| Hotline: 0983.970.780

Gỡ nút thắt vùng 'chảo lửa' Krông Pa

Thứ Ba 12/07/2022 , 16:19 (GMT+7)

Huyện Krông Pa có đàn bò và diện tích cây trồng lớn nhất tỉnh Gia Lai nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn khó khăn, xây dựng nông thôn mới gặp nhiều hạn chế.

Người dân hiến đất làm đường vành đai tại xã Phú Cấn. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân hiến đất làm đường vành đai tại xã Phú Cấn. Ảnh: Tuấn Anh.

Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Những năm gần đây, huyện Krông Pa đón nhận không ít thách thức, khó khăn với dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt diễn ra phức tạp ở nhiều nơi. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, cuối năm 2021, huyện Krông Pa đã có thêm 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 3/13 xã. Trong đó, số thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới 4/53. Toàn huyện tăng 8 tiêu chí so với năm 2020 (bình quân tiêu chí trên toàn huyện đạt 14,5 tiêu chí/xã).

Đặc biệt, từ phong trào xây dựng nông thôn mới, huyện đã có nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế, xã hội, nổi bật như chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn huyện đã có 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh 3 sao, qua đó phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm của địa phương. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Xã Phú Cần là địa phương đầu tiên của huyện Krông Pa đạt chuẩn nông thôn mới. Nơi đây, những con đường bê tông hóa trải dài trên khắp buôn, làng nối liền với những cánh đồng sản xuất của người dân. Cuộc sống của người dân dù còn nhiều khó khăn nhưng phần nào đã cho thấy sự thay đổi qua từng nếp nhà, cửa ngõ.

Đứng trên con đường vành đai vừa mới xây dựng, anh Rơ Chăm Gie (buôn Thim, xã Phú Cần) cảm thấy vui mừng và tự hào khi 1.400 m2 đất của gia đình đã góp công không nhỏ làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn nơi đây. “Trước đây, người dân trong buôn gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi đi ra cánh đồng sản xuất, chăn bò. Khi Nhà nước vận động người dân hiến đất, gia đình tôi đã đồng ý ngay. Giờ có con đường rồi, người dân đi ra cánh đồng sản xuất thuận tiện hơn”, anh Gie bộc bạch.

Ông Kpă Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần (huyện Krông Pa) cho biết, để đạt chuẩn nông thôn mới, xã Phú Cần đã tập trung phát triển những cây trồng chủ lực như thuốc lá, dưa hấu, khoai mì… Theo đó, xã đã khuyến khích người dân thay đổi phương thức canh tác từ tưới theo luống thay bằng công nghệ tưới tiết kiệm. Đối với cây thuốc lá, trước đây người dân sử dụng sấy củi, trấu làm ô nhiễm môi trường thì nay đã chuyển sang sấy bằng điện. Qua đó, tiết giảm chi phí và đặc biệt giảm tình trạng phá rừng lấy củi sấy thuốc lá.

Tuy nhiên, điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới của xã Phú Cần chính là việc tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường, qua đó bê tông hóa hơn 80% từ khắp buôn, làng ra các cánh đồng. “Để xã đạt được nông thôn mới đầu tiên của huyện, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì sức dân đã đóng vai trò quyết định. Cụ thể, người dân đã tự hiến đất làm đường, góp ngày công với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng để hình thành nên những trục đường bê tông hóa khắp buôn, làng. Qua đó, giao thông đi lại thuận lợi, sản xuất nông nghiệp cũng vì thế cũng phát triển theo.

Gỡ nút thắt cho vùng “chảo lửa”

Bên cạnh những kết quả đã đạt, chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Krông Pa vẫn còn nhiều mặt hạn chế, khó khăn. Trong đó, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới chưa thực sự có chiều sâu, nên vai trò của người dân chưa được phát huy hết. Cùng với đó, việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân chưa mang lại hiệu quả cao. Theo đó, chưa xây dựng được nhiều chuỗi sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa bền vững. Ngoài ra, công tác vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện còn hạn chế, rác thải, nước thải ở một số địa phương chưa được thu gom, xử lý triệt để theo quy định gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và đời sống người dân nông thôn.

Thuốc lá đang là cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa. Ảnh Tuấn Anh.

Thuốc lá đang là cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa. Ảnh Tuấn Anh.

Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, hiện chỉ có 3/13 xã của toàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới, như vậy còn khá khiêm tốn so với các địa phương khác. Nguyên nhân do điểm xuất phát thấp, điều kiện khí hậu tự nhiên, thổ nhưỡng không bằng những địa phương khác. Diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn với 48 nghìn ha nhưng nguồn nước tưới chỉ đạt 7%, nên người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng thì gần như 100% các xã đều đạt tiêu chí nhưng vấn đề thu nhập của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỉ lệ cao. Ngoài ra, tiêu chí về môi trường còn gặp nhiều hạn chế. Phần lớn trên địa bàn huyện là người đồng bào dân tộc thiểu số nên phong tục tập quán trong vệ sinh môi trường còn hạn chế.

May mắn khi huyện Krông Pa còn được hưởng 2 chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hy vọng trong thời gian tới, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua chương trình này để phân bổ nguồn vốn xuống cho địa phương, qua đó giúp bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện có sự thay đổi.

“Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng các tuyến đường giao thông nội đồng và hệ thống kênh mương thủy lợi để giúp người dân thuận tiện hơn trong sản xuất nông nghiệp. Đối với những xã không có kênh mương thủy lợi, huyện sẽ cố gắng đăng ký nguồn vốn từ các chương trình khác để đầu tư cho các xã, đồng thời hỗ trợ người dân khoan giếng để phục vụ sinh hoạt và sản xuất”, ông Thảo chia sẻ.

Hiện nay, kinh tế chính trên địa bàn huyện Krông Pa tập trung chủ yếu vào cây khoai mì và thuốc lá. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ cung giống cây khoai mì, đồng thời hướng dẫn người dân thay đổi phương thức canh tác để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người dân. Còn đối với cây thuốc lá, hỗ trợ người dân đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, qua đó tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Hiện nay rất nhiều hộ dân đã sử dụng các lò sấy thuốc lá bằng điện, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm tình trạng phá rừng lấy củi sấy thuốc.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất