| Hotline: 0983.970.780

'Gieo chữ' ở vùng biên [Bài 1]: Gia đình ba thế hệ 'gõ đầu trẻ'

Thứ Hai 20/11/2023 , 06:18 (GMT+7)

Cả đời gắn bó với nghề giáo, đến nay ông bà Thởi còn có 2 người con, 5 người cháu đã và đang tiếp bước cha mẹ, ông bà nối nghiệp nghề cao quý.

Cho dù là lớp học “chính quy” hay chỉ là lớp học tình thương, dạy miễn phí, không lương, những lớp học xoá mù ban đêm cho người nghèo, thì gia đình nhà giáo này vẫn tận tâm, hết lòng. Đó là gia đình thầy giáo Hoàng Kim Thởi ở phường Long Phước, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Trong đó, ông Thởi có 17 năm đứng lớp, 11 năm làm công tác tổ chức trong ngành giáo dục, 13 năm làm hiệu trưởng. Còn vợ ông, bà Lê Thị Diệu, cũng có hơn 35 năm là đồng nghiệp của chồng, cho đến khi nghỉ hưu.

Trở thành thầy giáo nhờ “thần tượng” thầy dạy toán

Trong cái nắng gay gắt buổi trưa cuối năm ở vùng đất Phước Long, chúng tôi cùng thở phào khoan khoái khi bước vào căn nhà nhỏ của gia đình ông Thởi, nằm trong con ngõ yên tĩnh giữa khu đô thị trẻ Phước Long sầm uất. Căn nhà nhỏ yên tĩnh được chăm chút kỹ, ngoài sân có khá nhiều chậu hoa các loại đang khoe sắc.

 

Ông Hoàng Kim Thởi. Ảnh: Phúc Lập.

Năm nay đã 78 tuổi, nhưng ông Thởi còn rất khoẻ mạnh, nước da hồng hào, ánh mắt nhanh nhẹn. Ông Thởi ra tận cổng đón khách bằng nụ cười đôn hậu rồi bảo: “Tôi cũng như hàng vạn người làm công tác giảng dạy của đất nước, có gì đặc biệt đâu mà lên báo”.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, ngay từ lúc học cấp 2, ông Thởi đã ước mơ trở thành thầy giáo. Bởi vì, ông “thần tượng” thầy giáo dạy môn toán.  “Người thầy này làm gì cũng giỏi, đứng lớp dạy học trò giỏi, làm chủ nhiệm lớp giỏi rồi làm công tác quản lý giáo dục cũng giỏi. Tôi thần tượng thầy và quyết tâm theo đuổi nghề giáo”, ông Thởi tâm sự.

Nhờ chăm chỉ học hành, sau khi học xong cấp 3, ông Thởi được địa phương cử ra Hà Nội học sư phạm. Năm 1965, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Thởi học xong và trở về quê hương chính thức đứng trên bục giảng như ước mơ.

DSC05.248

Vợ chồng nhà giáo về hưu Hoàng Kim Thởi – Lê Thị Diệu và con gái, cô giáo Hoàng Thị Tuyết. Ảnh: Phúc Lập.

Nghe chúng tôi hỏi về những năm tháng dạy học, ông Thởi chợt ngừng tay rót nước. Một đoạn ký ức ùa về, ông trầm ngâm: “Thời đó đi dạy học vất vả lắm. Cái xe đạp cũng là hàng xa xỉ, không mấy ai có. Mỗi ngày tôi đi bộ cả chục cây số, đội nắng đội mưa, đường sá lầy lội chứ không phải đường nhựa đâu. Giáo viên cũng thiếu, một mình đi dạy nhiều chỗ chứ không phải một điểm cố định. Lúc đó chiến tranh còn khốc liệt, Quảng Bình là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực miền Trung”.

