Nhiều tín hiệu tích cực trong quý I/2024
Chiều 3/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc Họp giao ban quý I/2024 và nghe báo cáo về một số kiến nghị của các hội, hiệp hội ngành hàng thủy sản.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, quý I/2024, ngành thủy sản có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với quý I/2023, đó là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng phụ trách ngành, các địa phương và sự tham gia tích cực của các hội, hiệp hội, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng bà con ngư dân.
Lĩnh vực khai thác thủy sản đạt nhiều kết quả tốt do thời tiết biển thuận lợi. Nguồn lợi cá nổi xuất hiện nhiều nên tàu cá và ngư dân hoạt động khai thác thủy sản hiệu quả, đặc biệt là ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ có nghề khai thác cá ngừ đại dương sản lượng tăng cao.
Còn với nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản cũng đã có những chỉ đạo kịp thời, chủ động ban hành các hướng dẫn phòng chống rét phía Bắc, chống nóng ở phía Nam.
Theo đó, ông Luân thông tin, tổng sản lượng thủy sản cả nước quý I/2024 ước đạt hơn 1,94 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 876,5 nghìn tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ 2023; sản lượng nuôi trồng ước đạt gần 1,07 triệu tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2023.
“Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta quý I/2024 ước đạt 1,86 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Nền kinh tế còn nhiều khó khăn, do đó nhu cầu tiêu thụ chưa phục hồi, tuy nhiên sự tăng trưởng này là tín hiệu tín cực trong thời gian tới”, Cục trưởng Trần Đình Luân cho hay.
Đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông tin, quý I/2024 vẫn phát hiện 4 mẫu cảnh báo vi phạm kháng sinh, trong đó có 3 mẫu cá tra và 1 mẫu tôm, giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Cảnh báo vi phạm liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm quý I/2024 tăng lên so với cùng kỳ năm trước do thị trường Trung Quốc tính dồn số liệu cuối năm 2023 và đầu 2024, nếu chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2024 thì không tăng.
Đã nỗ lực rồi cần nỗ lực hơn nữa
Bên cạnh những thuận lợi, ngành thủy sản quý I/2024 cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt, xung đột quân sự Nga - Ukraina và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ.
Nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu yếu khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh trong đó có sản phẩm thủy sản dẫn đến những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu thủy sản.
Giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp.
Sản lượng khai thác thủy sản còn ở mức cao, chưa đáp ứng được yêu cầu giảm dần sản lượng khai thác theo định hướng Chiến lược và Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng tới 2030.
Số lượng tàu cá chưa đăng ký còn rất lớn, 15.940 tàu. Việc giảm số lượng tàu cá còn chậm, tháng 2 có 84.682 tàu, tháng 3 có 85.001 tàu, chưa đáp ứng được Chiến lược 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng tới nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Với vấn đề xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc, ông Bá Anh cho hay: “Đến thời điểm này vẫn chưa có tiến triển gì”.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, không gian của ngành thủy sản còn rất lớn, nên còn nhiều việc cần phải làm. Ngành thủy sản ngày càng được đánh giá có vai trò và vị trí quan trọng. Dù đã đạt được những kết quả khả quan trong quý I/2024, vẫn cần có thời gian để nhìn nhận, lắng động và đặt mục tiêu trước mắt và lâu dài.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo, quý II/2024 và chặng đường tiếp theo, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cần phải rà soát lại các đối tượng nuôi, phát triển đa mục tiêu. Khai thác thủy sản rà soát lại số lượng tàu cá, giải quyết các vấn đề về giám sát đội tàu, truy xuất nguồn gốc, thiết bị giám sát hành trình tàu cá…
Về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhìn lại 7 năm qua đã có sự chuyển biến tích cực, điều này là sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành. Thời điểm này cần có sự chuyển mình hơn nữa với hy vọng sớm gỡ được “thẻ vàng”. Với bảo tồn biển, cần quan tâm đến mô hình đồng quản lý.
“Thời gian qua, toàn ngành đã có sự nỗ lực. Tuy nhiên, đã nỗ lực rồi cần nỗ lực hơn nữa. Còn rất nhiều việc cần phải làm, nếu không kiên quyết, kiên trì, kiên cường thì sẽ không thể thành công được. Quyết tâm từng tháng, từng quý để đưa ngành thủy sản về đích”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói: “Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển là 3 trụ cột phát triển kinh tế thủy sản. Tuy nhiên, còn một vấn đề quan trọng nữa cần phải quan tâm, đó chính là hạ tầng. Nuôi trồng, khai thác, chế biến xuất khẩu, phòng chống dịch bệnh… đều dựa trên cơ sở hạ tầng, do đó đây cũng là vấn đề rất lớn cần phải quan tâm”.