| Hotline: 0983.970.780

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản

Thứ Ba 22/03/2022 , 19:45 (GMT+7)

Ngành thủy sản điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (ngoài cùng bên phải) kiểm tra hệ thống giám sát tàu thuyền ra vào cảng tại cảng Lạch Hới, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: VD.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (ngoài cùng bên phải) kiểm tra hệ thống giám sát tàu thuyền ra vào cảng tại cảng Lạch Hới, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: VD.

Sản lượng khai thác cao chưa hẳn đáng mừng

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2021, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 3,9 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 2020. Trong đó, khai thác biển gần 3,7 triệu tấn (tăng 1% so với cùng kỳ), khai thác nội địa 196 nghìn tấn (tăng 0,2% cùng kỳ).

Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 8,9 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản tăng mạnh như: nhuyễn thể có vỏ, cá ngừ, mực, bạch tuộc...

Các sản phẩm hải sản đóng góp tỷ trọng xuất khẩu chính trong nhóm tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản năm 2021 gồm: Cá biển thủy sản khác (49,8%), cá ngừ (22,35%), nhuyễn thể (17,9%)...

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cũng chỉ rõ, ngành thủy sản đạt được kết quả trên là nhờ thời gian vừa qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho việc khai thác, chế biến hải sản như công bố danh sách 77 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; mở 65 cảng cá; chỉ định 49 cảng cá đủ điều kiện chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác…

Sản lượng khai thác lớn chưa hẳn là điều đáng mừng. Ảnh: VD.

Sản lượng khai thác lớn chưa hẳn là điều đáng mừng. Ảnh: VD.

Bên cạnh đó, dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển với 354 cơ sở sản xuất nước đá; 640 kho lạnh sản phẩm hải sản với tổng sức chứa khoảng 78.700 tấn và 14 kho cho thuê với sức chứa 46 nghìn tấn; 9 nhà phân loại hải sản, đảm bảo phân loại 240 tấn sản phẩm/ngày; 1.135 cơ sở vựa, thu mua, kinh doanh hải sản. Cả nước hiện có 10 cơ sở gia công sản xuất lưới sợi quy mô lớn trên phạm vi cả nước. Các cơ sở này mỗi năm sản xuất trên 10.000 tấn lưới sợi.

Nhiều tàu khai thác xa bờ đã được đóng mới trang bị lắp máy công suất lớn, trang thiết bị khai thác tiên tiến, hiện đại. Sự thay đổi cơ cấu nghề nghiệp, không những làm tăng sản lượng mà còn giúp ngư dân tiếp cận các sản phẩm có chất lượng, giá bán cao.

Đến hết tháng 2/2022, cả nước có 86 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển với gần 17.700 đoàn viên và hơn 6.200 tàu có chiều dài từ 15m trở lên; hơn 4.200 tổ đội sản xuất trên biển đang hoạt động với sự tham gia của gần 29.600 tàu cá, hơn 179.600 lao động trên các vùng biển.

Các mô hình chuỗi liên kết ngành hàng cũng đang phát triển. Trong các chuỗi này, doanh nghiệp đặt hàng về quy cách bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc, nhận bao tiêu sản phẩm giá cao hơn giá thị trường tại cùng thời điểm.

Một số nghiên cứu được thực hiện nhằm cải tiến công nghệ, thiết bị bảo quản để nâng cao chất lượng nguyên liệu hải sản khai thác.

Tuy nhiên, tính đến nay vẫn còn 4 tỉnh chưa thực hiện xong việc xác định hạn ngạch khai thác. Theo đó, cả nước có 24/28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện xong việc xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Trong đó, hạn ngạch vùng biển khơi là 31.297 giấy phép; 18.439 giấy phép vùng lộng và 34.929 giấy phép ven bờ. Bốn tỉnh chưa thực hiện xong việc xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy định gồm Quảng Bình, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh và Tiền Giang.

Giảm sản lượng đánh bắt, tăng sản lượng và chất lượng nuôi trồng để tăng giá thị thủy sản. Ảnh: VD.

