| Hotline: 0983.970.780

Giống bưởi vỏ đỏ như son, Tết bán đắt hơn tôm tươi

Thứ Năm 14/12/2023 , 10:22 (GMT+7)

Khi chúng tôi tổ chức trưng bày loại bưởi đỏ bánh men này, nhiều người còn tưởng chúng được quét sơn hay bôi son vào chứ không biết đó là màu tự nhiên.

Những biệt thự giữa các vườn bưởi

Khi sử dụng túi bao quả, màu của loại bưởi này rất đỏ và đẹp nhưng nếu không bao quả, thì màu nhờ nhờ, dù cùng trên một cành, một cây. Anh Trần Văn Nam - Trưởng phòng Trồng trọt (Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội) nói với tôi như thế. Anh cũng thông tin rằng ngày 10/10 vừa qua, Cục Trồng trọt đã quyết định công nhận đặc cách 4 giống bưởi đặc sản của Hà Nội trong đó có bưởi đỏ bánh men, tức bưởi đỏ Đông Cao của xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP Hà Nội.

Còn GS.TS Vũ Mạnh Hải- chuyên gia về cây ăn quả, giám khảo hội thi bưởi lần thứ hai của TP Hà Nội thì ấn tượng về quả bưởi đỏ bánh men ngoài vỏ bóng, màu đẹp, còn thơm ngát. Ít loại bưởi đỏ nào trên toàn cõi Việt Nam có thể sánh được với nó cả về hình dáng, màu sắc và mùi hương: “Cứ Tết đến tôi lại có thói quen bày bưởi đỏ bánh men lên bàn thờ, rất đẹp. Tối mà đóng cửa lại, sáng hôm sau ngủ dậy sẽ cảm nhận được mùi thơm rất đặc trưng của nó”.

Cây bưởi đỏ tổ của nhà ông Phương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cây bưởi đỏ tổ của nhà ông Phương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Điều bất ngờ khi chúng tôi đến thôn Đông Cao là có rất nhiều biệt thự nằm giữa những vườn bưởi rộng bao quanh. Một cảnh nông thôn đáng ước mơ của không chỉ với người ở quê mà còn nhiều người thành thị cũng không có được. Dưới tiết trời đông, lá bưởi xanh ngằn ngặt càng tôn thêm sắc bưởi đỏ như son của một thứ quả độc đáo có một không hai ở đất Hà thành. Hiện ở Đông Cao đang có khoảng vài ha bưởi đỏ bánh men nằm rải rác trong các nhà vườn.

Ông Lương Văn Phương- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX bưởi đỏ thôn Đông Cao vồn vã, tay bắt, mặt mừng khi được gặp lại những người quen xa cách lâu ngày là các nhà khoa học và các cán bộ của Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội. Dẫn chúng tôi qua khoảng sân rộng để vào khu vườn bao quanh nhà, ông trân trọng chỉ vào một gốc bưởi đang đeo những quả đỏ thắm như những chiếc lồng đèn và giải thích:

Đây là cây bưởi tổ của gia đình, do chính tay bố tôi là ông Lương Văn Vi trồng năm 1967, hơn tôi 2 tuổi và giờ là cây bưởi bánh men cao tuổi nhất làng. Các cụ kể lại rằng bưởi đỏ bánh men nguồn gốc có từ xưa ở trong làng. Năm 1974 gia đình tôi bán nhưng để sót lại vài quả, đến tháng 10 âm trở đi nó từ màu vàng cứ đỏ dần, chính từ đó mà dân Đông Cao mới biết là bưởi có màu đỏ chứ trước đó chỉ bán tháng 8 âm là hết bởi đây là giống bưởi chín sớm, ăn có vị chua rôn rốt, tương tự như bưởi da xanh. Từ đó dân làng ngoài bứt ăn tươi vào tháng 8 âm còn để lại một phần phục vụ bán Tết, cho nhu cầu bưởi tâm linh bày lên bàn thờ.

Nếu bao quả thì màu đỏ của bưởi sẽ đậm hơn hẳn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nếu bao quả thì màu đỏ của bưởi sẽ đậm hơn hẳn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cùng vào HTX để bảo tồn, phát triển bưởi đỏ

HTX bưởi đỏ thôn Đông Cao được thành lập cuối năm 2018 với nhiệm vụ bảo tồn, phát triển bưởi đỏ Đông Cao cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Tài nguyên Thực vật và Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội. Đơn vị hiện có 20 thành viên, mỗi năm kết nạp thêm 2-3 thành viên nữa để cùng sản xuất theo một quy trình chuẩn, cùng tạo dựng thương hiệu cho nhiều người tiêu dùng biết đến giống đặc sản quý hiếm này. Chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ Tráng Việt - huyện Mê Linh cũng từ đó mà thành hình.

