Tham quan mô hình ứng dụng máy gieo hạt trong sản xuất rau theo quy trình VietGAP tại hộ anh Trần Văn Khẩn. |
Đây là thiết bị do nhà sáng chế nông nghiệp Phạm Văn Hát ở Hải Dương chế tạo với ưu điểm gieo các loạt hạt rau trên nhiều địa hình và có thể điều chỉnh đặt hạt chính xác theo cự ly định sẵn.
Mỗi lần máy gieo 40 hạt/luống, khoảng cách 3 - 4 cm và chỉ vài phút là xong, tiết kiệm được nhiều nhân lực, chủ động thời gian và tăng hiệu quả trong sản xuất.
Ghi nhận những ưu, khuyết điểm của máy sau thời gian vận hành, cả 2 hộ nhận máy đều cho biết: Sử dụng máy giúp tiết kiệm thời gian gieo hạt, tiết kiệm hạt giống, giảm chi phí thuê nhân công lao động. Cụ thể, thời gian gieo bằng tay trên 1 ha là 555 giờ, tương đương 69 công lao động. Thời gian gieo bằng máy là 111 giờ, tương đương 14 công lao động. Vậy gieo máy tiết kiệm được 55 công lao động/ha. Gieo bằng máy tiết kiệm được từ 0,1 - 0,2 kg hạt giống/ha.
Do gieo bằng máy nên khoảng cách hạt đều hơn gieo tay, giúp cây rau sinh trưởng phát triển đều, nhanh, đặc biệt là với "rau baby". Chất lượng rau tốt, người nông dân chủ động sản phẩm để đáp ứng tốt cho nhu cầu thị trường.
Gieo hạt bằng máy cho lợi nhuận cao hơn 7,5 triệu đồng/ha/vụ so với gieo bằng tay. Như vậy, mỗi năm trồng 12 vụ rau ăn lá, lợi nhuận tăng hơn 90 triệu đồng. Ngoài ra, người nông dân không phải tốn công nhổ cấy.
Tuy nhiên theo ý kiến của các hộ có kinh nghiệm trồng rau ăn lá như anh Hoàng Thanh Hải, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Hải Nông (Củ Chi) thì: “Máy phù hợp với những hộ sản xuất rau non, ngắn ngày hay rau baby… Còn với những loại rau lớn hơn rau baby, rau đúng ngày, muốn sử dụng nên điều chỉnh máy về khoảng cách gieo hạt rộng hơn, phù hợp với từng loại rau và đặc biệt phải ủ đất, sạ đất kỹ trước khi gieo hạt. Tôi sẽ đăng ký 2 máy cho HTX, giúp hội viên HTX có điều kiện sử dụng”.
Anh Trần Văn Thơm, Phó Giám đốc HTX Mai Hoa (Hóc Môn) và anh Lê Minh Quẩn, chủ hộ trồng rau ở xã Tân An Hội (Củ Chi) cho biết máy phù hợp với những hộ sản xuất có diện tích lớn, giúp tiết kiệm được nhân công lao động nên các anh sẽ đăng ký với Trung tâm Khuyến nông để nhận máy.
Ông Võ Ngọc Đẹp, PGĐ Trung tâm Khuyến nông TPHCM đánh giá, việc hỗ trợ nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất là hướng đi tất yếu, giải quyết được tình trạng thiếu lao động nông nghiệp trong giai đoạn đô thị hóa. Các hộ cá nhân và tổ chức sản xuất có nhu cầu, nhanh chóng đăng ký, trung tâm sẽ hỗ trợ...