Giảm sản lượng đánh bắt, tăng sản lượng và chất lượng nuôi trồng để tăng giá thị thủy sản. Ảnh: VD.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương cần quyết liệt khắc phục những tồn tại trên. Sản lượng khai thác cao chưa hẳn đã là điều đáng mừng bởi việc khai thác với sản lượng bao nhiêu cần căn cứ theo trữ lượng để đặt hạn mức khai thác nằm trong ngưỡng an toàn, tránh tình trạng tận diệt nguồn lợi thủy sản. Đây là điều mà nhiều địa phương hiện nay chưa quán triệt và thực hiện nghiêm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc khắc phục thẻ vàng EC.

Tăng giá trị thủy sản

Tại Hội nghị Giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2022 diễn ra ngày 22/3 tại Thanh Hóa, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, để khắc phục "thẻ vàng" của EC, Việt Nam phải hướng tới việc giảm sản lượng xuống dưới ngưỡng an toàn đồng thời đầu tư công nghệ khai thác, chế biến để tăng giá trị thủy sản khai thác được.

Muốn làm được điều đó, đội tàu khai thác của Việt Nam phải tăng số lượng khai thác viễn dương, giảm khai thác gần bờ. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho hay, trong nỗ lực cùng cả nước rút "thẻ vàng" của EC, địa phương này không chủ trương tăng sản lượng khai thác hàng năm.

"Vùng biển Bình Thuận có trữ lượng khai thác lớn nhưng từ nhiều năm nay, chúng tôi chủ trương chỉ duy trì sản lượng hàng năm 210 tấn, tránh tình trạng suy kiệt nguồn lợi, quan trọng nhất vẫn là chất lượng và giá trị thủy sản đánh bắt được. Bình Thuận đang tăng cường quản lý tàu cá theo hạn ngạch; đầu tư hậu cần cảng cá và thực hiện quy chế phối hợp với các địa phương để quản lý tàu cá hoạt động ngoại tỉnh”, ông Chiến cho hay.

Thực tế, mục tiêu khai thác được ngành thủy sản đặt ra trong năm 2022 là tăng trưởng âm về sản lượng khai thác nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng về giá trị sản phẩm. Vì vậy, việc hạ giá thành trong khai thác, nâng cao năng suất, chất lượng là yêu cầu cấp thiết cần giải quyết.

Từ bối cảnh thuận lợi, khó khăn đan xen, Bộ NN-PTNT đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản. Ngành thủy sản định hướng điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.

Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt khoảng 8,7 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 4,95 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,7 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn luật và các khuyến nghị của EC; điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác; quản lý tàu cá và hoạt động khai thác thủy sản trên biển và cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, địa phương không chủ trương tăng sản lượng khai thác để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: VD.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, địa phương không chủ trương tăng sản lượng khai thác để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: VD.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, 2 tháng đầu năm 2022 đã có những tín hiệu vui từ tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản. Theo đó, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 1,508 tỷ USD, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Để giải quyết vấn đề đặt ra về việc giảm sản lượng khai thác, tăng giá trị hải sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng cục Thủy sản phải tính lại cơ cấu nghề, nếu vẫn tiếp tục tăng đội tàu khai thác gần bờ và các loại hải sản nhỏ thì sẽ giảm nguồn lợi ven biển. Trong quản lý đội tàu khai thác phải xem việc cấp giấy khai thác là hết sức quan trọng và có chế tài đối với những tàu cá khai thác sai so với giấy phép khai thác. Khai thác thủy sản phải gắn chặt với truy xuất nguồn gốc, hàng tháng các tỉnh phải nắm được tình hình khai thác trên biển để có chỉ đạo cụ thể.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị: “Chúng ta phải có đề án chuyển đổi nghề cụ thể cho ngư dân, chuyển đổi nghề để giảm số lượng tàu và sản lượng khai thác. Đề án phải thể hiện được các chính sách hỗ trợ, trở thành bệ đỡ để ngư dân yên tâm chuyển đổi nghề nghiệp. Các tỉnh phải có trách nhiệm bố trí ngân sách cho việc chuyển đổi nghề của ngư dân”.