Ngưng giây lát, nét mặt ông Thởi chợt tươi lên, ánh mắt như có nụ cười: “Đổi lại, cái nghề giáo mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc. Nhiều thế hệ học sinh đi qua, rất nhiều em đã trưởng thành và trở thành những cán bộ cốt cán của đất nước. Bây giờ, nhiều em cũng đã nghỉ hưu, ở Quảng Bình thì nhiều, ở đây (Phước Long - PV) cũng có. Ngày xưa, nghề giáo không chỉ vất vả như tôi vừa nói, mà còn rất nghèo. Có những năm tháng rất khó khăn, tiền một tiết dạy có khi không đủ mua ly đá chanh, ăn cơm độn khoai lang, sắn, bo bo hàng ngày. Lương chậm thường xuyên, có khi 3 tháng mới được nhận, nhận xong trả nợ gần hết, vì đã ứng trước rồi. Nhưng khó khăn chung chứ không chỉ riêng nghề giáo nên mình thấy bình thường".

DSC05.272

Vợ chồng thầy Hoàng Kim Thởi tuổi xế chiều cùng vui thú điền viên trong ngôi nhà nhỏ. Ảnh: Phúc Lập.

Khó khăn nhất là những năm thập niên 80. Giai đoạn này nhiều người bỏ nghề ra ngoài làm vì lương nhà giáo không đủ sống. Tôi chứng kiến nhiều đồng nghiệp chuyên môn rất giỏi, được học trò, phụ huynh rất kính trọng, quý mến nhưng đành bỏ nghề vì cuộc sống khó khăn. Đến khi đời sống giáo viên cải thiện dần, nhiều người xin đi dạy trở lại và gắn bó đến tuổi hưu. Gần cả cuộc đời gắn bó với nghề, tôi nhận ra rằng, để theo nghề, ngoài chuyên môn, kỹ năng tốt thì phải có lòng đam mê, nhiệt huyết, phải luôn thương yêu học trò, đặc biệt phải có lập trường và kiên định với lý tưởng đã chọn. Tôi nghĩ, người thầy không chỉ đóng vai trò người truyền lửa, mà quan trọng là phải gieo được vào tâm hồn học trò niềm say mê, tự giác trong học tập, khát vọng vươn lên”, ông Thởi tâm sự.

Con cháu tiếp bước

Năm 1980, vợ chồng ông Thởi vào vùng đất Phước Long lập nghiệp và tiếp tục gắn bó với nghề giáo. Vợ ông Thởi, bà Lê Thị Diệu, 75 tuổi, có 15 năm “gõ đầu trẻ”, sau đó làm công tác văn phòng. “Chúng tôi học cùng nhau ở quê, quen nhau từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, ra trường cùng chọn theo nghề giáo rồi nên duyên vợ chồng. Tôi vào nghề năm 23 tuổi, mặc dù có những năm tháng rất khó khăn nhưng chúng tôi luôn bên nhau, cùng nhau vượt qua nhiều thử thách. Đến khi về hưu, tôi thấy nghề giáo đã cho tôi tất cả: niềm vui, nỗi buồn, sự sung sướng và vinh quang. Tôi vẫn xem nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề. Nếu cho tôi được chọn lại nghề, tôi vẫn cứ chọn nghề giáo”, bà Diệu tự hào về những năm tháng gắn bó với ngành giáo dục.

DSC05.291

Cô Hoàng Thị Tuyết, con gái ông Thởi, đang đứng lớp. Ảnh: Phúc Lập.

Tiếp nối truyền thống, hai người con gái của vợ chồng thầy Thởi cũng chọn nghề giáo theo cha mẹ. Cô Hoàng Thị Thanh, 44 tuổi, hiện là Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Long Phú, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng và cô Hoàng Thị Tuyết, 41 tuổi, hiện là Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Trương Vĩnh Ký, phường Long Phước, thị xã Phước Long. Cả hai cùng đã có hơn 20 năm theo ngành giáo dục.

