| Hotline: 0983.970.780

Giữ mãi hồn tre

Thứ Năm 25/02/2021 , 06:11 (GMT+7)

Giữ nghề truyền thống trong gần nửa thế kỷ, cố gắng hết sức nhưng ông Hai Hiến buộc phải từ chối nhiều mối đặt hàng số nhiều vì tự biết lượng sức mình.

Ông Hai Hiển đan thúng, nia ở xóm thúng Yên Hạ. Ảnh: HĐ.

Ông Hai Hiển đan thúng, nia ở xóm thúng Yên Hạ. Ảnh: HĐ.

Nghề muôn năm cũ

Ông Hai Hiến (Tô Hiến) tuổi đã ngoài 70. Các con ông đều thành thạo nghề đan thúng, xề, mẹt…nhưng chỉ có cô Út Ngôn, đi làm về, lo cơm nước cho con cái xong thì ngồi xuống đan tiếp phụ cha.

Năm nào, cận Tết, ban tổ chức điểm hội tụ “ Sắc xuân miệt vườn” cũng mời ông biểu diễn nghề truyền thống. Xong rồi thì về nhà với xóm thúng hiu quạnh vì chẳng còn ai muốn nuôi dưỡng nghề này.

Ngày xưa, những đồng hương từ thôn Thủy Triều, xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, vào châu thổ sông Cửu Long làm nghề và mua bán hàng đan đác. Dần dà tụ hội lại xóm thúng ở Yên Hạ, quận Cái Răng, vậy mà cả xóm nhộn nhịp, ăn nên làm ra.

Chung quanh là những chành gạo, xóm thúng cung đủ hàng cho chành, bán lan sang tỉnh khác nhờ hàng tốt, chuẩn mực nên thúng, táo trở thành dụng cụ đo lường thông dụng từ ngoài chợ vô trong quê. Ông Hai Hiến thuộc thế hệ thứ ba theo đuổi nghề này. Cũng thăng trầm, bon chen, chật vật, bộn bề. Tới khi hàng nhựa tràn ngập, giá rẻ rề.

Lời tự sự nặng lòng trắc ẩn mỗi khi ai đó hỏi han ông Hai Hiến chuyện nghề trong thời buổi làm hàng ra chợ bon chen.

Dẫu cách chợ Cái Răng không bao xa, đi tìm dấu xưa xóm thúng mấy chục năm về trước hỏi nhà ông Hai Hiến, phải qua mấy lượt rẽ vào con hẻm nhỏ thật không dễ chút nào. Trông ông  gầy gò, đầu bạc trắng nhưng gân cốt còn dẻo dai. Bàn tay thô ráp, chai sần vì cầm mác vót tre làm vành, lận thúng mỗi ngày.

Giờ trong xóm chỉ còn ông Hai Hiến gắng sức giữ nghề đan mây tre. Cái nghề mà tụi nhỏ ngán ngại vì đau rát tay chân, ít khi để mắt tới, thà ra chợ mua bán, làm công ăn lương khá hơn nhiều.

Mấy năm nay, mỗi khi lễ hội du lịch chợ nổi, ngày hội làng nghề đón Xuân… lại thấy ông mang hàng mây tre treo bẹo, bày diễn lại cách làm bên phố chợ cho người xem. Chẳng còn mấy ai giữ nghề cũ nên hàng thúng, rổ bằng tre ông làm không cần mang ra chợ vẫn bán chạy như thường.

Mỗi độ gió bấc se lạnh nhè nhẹ về ngoài sông, mặc dù không chạy theo mùa tết nhưng khách tới đặt hàng làm không kịp. Mấy món chính như thúng giê, thúng giạ, rổ, xề, nia, giỏ xách đựng quà…hàng “handmade” 100% bằng mây, tre nay bỗng chốc trở lại thịnh thời.

Hàng tre làng xưa từ quê ra phố nhưng thời nay biết cách tự làm mới, đi vào khách sạn, nhà hàng sang trọng. Hàng nội thất bày trí có khi chỉ vài ba vật phẩm tối giản với toàn tre đan khéo léo. Tuy đơn sơ, bình dị một đôi quang gánh, chiếc nom, cái lờ, cái giỏ rộng cá… cũng gợi nhớ ký ức xa xăm về miền quê xưa, sao mà lung linh, chất chứa nỗi niềm.

Một thời hưng thịnh

Ai xa xứ mà không nhớ về quê xưa, có người mộng ước mang được hồn quê ra phố mà vẫn thương nhớ khôn nguôi hình ảnh bụi tre khóm trúc xanh xanh dưới nắng vàng…

Trăm năm trước dân Nam kỳ khai điền khẩn ruộng, lập ấp, đi tới nơi nào thấy tre như thấy làng. Đời tre như gắn liền với đời sống người nông dân cần mẫn “một nắng hai sương”. Thời trước, vào những năm vựa lúa miền Tây bừng dậy, lúa gạo dư thừa, xuất cảng cũng là lúc làng nghề đan đác hưng thịnh chưa từng có.

Dọc theo các bến mễ cốc, chành vựa liên hoàn với dãy nhà máy xay xát lúa gạo từ Mỹ Tho (Tiền Giang), Sa Đéc (Đồng Tháp) đến chợ lúa gạo Cái Răng, Cần Thơ… Ghe chài, ghe tam bản lớn nhỏ đậu nối đuôi giăng giăng hai bên bờ sông. Nhờ làm hàng tre đan thúng, sọt, xề, nia theo mùa lúa mà xóm thúng Yên Hạ bên bờ sông Cái Răng Bé tụ hội sáu bảy chục hộ làm ăn nhộn nhịp, an bình.

