| Hotline: 0983.970.780

Google Doodle hôm nay

Google Doodle 10/5: 110 năm ngày sinh GS Tôn Thất Tùng

Thứ Ba 10/05/2022 , 07:39 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh GS.Tôn Thất Tùng, Google đã thay đổi biểu trưng của mình để tôn vinh cha đẻ của phương pháp 'cắt gan có kế hoạch'.

Google kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Giáo sư Tôn Thất Tùng (10/5/1912 - 10/5/2022)

Google kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Giáo sư Tôn Thất Tùng (10/5/1912 - 10/5/2022)

Google doodle hôm nay 10/5: Tôn Thất Tùng

Google Doodle hôm nay 10/5 do nghệ sĩ khách mời Chau Luong thực hiện nhằm tôn vinh Giáo sư Tôn Thất Tùng nhân dịp sinh nhật lần thứ 110 của ông.

Google cho biết, Tôn Thất Tùng là bác sĩ phẫu thuật đã cách mạng hóa phương pháp phẫu thuật cắt gan cho các bác sĩ trên khắp thế giới.

Giáo sư Tôn Thất Tùng đã sáng lập ra phương pháp phẫu thuật mới giúp giảm chảy máu bằng cách thắt chặt các tĩnh mạch gan trước ca mổ, rút ​​ngắn thời gian ca mổ xuống còn 4-8 phút.

Kỹ thuật đột phá của ông thường được gọi là "Phương pháp Tôn Thất Tùng", được các bác sĩ phẫu thuật trên toàn cầu sử dụng bởi có khả năng giảm mất máu và cứu sống vô số sinh mạng.

Google Doodle chúc mừng sinh nhật Giáo sư Tôn Thất Tùng trong lời giới thiệu về Doodle ngày 10/5. "Cảm ơn ông đã phá bỏ những giới hạn của phẫu thuật để thay đổi vĩnh viễn y khoa" - Google nhấn mạnh khi kết thúc lời giới thiệu Doodle kỷ niệm 110 năm sinh nhật Giáo sư Tôn Thất Tùng.

Phạm vi tiếp cận người dùng Google Doodle kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Tôn Thất Tùng sẽ xuất hiện tại Việt Nam và Đức.

GS.Tôn Thất Tùng là ai?

Giáo sư Tôn Thất Tùng (10/5/1912 - 7/5/1982) là một bác sĩ phẫu thuật, nổi danh trong lĩnh vực nghiên cứu về gan. Giáo sư được biết đến là tác giả của "phương pháp cắt gan khô" hay còn được gọi là "phương pháp Tôn Thất Tùng"

Ông sinh ra tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế; xuất thân từ một gia đình quý tộc nhà Nguyễn (thân sinh ông là cụ Tôn Thất Niên, Tổng đốc Thanh Hóa thời bấy giờ).

Tận mắt chứng kiến cảnh yếu hèn của vua quan ở Huế, người thanh niên trẻ Tôn Thất Tùng không theo nghiệp học làm quan mà quyết định ra Hà Nội học ở trường Bưởi.

Năm 1932, ông học tại trường Y-Dược, một thành viên của Đại học Đông Dương, đóng tại Hà Nội với suy nghĩ đây là nghề "tự do", không phụ thuộc vào quan lại hay chính quyền thực dân. Ngày ấy, cả Đông Dương chỉ có một trường thuốc duy nhất tại Hà Nội mà người bản xứ không được dự các kỳ thi nội trú.

Giáo sư Tôn Thất Tùng đã phản đối chính sách hà khắc này và khơi dậy phong trào giáo dục bình đẳng. Những nỗ lực của ông cuối cùng đã buộc chính quyền thuộc địa cho phép sinh viên Việt Nam tham gia kỳ thi tuyển sinh năm 1938.

Từ đây bắt đầu những năm tháng tự do khám phá và đầy thành công của vị bác sỹ lừng danh. Chỉ tính riêng 10 năm (từ năm 1936 - 1945), ông đã công bố 63 công trình trên các tạp chí y học của Pháp ở Paris và Viễn Đông.

Với thành tựu vượt trội đó, năm 1940, ông được nhà cầm quyền Đông Dương thừa nhận và bổ nhiệm làm Trưởng khoa ngoại Đại học Y Hà Nội khi mới 28 tuổi.

Chỉ trong 4 năm học sau đại học, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã mổ hơn 200 lá gan và trở thành người đầu tiên thực hiện nghiên cứu tỉ mỉ về gan.

Kiến thức sâu rộng về giải phẫu gan đã giúp ông nhận ra phương pháp phẫu thuật gan truyền thống - một phương pháp cần từ 3-6 giờ để hoàn tất - là rủi ro và rườm rà không cần thiết.

Sau đó, Giáo sư đã lập ra phương pháp phẫu thuật mới, rút ngắn thời gian mổ xuống còn 4 - 8 phút; và thường được các bác sĩ phẫu thuật trên toàn cầu gọi là "Phương pháp Tôn Thất Tùng".

Ông vẫn say mê nghiên cứu khoa học cho đến khi gặp Bác Hồ. Một cách tự nhiên, ông trở thành người chiến sỹ đầy nhiệt huyết với cách mạng. Sau năm 1945, ông được tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho Bác.

Ngày kháng chiến bùng nổ, ông rời bỏ phố thị, hăng hái đưa cả gia đình lên rừng theo kháng chiến. Tại đây, ông là một trong những người chủ chốt đầu tiên đào tạo thầy thuốc, nghiên cứu khoa học và tổ chức lực lượng quân y. Ông đã cùng GS Đặng Văn Ngữ nghiên cứu, sản xuất được kháng sinh Penicilline ngay tại chiến trường - một công việc cấp bách đối với kháng chiến mà chưa từng nước nào làm được.

Năm 1947, Chính phủ cử ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế khi mới 35 tuổi. Và giữ chức vụ này tới năm 1961.

Từ năm 1954, Giáo sư Tôn Thất Tùng làm Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, và giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Đại học Y Dược Hà Nội.

Ngày 7/5/1982, GS Tôn Thất Tùng qua đời tại Hà Nội, thọ 70 tuổi; an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội

Google Doodle là biểu tượng đặc biệt, hình ảnh khác nhau thay thế tạm thời cho biểu tượng, logo của Google.

Thay vì logo truyền thống với dòng chữ "Google" khô khan thì đội ngũ thiết kế của hãng đã biến tấu nó thành những hình ảnh hài hước, vui vẻ, ý nghĩa nhằm nhắc nhở mọi người về các ngày lễ hội, kỷ niệm hay sự kiện đặc biệt của thế giới.

Việc này không chỉ đóng góp không nhỏ vào việc "phổ cập" kiến thức theo cách thông minh mà nó còn tạo cho người dùng thói quen chờ Google Doodle xem "hôm nay có gì mới".

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động thúc đẩy nông nghiệp bền vững

Tại Diễn đàn Hợp tác Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động, giải quyết thách thức toàn cầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...