| Hotline: 0983.970.780

Gỡ khó ngành ong

Thứ Ba 28/07/2015 , 06:37 (GMT+7)

Nông dân trao đổi, đối thoại trực tiếp với các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu khoa học, DN nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong chuỗi liên kết phát triển SX ong mật.

Trung tâm Khuyến nông QG phối hợp với Cục Chăn nuôi, Sở NN-PTNT Quảng Nam đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề "Phát triển nuôi ong mật bền vững, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”, thu hút nhiều DN nuôi ong và nông dân từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tham dự.

Đây là cơ hội để nông dân trao đổi, đối thoại trực tiếp với các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu khoa học, DN nhằm chia sẻ kinh nghiệm và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong chuỗi liên kết phát triển SX ong mật.

22-46-16_nh-2
 Những đàn ong được di chuyển đến Quảng Nam làm mật
 

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

TS. Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm KNQG cho biết, nghề nuôi ong mật đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người nông dân; đặc biệt là đồng bào ở trung du, miền núi. Đây một trong những mục tiêu và kết quả của các dự án phát triển ong có sử dụng nguồn vốn nhà nước và các tổ chức phi chính phủ...

Theo số liệu thống kê của Hội Nuôi ong VN, nước ta có khoảng 34.000 người nuôi ong, với trên 1,5 triệu đàn, gồm các giống ong Ý và ong nội. Trong đó ong nội 350.000 đàn, ong ngoại 1.150.000 đàn. Năm 2014, VN xuất khẩu được trên 49.000 tấn mật ong, tổng doanh thu đạt 120 triệu USD.

Bà Trần Thị Ngọc Lan, Cục Chăn nuôi cho rằng, những năm qua công tác nghiên cứu về ong còn hạn chế, giống nuôi chưa được cải tiến, chưa được du nhập. SX giống có sự pha tạp của nhiều phân loài và được nuôi giữ qua nhiều thế hệ nên tỷ lệ cận huyết cao. “Hiện chưa có thị trường giống ong mà các cơ sở tự chủ động tạo ong chúa để thay thế ong chúa già và nhân đàn. Một số cá nhân, đơn vị còn mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc gây pha tạp, tỷ lệ cận huyết cao, nhập giống ong ngoại một cách tuỳ tiện. Đây là nguy cơ tiềm ẩn lớn cho việc lan truyền các loại dịch bệnh và làm thoái hoá giống ong trong nước”, bà Lan nói.

Bà Lan kiến nghị, cần xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển tổng thể bền vững và ổn định cho ngành ong. Nhập giống ong mới để lai tạo và cải tiến giống trong nước. Đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị kiểm tra chất lượng VSATTP. Đào tạo kỹ thuật viên để kiểm tra hàm lượng các chất tồn dư kháng sinh. Ngăn chặn các sản phẩm của ong kém chất lượng từ nước ngoài đưa vào VN để tái xuất...

Ông Chu Văn Tuất, PGĐ Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương 1 cho rằng, tình hình SX và thu mua mật ong XK ở nước ta vẫn bất cập. Hiện tượng cạnh tranh mua bán không lành mạnh còn diễn ra khá phổ biến. Mật ong chưa được kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Đặc biệt, một số người còn sử dụng kháng sinh phòng trị bệnh cho ong. Hậu quả là bệnh không được khống chế mà tồn dư dư lượng kháng sinh trong mật ong.

Để đảm bảo uy tín của mật ong VN trên thị trường xuất khẩu, ông Tuất cho rằng, người nuôi cần có ý thức chấp hành, sử dụng đúng quy trình kỹ thuật và quản lý về nuôi ong. Phòng trị bệnh và ký sinh hại ong theo quy trình, khai thác sản phẩm hợp lý, không sử dụng kháng sinh..

KHÔNG NÊN ĐỔ LỖI 

Ông Bùi Văn Thạnh, xã Long Phước (Long Hồ, Vĩnh Long) trình bày, hiện ông có 1.000 đàn ong và thường xuyên di chuyển ra các tỉnh miền Trung khai thác nguồn mật từ cây keo. Quá trình đặt ong tại đây, chính quyền địa phương đồng ý cho nhưng người dân thì phản đối, xua đuổi đàn ong, vì họ cho rằng ong phá hoại cây trồng, phải di dời đi nơi khác!

Ngoài ra, thời gian cho phép di chuyển đàn ong từ miền Tây ra các tỉnh miền Trung là 31 giờ, nhưng phải qua 15 trạm kiểm dịch, mỗi trạm dừng chân 20 -30 phút kiểm tra, tính ra mất 5 tiếng. Do vượt quá thời gian nên khi ra đến nơi, đàn ong chết tới 1/2.

"Ngành ong đang đứng trước cơ hội và thách thức khi gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm tái cơ cấu ngành ong theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Cần đẩy mạnh áp dụng quy trình SX VietGAHP nuôi ong an toàn, tiêu chuẩn GMP trong chế biến, đóng gói mật ong xuất khẩu và mở rộng liên kết SX, tiêu thụ.

Đầu tư lĩnh vực nghiên cứu công nghệ, khuyến nông cho ngành ong. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ ngành ong với trồng trọt để có hệ sinh thái bền vững", ông Nguyễn Văn Trọng.

“Đề nghị Cục Thú y bỏ kiểm dịch và thu phí đàn ong khi di chuyển ra khỏi tỉnh, vì hàng năm đã có kiểm dịch định kỳ rồi. Khi di chuyển đàn ong, các trạm không nên "giam" quá lâu, ong bị chết nhiều...”, ông Thạnh bày tỏ. 

Đồng cảnh ngộ, ông Lê Thanh Vân, GĐ Cty CP Ong mật Đắk Lắk chia sẻ: "Cần đẩy mạnh tuyên truyền giải thích về lợi ích của ong mật đối với thụ phấn cho cây trồng, cho phép người nuôi được đặt thùng nuôi ong trên các địa bàn có thảm thực vật cũng như cây trồng nông nghiệp nhằm phát triển khai thác sản phẩm từ ong, phát triển đàn ong tham gia thụ phấn cho cây trồng".

Ông Nguyễn Bình, một nông dân ở Thừa Thiên - Huế lo ngại: "Hiện địa phương xảy ra tình trạng đặt thùng ong chồng chéo nhau, có nơi bố trí dày đặc. Cần có quy định đặt trong phạm vi nào và được đặt bao nhiêu đàn?".

TS Phạm Đức Hạnh, GĐ Trung tâm Nghiên cứu ong, Viện Chăn nuôi phân tích: "Ở các tỉnh miền Tây chúng tôi đã thử nghiệm mật độ 700 con/m2 nhưng không gây ảnh hưởng đến cây lúa, ngô… Nhiều người cho rằng ong bu vào cây trồng làm giảm năng suất là không có cơ sở".

Còn ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong VN cho hay: "Ngành ong phát triển nhanh nhưng hệ thống văn bản quản lý SXKD chưa đầy đủ. Tất cả các nước trên thế giới đều có luật quy định đặt ong trên từng cây trồng. Do vậy cần có nghiên cứu, quy hoạch cụ thể, trên cơ sở đó phối hợp với người nuôi đưa ra quy chế...

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Cục đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật chăn nuôi ong mật, trong đó quy định khoảng cách đặt trại ong, thùng ong. Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính đang xem xét bãi bỏ một số loại phí, lệ phí thú y nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho các DN.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.