Nghề ăn vào tiềm thức, ông Hai Hiến không thể nào quên: Hồi đó lúa gạo đo lường theo lít, táo, giạ. Một táo là 20 lít, cái giạ to hơn gấp đôi khoảng 40 lít, tương đương khoảng 20 - 22kg lúa bây giờ… Nhà nông, dân hàng xáo, giới chành vựa, nhà máy xay xát phơi phóng, gom hốt lúa gạo bất kể mưa, nắng. Hàng đan bằng tre vô cùng tiện lợi, nhà nào cũng cần xài.

Cho tới những năm đầu sau hòa bình làng nghề Yên Hạ vẫn ăn nên làm ra. Các hộ làm nghề cùng vào ngồi chung hợp tác xã, được địa phương trợ vốn làm theo đơn đặt hàng. Thúng lớn nhỏ, ki xúc lúa… bán không kịp. Rồi có mấy năm xăng dầu khan hiếm, mỗi mặt hàng gàu sòng tre tát nước, mỗi ngày xóm thúng bán ra tiệm ngoài chợ 700 - 800 cái cũng hết sạch.

Thế nhưng đến khi dịch rầy nâu bùng phát gây hại, thất mùa, sản lượng lúa trong vùng sụt giảm khiến nhiều nhà máy xay xát thiếu hụt nguyên liệu, đóng cửa. Xóm thúng cũng suy vi, tan dần.

Khắp làng quê Việt tre trúc bạt ngàn, từ ngàn xưa cây tre dẫn truyền câu chuyện cổ tích thần kỳ. Tre xếp vào loại cây lâm sản ngoài gỗ có có giá trị thương mại nhất với diện tích xấp xỉ 1,5 triệu ha, đứng thứ 4 thế giới về diện tích tre với trữ lượng khoảng 4,5 tỷ cây. Theo nghiên cứu đến năm 2005 ở nước ta có hơn 190 loại của 26 chi tre trúc.

Kỳ vọng truyền nhân

Nguồn nguyên liệu có dồi dào gần như vô tận nhưng làng nghề vẫn lâm cảnh tự thân, loay hoay, cầm cự “tiến thoái lưỡng nan”.

Đi qua xóm thúng không bao xa, vào sâu trong ngọn con sông Cái Răng Bé, ở khu vực Thạnh Huề, quận Cái Răng còn có bà Hai Hiệp (Lê Thị Hiệp) đan giỏ lùng.

Bà Hai Hiệp truyền nghề cho cô Út Truyền nối nghiệp đan giỏ lùng. Ảnh: HĐ

Bà Hai Hiệp truyền nghề cho cô Út Truyền nối nghiệp đan giỏ lùng. Ảnh:

Hơn mươi năm trước, trong xóm có gần 10 nhà đan giỏ nhưng mấy năm rồi rơi rụng chỉ còn nhà bà Hai, nay đã 89 tuổi và truyền nhân là cô gái Út Tuyền (Trần Thị Tuyền) trụ lại giữ nghề. Bà Hai biết đan giỏ từ năm 10 tuổi, đến nay mắt không còn tinh mà vẫn đan thoăn thoắt không cần nhìn nhẩm tính từng nan, đếm lỗ, gầy mê để tạo vóc một chiếc giỏ hay đĩa lùng trưng trái cây đúng như ý khách đặt hàng.

Cô Tuyền học nghề mẹ từ thời con gái nay đã hơn 40 tuổi, nói: Cây lùng dẽo dai, tươi xanh nhưng lạ là phơi nắng rồi chẻ nan màu sắc vàng óng, bóng bẩy đan giỏ rất đẹp, xài bền hơn giỏ xách nhựa nhiều. Tết rồi các công ty, trường học, tiệm quán bán hàng lưu niệm đặt giỏ đựng quà, nhiều gấp 3 lần ngày thường. Mấy ngàn chiếc giỏ lùng, cả nhà mấy mẹ con làm từ mờ sáng đến tối mịt mới kịp ngày giao hàng.

“Mỗi cái giỏ lùng 30 - 40 ngàn đồng, giá bán tính theo kiểu lấy công làm lời chừng 200 ngàn cho một ngày làm. Nghề tuy không giàu nhưng được cái là có việc quanh năm. Ngặt là thời nay không ai chịu học nghề”, cô Tuyền băn khoăn.  

Bất chợt nhớ hồi chiều ông Hai Hiến, giọng thở dài y chang: Nghề không phụ người với những ai ẩn nhẫn giữ nghề. Vợ chồng tôi tin rằng đến một lúc nào đó lớp con cháu sẽ nhận ra giá trị tinh hoa của nghề để có đủ đam mê nối nghiệp cha truyền không mai một.

Thúng Yên Hạ, giỏ lùng Thạnh Huề… dân nhà nông từ Cái Răng, Ba Láng đến Vàm Xáng, Phong Điền… hỏi qua ai cũng biết.

Nếu ở nơi khác, có thể sản phẩm của nhà ông Hai Hiến đã có tên trong danh sách OCOP. “Tại sao ở nơi ông Hai Hiến thường tới góp mặt vào các cuộc biểu diễn tay nghề truyền thống, sản phẩm của ông lại không được chọn là sản phẩm OCOP?”. Ông cười hiền: "Hỏi tui, tui biết hỏi ai?!”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm