| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp không chất thải

Giun quế, "máy chế biến" phân hữu cơ tuyệt diệu

Thứ Ba 12/01/2021 , 10:24 (GMT+7)

Từ những chất thải hầu như bị bỏ đi, giun quế biến thành những sản phẩm có ích. Đặc biệt, phân giun chính là mắt xích quan trọng của nông nghiệp không chất thải.

Tận dụng hầu hết các chất thải hữu cơ

Ở nông thôn, nguồn phân hữu cơ như phân bò, phân heo, lục bình, rơm rạ… rất lớn. Thông thường, người dân sẽ vứt đi, không sử dụng hoặc có giá trị thấp. Tận dụng những phế, phụ phẩm này để nuôi giun quế cho ra sản phẩm phân giun quế và nhiều sản phẩm khác mang lại giá trị kinh tế cao.

Phân giun quế thích hợp cho tất cả các loại cây trồng, từ các loại rau màu, cây ăn trái đến cây công nghiệp. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng phân giun quế tại các khu sản xuất, canh tác nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ rất lớn.

Giun quế xử lý hầu hết các chất thải hữu cơ. Ảnh: Minh Đảm.

Giun quế xử lý hầu hết các chất thải hữu cơ. Ảnh: Minh Đảm.

Trong khi phân bò bình thường ủ hoai, khi xét nghiệm hàm lượng vi sinh vật có ích như vi sinh vật cố định đạm chỉ đạt khoảng 10 nghìn đơn vị thì khi qua ruột giun quế, thì các chỉ số này có thể lên đến hàng chục triệu.

Công ty cổ phần Trang Trại Sạch (tại xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là một trong những đơn vị sản xuất phân giun quế lớn nhất tại ĐBSCL. Việc nghiên cứu thành công quy trình sản xuất phân giun quế của công ty cho hàm lượng vi sinh vật cao đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ cho sự phát triển của lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc công ty chia sẻ điểm mạnh của phân giun quế: Phân hữu cơ khi muốn cho giun ăn, phải ngâm nước cho mềm ra. Khi giun ăn khoảng 2-3 ngày, sẽ xử lý hết nguồn thức ăn đó. Đối với nguồn phân tự nhiên, trước khi khi giun ăn có thể có mầm bệnh, hàm lượng kim loại nặng nhưng khi qua ruột giun sẽ xử lý được các chất này. Đặc biệt, phân sẽ có hệ vi sinh vật rất đa dạng, tốt cho rễ cây, cho đất”.

Hiện nay, sản phẩm phân giun quế được nhiều nông dân lựa chọn và tin dùng khiến mặt hàng này luôn ở tình trạng “cháy” hàng. Mỗi ngày, Công ty Trang Trại Sạch cung cấp hàng chục tấn phân giun nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu của khách hàng.

Xử lý tốt ô nhiễm môi trường, giá trị kinh tế cao

Giun quế tiêu thụ hầu như tất cả chất thải hữu cơ nên từ lâu được xem là sinh vật có ích, giúp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường rất hiệu quả. Các tháng mùa mưa, bà con hay vứt phân bò ra kênh rạch, đường đi, bên hông nhà rất ô nhiễm. Tuy nhiên tận dụng nguồn chất thải này nuôi giun sẽ góp phần bảo vệ môi trường.

Ngoài phân giun quế, người nuôi còn thu giun sinh khối (giun giống), giun thịt để bán với giá trị rất cao. Giun sinh khối thường có giá lên đến 12.000 đồng/kg. Giun thịt có giá trị cao hơn, từ 50.000 – 70.000 đồng, tuỳ vào kênh thu mua.

Thu hoạch giun quế. Ảnh: Minh Đảm.

Thu hoạch giun quế. Ảnh: Minh Đảm.

Đặc biệt, thịt giun có hàm lượng đạm cao được ứng dụng rộng rãi chăn nuôi rất nhiều như bò vỗ béo. Người ta có thể sấy khô cho bò, heo nái đang nuôi con, giúp con mẹ có nhiều sữa. Ngoài ra, giun quế còn được dùng nuôi lươn, ba ba, cá chạch lấu, nuôi rắn mối,..

Hiện nay, Công ty Trang Trại Sạch xác định thị trường giun quế rất lớn nên đã triển khai hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho hàng trăm hộ nông dân tại ĐBSCL. Nhiều hộ nuôi thành công rất phấn khởi.

Anh Hùng Võ Dương ở ấp Bình Thắng, xã Bình Long (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) có 11 công đất ruộng. Trước đây, anh Dương chỉ trồng lúa nên hiệu quả kinh tế không cao. Hiện nay, anh đã tìm hiểu mô hình nuôi bò thịt kết hợp nuôi giun quế. Hiện nhà anh đang có trại bò 9 con và trại giun quế 250 m2.

Qua 4 tháng áp dụng mô hình này, anh Dương cho biết mô hình đạt hiệu quả cao nên đang tiến hành nhân rộng. Anh phấn khởi cho biết, nếu không nuôi giun, trang trại của anh phải xây hầm chứa xử lý phân bò, chứ không sẽ gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Bây giờ kết hợp nuôi gin, đã giải quyết được ô nhiễm, lại có thêm thu nhập. 

