vẫn hoàn toàn đảm bảo được năng suất lúa.

Với cách bón tiết kiệm trên, nếu bà con sử dụng phân hữu cơ khoáng có giá khoảng 10.000 đồng/kg thì tổng chi phí phân bón bình quân thông thường (khi giá phân bón chưa tăng cao như hiện nay) chỉ khoảng 550.000 đồng/công/vụ. Còn sử dụng phân hữu cơ vi sinh có giá khoảng 5.000 đồng/kg thì chi phí phân bón có thể thấp hơn nữa, giúp tổng chi phí phân bón giảm khoảng 50% so với mặt bằng chung.

"Hiện nay, phân DAP có giá lên tới 25.000 đồng/kg. Urea và kali có giá khoảng 17.000 đồng/kg. Vì vậy, nông dân hoàn toàn có thể giảm phân bón hoá học hơn nữa và kết hợp thay bằng phân hữu cơ để kéo giảm chi phí mà vẫn có thể đảm bảo năng suất không đổi, khoảng 6 tấn lúa tươi/công.

Thực tế đã chứng minh, nếu nhà nông mạnh dạn áp dụng quy trình bón phân tiết kiệm, khoa học, kết hợp với giảm giống gieo sạ, sẽ giảm được lượng phân bón rất lớn. Vụ ĐX 2021 - 2022, nhà nông có thể áp dụng công thức bón tiết kiệm theo khuyến cáo để giảm phân bón hoá học, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận trong điều kiện giá bán lúa bấp bênh như hiện nay".

(Bà Nguyễn Thị Lùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Trà Vinh)

Cần mạnh dạn giảm phân vô cơ

Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, anh Lê Văn Liền ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ sẽ xuống giống 1,5 ha giống OM 18 vào con nước kém mùng 10/10 âm lịch tới đây.

Đây là vụ lúa đầu tiên gia đình anh sẽ chọn phương án làm thử nghiệm 6 công ruộng để tiết giảm phân bón và thuốc BVTV. Cách làm của anh là sử dụng là bón phân bón hữu cơ chiếm 60 - 70% và chỉ bón 1 đợt phân NPK (phân hóa học) ở giai đoạn lúa đón đòng. Riêng 6 công ruộng còn lại của anh vẫn sản xuất bình thường, sử dụng phân thuốc hóa học để cuối vụ có bài toán so sánh.

Nông dân chăm sóc lúa đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân chăm sóc lúa đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Minh Đảm.

“Nếu cách sản xuất phối hợp vô cơ - hữu cơ đem lại hiệu quả thì các vụ lúa tiếp theo tôi sẽ áp dụng hết diện tích còn lại sang sử dụng phân - thuốc hữu cơ sinh học để tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận”, anh Lê Văn Liền chia sẻ.

Theo nhiều nông dân nhận định, sử dụng kết hợp giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, trước mắt sẽ giảm được chi phí đầu tư từ 40 - 50% so với việc chỉ sử dụng phân hóa học như thông thường. Vì hiện nay, phân hữu cơ sinh học giá không tăng trên thị trường, và luôn thấp hơn phân nửa so với phân hóa học.

Sử dụng phân hữu cơ sinh học còn có nhiều cái lợi như bảo vệ môi trường, cho ra nông sản đảm bảo an toàn về mặt chất lượng… Bên cạnh đó, về lâu dài, lượng vi sinh trong đất nhiều hơn, giúp cải tạo độ màu mỡ của đất tốt hơn.

Hiện nay, thậm chí dù không cần bón thêm phân hữu cơ, tuy nhiên nhiều mô hình nông dân đã thử nghiệm bón tiết kiệm phân vô cơ, mà năng suất lúa vẫn không tụt quá nhiều.

Nhiều năm nay, ông Trương Ngọc Thanh ở ấp Ngãi Lợi, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đã áp dụng phương pháp gieo sạ thưa và chỉ bón lượng phân vô cơ rất ít so với nhiều hộ dân lân cận nhưng năng suất và lợi nhuận vẫn đảm bảo.

Vụ ĐX 2020 - 2021, ông Thanh sạ 7 công lúa. Ông chỉ gieo sạ với lượng 12 kg giống/công. Ông bón 3 đợt phân bón cho cả vụ. Mỗi công ruộng (1.000 m2) ông Thanh bón đợt 1 gồm 4kg Urea và 2 kg phân hỗn hợp NPK 20-20-15; Đợt 2 là 10 kg phân NPK 20-20-15; Đợt 3 là 10 kg phân NPK 16-16-8. Ông Thanh khẳng định, ông cũng không sử dụng thêm phân hữu cơ, nhưng cuối vụ năng suất lúa vẫn đạt 5,5 tấn/ha, không thua kém nhiều so với những hộ sử dụng phân bón thâm canh cao.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.