Hạ tầng cảng cá xuống cấp: Không ngồi chờ Trung ương

Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đề nghị Bộ NN-PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt 2 quy hoạch quan trọng của ngành thủy sản là: Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đề nghị Bộ NN-PTNT tham mưu và trình Chính phủ ban hành sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp gia tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản khai thác; khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư vào liên kết trong cung ứng khai thác gắn với chế biến và tiêu thụ thuỷ sản theo chuỗi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ trái sang) thăm các cảng cá tại Thanh Hóa. Ảnh: VD.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ trái sang) thăm các cảng cá tại Thanh Hóa. Ảnh: VD.

Triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch mới hiệu quả, nâng cao giá trị, thân thiện với môi trường, ứng dụng vào thực tiễn; ứng dụng và thông tin kịp thời dự báo ngư trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để ngư dân tiếp cận và khai thác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản trên biển hiệu quả.

Đại diện các tỉnh có biển cũng cho rằng thực trạng hạ tầng cảng cá xuống cấp hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của ngư dân, không đảm bảo các khuyến cáo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Vì vậy, các tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ, bố trí nguồn vốn để các địa phương nâng cấp, cải tạo hạ tầng cảng cá.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, trong khai thác, chế biến thủy sản, hạ tầng cảng cá là cốt lõi. Thứ trưởng đánh giá, hạ tầng các cảng cá của nước ta hiện đã xuống cấp, nhiều luồng lạch bị bồi lắng, nhiều cảng cá không đáp ứng quy định của Luật Thủy sản và chống khai thác bất hợp pháp. Tuy nhiên, các địa phương không thể ngồi chờ nguồn vốn từ Chính phủ, Bộ mà phải chủ động bố trí nguồn để sửa chữa, nâng cấp các cảng cá cấp 2, 3.

“Đối với cảng cá cấp 2,3, các địa phương phải bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, không thể chờ nguồn vốn từ Trung ương được. Tổng cục Thủy sản phải nghiên cứu về công tác bảo quản và phương tiện khai thác. Hiện nay, phương tiện bảo quản lạc hậu, không thể để ngư dân đi chuyến biển 2-3 tuần mà chất lượng hải sản lại giảm sút nghiêm trọng. Phải rà soát việc xây dựng các quy hoạch, rà soát lại năng lực hoạt động của các ban quản lý cảng cá hiện nay. Tất cả phải quyết liệt, tập trung rút thẻ vàng IUU", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước hiện có 350 cơ sở quy mô công nghiệp tham gia chế biến xuất khẩu hải sản với tổng công suất thiết kế gần 2 triệu tấn sản phẩm/năm (công suất thực tế trung bình chỉ đạt 40-50%). Chủ yếu là cơ sở chế biến đông lạnh và hàng khô, chiếm gần 90% tổng số cơ sở. Tuy nhiên, một số nhà máy chế biến bột cá sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường và chất lượng sản phẩm thấp. Đa số các nhà máy chế biến surimi từ cá biển chưa đầu tư nhiều dây chuyền công nghệ chế biến các sản phẩm mô phỏng (giả tôm, giả cua…) nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm surimi, chủ yếu chế biến surimi thô với sản lượng lớn.

Xem thêm
Đổi đời nhờ nuôi ba ba: [Bài 2] Thành triệu phú, tỷ phú

YÊN BÁI Hiện nay ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có gần 500 hộ nuôi ba ba, loài vật đặc sản này đã giúp cho nhiều nông dân đổi đời, trở thành những triệu phú, tỷ phú.

Lĩnh 9 tháng tù treo vì khai thác thủy sản bất hợp pháp

QUẢNG NINH Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng Nguyễn Văn Téc vẫn tiếp tục sử dụng kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản tại vùng lõi vịnh Hạ Long.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Chuyện ghi bên phá Tam Giang [Bài 3]: Những làng chài vắng bóng thanh niên

THỪA THIÊN - HUẾ Về những làng quê bên phá Tam Giang bây giờ, hầu như nhà nào cũng chỉ toàn người già, con trẻ. Hỏi mới biết rằng, thanh niên lớn lên đều tìm đường làm ăn xa.