Anh kể, ban đầu chỉ thả nuôi 5 tấn giun giống với chi phí 60 triệu đồng. Đến nay, trang trại anh đã bán được gần 70 triệu đồng tiền giun giống cho bà con trong vùng. Bên cạnh đó, hiện anh còn lượng phân giun chưa bán và một lượng khá lớn giun thịt. Hiện nhiều bà con nông dân đặt hàng phân giun nên đầu tiêu thụ phân trùn rất lớn.

Thấy mô hình của anh Dương hiệu quả cao, Tổ Nông nghiệp ấp Bình Long hiện đang đặt hàng anh Dương xây dựng trại, cung cấp giun giống, chuyển giao quy trình chăn nuôi cho gần 40 thành viên của Tổ hợp tác.

Thu hoạch giun quế. Ảnh: Minh Đảm.

Thu hoạch giun quế. Ảnh: Minh Đảm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng ở phố Tân An (tỉnh Long An) là một trường hợp thành công khác từ nuôi trùn quế. Chị Phượng là nhân viên văn phòng nhiều năm, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để thuận tiện đưa rước con nhỏ đi học, chị Phượng đã xin nghỉ việc ở nhà làm nông nghiệp.

Ngoại ô của Thành phố Tân An có nhiều hộ gia đình chăn nuôi bò. Tuy nhiên, chất thải không được xử lý triệt để, mùa mưa rất ô nhiễm. Chị Phượng biết đến mô hình dùng phân bò để nuôi giun quế nên đã mạnh dạn đầu tư trại nuôi rộng 120 m2.

Chị thu mua phân bò từ các hộ nuôi xung quanh để nuôi giun. Nhiều hộ dân nuôi lươn đã tìm đến chị để mua giun thịt về cho lươn ăn nên lượng giun thịt không đủ bán. Hàng tháng, trừ chi phí chị Phượng lãi trên 5 triệu đồng. Đó là chưa kể lượng phân giun 3 tháng thu hoạch một lần được gần 9 tấn, giá Công ty Trang Trại Sạch thu mua từ 1.800 đồng/kg cũng cho thu nhập thêm hàng chục triệu đồng.

Để gia tăng hiệu quả, chị Phượng còn nuôi thêm 2.000 con ếch, 1.200 con cá trê. Chị sử dụng giun phục vụ nhu cầu thức ăn cho các vật nuôi này nên đã giảm rất nhiều các chi phí. Mô hình chăn nuôi của chị Phượng vừa mang lại hiệu quả ổn định, nhất là giải quyết được ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, để tận dụng hết phần đất trống của gia đình, chị Phượng cho biết sẽ mở rộng trang trại hơn nữa.

Hiện nay, hầu hết các hộ dân nuôi giun quế đều thành công và có được nguồn thu nhập rất ổn định. Cứ 100 m2, trừ các chi phí về nhân công, phân bò, khấu hao tài sản cố định cho lãi đạt 5 triệu đồng/tháng. Đối với bà con có nuôi bò, tận dụng phân bò để nuôi giun sẽ đạt lợi nhuận cao hơn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Tân An, Long An) mang giun cho ếch ăn. Ảnh: Minh Đảm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Tân An, Long An) mang giun cho ếch ăn. Ảnh: Minh Đảm.

Tận dụng phế phẩm, chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi để nuôi giun quế đang là cách làm đang phát triển mạnh mẽ ở ĐBSCL. Mô hình này hầu như khép kín hoàn toàn, không có gì là bỏ đi. Riêng phân giun quế sẽ là một mắc xích quan trọng giúp nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững. Do đó, giun quế sẽ là vật nuôi phổ biến trong tương lai không xa.

Theo Appelhof, Mary (2007) trong cuốn Worms Eat My Garbage (ấn bản 2): Phân giun quế là phân bón sản xuất từ chất thải được thu hoạch sau khi con giun quế ăn chất hữu cơ. Đây là một loại phân hữu cơ đặc biệt có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, là loại phân tự nhiên tốt nhất. Quá trình sản xuất của phân giun được gọi là ủ sâu (worm composting), có thể thực hiện với quy mô nhỏ để xử lý rác thải hữu cơ tại các gia đình như rau củ trái cây thừa.

Khác phân bón hoá học, phân giun quế có chất nhầy giun nên không dễ bị trôi khỏi đất, giúp cây có thời gian lâu hơn hấp thụ chất dinh dưỡng. Phân giun quế khi qua cơ thể giun được làm giàu thêm các vi khuẩn có lợi, giúp tăng sức đề kháng cho cây và đẩy lùi sâu bệnh, phù hợp tuyệt đối với cây trồng giúp cây khoẻ hơn, giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu.

Phân giun quế còn có chứa hoocmon giúp cây tăng trưởng tốt. Phân giun quế có tác dụng như keo, giữ nước tới 9 lần khối lượng nhưng vẫn tự nhiên, giúp bốc hơi chậm, luôn có nước cho cây. Với phân giun quế, dinh dưỡng được lưu trữ và phát ra chậm với lượng vừa đủ cho cây cần, giúp toàn bộ quá trình cung cấp dinh dưỡng kéo dài...

Xem thêm
Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.