“Hồi nhỏ chị em tôi đi học là được cha mẹ chở đến trường luôn. Ở nhà hai người là cha mẹ nhưng đến lớp ông bà lại là thầy cô. Suốt những năm tháng ấy không chỉ gieo vào lòng chúng tôi niềm đam mê của nghề giáo mà còn tự hào về cha mẹ mình. Chúng tôi tự nhiên yêu nghề giáo từ khi nào không biết và rồi khi học xong trung học, chúng tôi tiếp bước cha mẹ theo nghề giáo. Hiện nay, 2 chị em tôi có 5 con, đều theo nghề của ông bà, là giáo viên đang dạy học tại các trường ở thị xã Phước Long và huyện Phú Riềng", cô giáo Tuyết cho hay.

Dù đã về hưu từ lâu, nhưng ông bà Thởi vẫn thường “họp chuyên môn” với con cháu để lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ và góp ý về nghề. Không chỉ thế, ông còn thường xuyên theo dõi các vấn đề xã hội về ngành giáo dục. Cũng vì vây, ông có không ít những trăn trở. “Ngày xưa, học trò gặp thầy cô, từ xa là đã khoanh tay cúi đầu chào lễ phép, còn bây giờ cử chỉ này ngày càng ít đi, chưa kể là đủ thứ chuyện đau lòng khác xảy ra trong lớp học, ngoài cổng trường”, ông Thởi nói.

DSC05.308

Nhờ học hỏi nhiều kỹ năng từ cha mẹ, cô Tuyết là một trong những giáo viên có chuyên môn giỏi của trường Tiểu học Trương Vĩnh Ký, thị xã Phước Long. Ảnh: Phúc Lập.

“Ngoài đời người ta vẫn hay nói 'chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm'. Thật ra không phải lúc nào câu này cũng đúng. Từ những năm 1990, chất lượng tuyển sinh ngành sư phạm tương đối khá. Thời kỳ hoàng kim trong tuyển ngành sư phạm là giai đoạn 1997-2003, hồi ấy thí sinh phải đạt trung bình 3 môn thi trên 24 điểm mới có thể đậu vào các trường sư phạm uy tín, tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng, 7-8 em chọi 1, thậm chí trên mười em chọi 1. Sau năm 2003, chất lượng đầu vào các trường sư phạm 'đuối' dần nhưng vẫn còn học sinh giỏi để tuyển, chỉ có điều những em xuất sắc thì không vào sư phạm. Nhưng vài ba năm nay thì tuyển sinh vào ngành sư phạm, nhất là cao đẳng, còn nặng nề hơn cả câu 'chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm'. Nghĩa là đã phải tuyển nhóm 'cùng sào' rồi mà vẫn không đủ. Nếu cứ tiếp tục thế này sẽ là một vấn đề báo động cho chất lượng giáo dục bậc phổ thông", ông Thởi chia sẻ.    

Năm 1996, ông Hoàng Kim Thởi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục. Ngoài ra, ông còn được các cấp, các ngành trung ương và địa phương tặng nhiều danh hiệu cao quý khác. Ảnh: Phúc Lập.

Năm 1996, ông Hoàng Kim Thởi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục. Ngoài ra, ông còn được các cấp, các ngành trung ương và địa phương tặng nhiều danh hiệu cao quý khác. Ảnh: Phúc Lập.

Nhà giáo già tâm tư: “Mọi lúc, mọi thời, tôi nghĩ không quốc gia, dân tộc nào là không chăm lo cho giáo dục. Những năm sau chiến tranh, đất nước rất khó khăn, nhiệm vụ quan trọng lúc đó là tập trung đẩy mạnh phát triển giáo dục. Ngay từ lúc vào nghề tôi luôn nghĩ lớp trẻ là tương lai của đất nước, vì vậy tôi không chỉ truyền tải kiến thức cho các em, mà còn uốn nắn từng hành vi, cử chỉ, lời nói cho các em mỗi khi thấy cần. Vì những hành vi, cử chỉ, lời nói đó chính là biểu hiện tư chất, đạo đức của các em”.

“Tôi luôn ghi nhớ câu nói của Bác Hồ: “Nhiệm vụ thầy cô giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy cô giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”; “… những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Và câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”, ông Hoàng Kim Thởi chia sẻ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.