Hiện trong vườn của ông Phương có gần 30 gốc bưởi đỏ bánh men có tuổi đời cỡ 40 năm, còn các gốc nhỏ ở ngoài trang trại có tổng diện tích 3 ha, trong đó 1 ha vài năm tuổi đã cho thu hoạch vụ đầu. Dịp Tết giá bán tại chỗ đã 75-80.000đ/quả nên khu vườn quanh nhà rộng hơn 1.000m2 chỉ có ít gốc bưởi đỏ của ông đã thu được trên 100 triệu, còn diện tích 1 ha ngoài trang trại, sau khi đi vào ổn định, năm thứ 6, 7 dự kiến sẽ thu được từ 1,3-1,5 tỉ đồng.

Những quả bưởi đỏ như gấc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những quả bưởi đỏ như gấc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo ông Phương để giữ được màu sắc, hình dáng đẹp của quả bưởi đặc sản, phải rất cầu kỳ trong chăm sóc. Sau khi thu hoạch quả, cần vệ sinh cành lá, cuốc khơi gốc theo vành tán sau đó dùng phân hữu cơ bón. Sau khi cây đã hình thành quả, hết hiện tượng rụng trái sinh lý thì bón phân đợt hai. Nếu phát hiện ra bệnh thì xử lý bằng thuốc BVTV sinh học để vừa an toàn cho sức khỏe con người vừa bảo vệ môi trường.

Cuối tháng 4, đầu tháng 5 dương lịch chủ vườn sẽ tiến hành bao trái, hàng tháng đều phải mở ra, kiểm tra, nếu có hiện tượng bệnh thì xử lý ngay để giữ mẫu mã sao cho thật bắt mắt. Nếu chăm sóc bưởi đỏ dành cho mục đích ăn vào tháng 8 âm thì chủ vườn bón nhiều kali để tăng độ ngọt. Nếu chăm sóc bưởi đỏ dành cho mục đích tâm linh bán vào dịp Tết thì chủ vườn tăng cường bón phân hữu cơ và bổ sung các chất giữ cuống quả.

Rời vườn nhà ông Phương, chúng tôi đến vườn nhà ông Nguyễn Văn Thú cũng đẹp và thuyết phục không kém. Trên tổng diện tích 1.500m2 ông trồng 45 gốc bưởi đỏ bánh men và 60 gốc bưởi Diễn, gốc già đã 40 năm, gốc trung bình đã 25 năm nên chất lượng quả của chúng rất tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tháng 8 âm ông bán bưởi đỏ ăn với giá 20.000đ/quả, dịp Tết ông bán bưởi đỏ thờ với giá 60-70.000đ/quả. Năm nào giá bưởi đắt ông thu được trên 200 triệu, năm nào giá bưởi rẻ ông thu được hơn 100 triệu, trong đó khoảng 2/3 là lãi.

Ông Thú bên gốc bưởi đỏ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Thú bên gốc bưởi đỏ. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Bưởi đỏ nếu để đến Tết chỉ khoảng 50% quả còn treo trên cây nhưng nếu cuống dính vào quả thì 100.000đ/quả mà khách còn tranh nhau mua. Trước chúng tôi phải mang xuống chợ Bắc Qua dưới nội thành Hà Nội để bán nhưng giờ người ta tìm đến tận vườn, bao nhiêu lấy hết bấy nhiêu bởi chỉ có làng Đông Cao, xã Tráng Việt chúng tôi mới có loại bưởi này mà thôi”. Ông Thú tự hào giới thiệu.

Còn bà Hoàng Thị Hòa- Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội thì cho biết thành phố đang khuyến cáo, nhân rộng giống bưởi đỏ bánh men ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt. Dù chủ yếu nó chỉ để phục vụ cho tâm linh, thắp hương vào dịp Tết nhưng nhờ có màu sắc đẹp, độc đáo, mùi hương thơm  nên giá bán trung bình 70-100.000đ/quả, tạo ra giá trị kinh tế rất cao.

Hiện nay, cả xã Tráng Việt có 40 hộ trồng bưởi đỏ với khoảng 1.800 cây, tập trung chủ yếu ở thôn Đông Cao. Lúc còn non quả bưởi có màu xanh, khi về già chuyển dần sang màu vàng, để thật chín thì chuyển sang màu đỏ như gấc. Theo kinh nghiệm của các chủ vườn, năm nào thời tiết ấm bưởi chín sớm hơn, số quả thu hoạch dịp Tết Nguyên đán thấp hơn so với các năm trước.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm