Lâm tặc “thèm” rừng gỗ dổi
Vĩnh Thạnh là huyện miền núi nằm về phía Tây tỉnh Bình Định có diện tích đất lâm nghiệp hơn 57.802 ha, trong đó có hơn 45.454 ha rừng tự nhiên và hơn 5.378 ha rừng trồng.
Theo ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, trong hơn 45.454 ha rừng tự nhiên có đến 74km đường biên rừng giáp ranh với huyện Kbang (Gia Lai). Những diện tích rừng nằm trên địa phận huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) giáp ranh với Gia Lai là rừng giàu và trung bình, hiện còn rất nhiều cây dổi cổ thụ, đây là loại gỗ hiện có giá trị cao trên thị trường nên luôn nằm trong tầm ngắm của lâm tặc, nhất là những đối tượng ở huyện Kbang cư trú gần rừng giáp ranh với huyện Vĩnh Thạnh. “Nếu thời tiết nắng ráo, những đối tượng khai thác lâm sản trái phép có thể chạy xe máy đến tận rừng, với cưa máy, chỉ trong 1 đêm là lâm tặc có thể cưa hạ nhiều cây dổi cổ thụ”, ông Đặng Bá Quang cho hay.
Minh chứng là trong năm 2022, qua công tác kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng, ngành kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh đã phát hiện 54 vụ vi phạm lâm luật, giảm 11 vụ so với năm 2021; trong đó, có 12 vụ phá rừng trái pháp luật để làm nương rẫy, 6 vụ khai thác lâm sản trái phép và 36 vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Theo ông Quang, trong những chuyến tuần tra, truy quét bảo vệ rừng, nếu ngành chức năng phá hiện những đối tượng khai thác gỗ trái phép đang hoạt động là lập tức bị các đối tượng lâm tặc phản ứng rất hung hãn để tẩu tán tang vật và phương tiện khai thác rừng trái phép.
“Vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại khoảnh 14, tiểu khu 168 thuộc địa bàn xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) chỉ trong 1 đêm mà lâm tặc đã đốn hạ 3 cây dổi cổ thụ có khối lượng gỗ tròn là gần 16m3. Từ người vận chuyển lâm sản trái phép bị phát hiện, ngành chức năng đã điều tra trong vụ phá rừng này có đến 18 đối tượng tham gia, trong đó có đến 16 đối tượng là cư dân của huyện Kbang (Gia Lai). Ngày 21/3/2022 Hạt Kiểm lâm huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án, chuyển cơ quan Cảnh sát Điều tra huyện tiếp tục điều tra xử lý. Ngày 12/4/2023 tới đây Tòa án Nhân dân huyện Vĩnh Thạnh sẽ xét xử 18 đối tượng trong vụ khai thác lâm sản trái phép nói trên”, ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, cho biết.
Kiểm lâm không dám họp sợ bỏ trống địa bàn
Để bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn, đến nay, huyện Vĩnh Thạnh đã thành lập đến 32 trạm, chốt bảo vệ rừng tại các vùng rừng xung yếu nhiều nguy cơ bị lâm tặc xâm hại. Trong đó, có 3 trạm bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh; 19 trạm, chốt của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh và 10 trạm, chốt của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn.
Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) và huyện Kbang (Gia Lai) còn ký kết Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và đảm bảo an ninh trật tự vùng rừng giáp ranh, đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp tuần tra, truy quét bảo vệ rừng. Công tác phối hợp được thực hiện chặt chẽ nên cho hiệu quả cao, những vụ vi phạm lâm luật tại vùng rừng giáp ranh giảm xuống so với những năm trước đây.
Ngoài ra, Vĩnh Thạnh xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm trong bảo vệ rừng, nên huyện này chỉ đạo Hạt Kiểm lâm và các ngành phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện cùng các thành viên, chính quyền các địa phương và chủ rừng tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với nội dung cải tiến, hình thức phù hợp để người dân dễ thấu đáo.
Theo ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, mỗi chốt bảo vệ rừng ở Vĩnh Thạnh được bố trí 2 người của đơn vị chủ rừng; 1 người trong nhóm hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Riêng lực lượng kiểm lâm huyện do nhân lực mỏng, hiện chỉ có 26 người, trong đó có 8 lao động hợp đồng nên chỉ có thể bố trí tại những chốt bảo vệ rừng đóng dọc tuyến giáp ranh với huyện Kbang 4 cán bộ kiểm lâm địa bàn. 4 kiểm lâm địa bàn này thay phiên nhau trực tại những điểm nóng.
“Những trạm, chốt bảo vệ rừng đã phát huy hiệu quả, tình hình lấn chiếm đất rừng mở rộng diện tích nương rẫy và khai thác lâm sản trái phép được kiểm soát tốt. Nhiều vụ vi phạm được phát hiện, ngăn chặn kịp thời”, ông Quang chia sẻ.
“Công tác phối hợp chặt chẽ giữa ngành kiểm lâm với quân đội, công an đã mang lại hiệu quả rất cao. Sự có mặt lực lượng quân đội, công an trong những chuyến tuần tra, truy quét bảo vệ rừng, nếu gặp lâm tặc đang hoạt động lực lượng chức năng cũng đỡ bị lâm tặc manh động. Hiện nay đang mùa khô, giao thông thuận tiện nên lâm tặc luôn rình rập vào rừng khai thác gỗ dổi. Do đó, ngành kiểm lâm Vĩnh Thạnh không dám tổ chức họp, cuộc họp nào quan trọng phải điều động địa bàn về họp 1 ngày trước khi đi phải bàn giao cho chủ rừng, chính quyền địa phương để tăng cường lực lượng tại các chốt, trạm bảo vệ rừng”, ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh cho biết.