| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang có giống bò vàng [Bài cuối]: Đủ tiêu chuẩn thành thương hiệu quốc gia

Thứ Tư 23/08/2023 , 13:25 (GMT+7)

Báo Nông nghiệp Việt Nam trao đổi với TS. Hoàng Xuân Trường về tiềm năng, triển vọng, thời cơ xây dựng giống bò Mông của Hà Giang thành thương hiệu quốc gia.

TS Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT). Ảnh: NH.

TS Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT). Ảnh: NH.

“Ngân hàng sống” của đồng bào Mông

Là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam với rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu về giống bò vàng Hà Giang hay còn gọi là bò Mông, ông có thể chia sẻ rõ hơn về nguồn gốc và ưu điểm của giống bò này?

Giống bò Mông là giống bò được đồng bào dân tộc Mông khi di cư đã đưa vào Việt Nam hơn 300 năm trước. Hầu như người Mông ở đâu thường có giống bò Mông ở đó, do vậy giống bò Mông phân bố chủ yếu dựa vào cộng đồng người Mông. Tại Hà Giang, bò Mông được phân bố nhiều ở các huyện vùng cao như: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quảng Bạ, Xí Mần và Hoàng Su Phì.

Bò Mông là giống bò kiêm dụng, lấy sức kéo, lấy phân và lấy thịt. Nói tới khả năng cho thịt của bò Mông nhiều người còn chưa biết tới. Thịt bò Mông Hà Giang được giết mổ trong giai đoạn từ 36 - 48 tháng tuổi sẽ có chất lượng thịt ngon nhất, bởi ở độ tuổi này thịt bò mềm, ngọt, không quá dai, dễ chế biến thành các món ăn ngon, đặc sản được nhiều người ưa chuộng.

Về đặc tính cảm quan, thịt chưa chế biến có màu đỏ tươi, thớ thịt nhỏ mịn, có nhiều mỡ giắt, thịt sau khi chế biến thì ngọt, mềm và có hương vị đặc biệt.

Giống bò Mông là giống bò được đồng bào dân tộc Mông khi di cư đã đưa vào Việt Nam hơn 300 năm trước. Ảnh: ĐT.

Giống bò Mông là giống bò được đồng bào dân tộc Mông khi di cư đã đưa vào Việt Nam hơn 300 năm trước. Ảnh: ĐT.

Dân tộc Mông ở Việt Nam hiện nay có trên một triệu người. Đồng bào Mông có nhiều giống cây trồng và vật nuôi quý nay đã trở thành sản phẩm đặc sản như ngô nếp để nấu mèn mén, nấu rượu ngô men lá, cải mèo, gà đen, lợn đen bản địa và đặc biệt là giống bò Mông là giống bò kiêm dụng, thịt thơm ngon. Với người Mông, con bò được coi là “ngân hàng sống” và là niềm tự hào của mỗi gia đình.

Chăn nuôi bò của người Mông trên vùng núi cao thường gặp khó khăn về khí hậu, thời tiết, có những năm mùa đông lạnh dưới 0 độ C và kéo dài trên 30 ngày (mùa đồng năm 2008), nhiều nơi có băng tuyết, làm cạn kiệt nguồn thức ăn ngoài tự nhiên.

Thành công lớn nhất của người Mông đó là vẫn giữ được các giống vật nuôi tốt như bò Mông, lợn đen bản địa và gà đen. Ngày nay, có nhiều hộ người Mông đã có kinh tế khá và giàu, nhiều hộ nuôi bò cho thu nhập cao và ổn định nhờ chăn nuôi phát triển hàng hóa các giống vật nuôi bản địa.

Trong chăn nuôi bò, người Mông có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là phương thức vỗ béo bò trong vụ đông, khi mà nguồn thức ăn như cỏ tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp hạn chế. Vào thời điểm vụ đông xuân, bò thường bán được giá cao nhất trong năm.

Trong vụ đông xuân, người Mông nuôi và vỗ béo bò bằng nhiều loại lá cây được lấy về từ trên rừng, sau đó thái nhỏ và trộn với cháo ngô cho bò ăn. Người Mông thường vỗ béo bò đực, sau các vụ cày kéo bò sẽ được đưa vào vỗ béo để bán

Những kiến thức, kinh nghiệm bản địa trong chăn nuôi bò đã một phần giúp người Mông tồn tại và phát triển được trên các vùng núi cao, nơi có ít đất canh tác và có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.

Bò Mông luôn là vật nuôi chiếm ưu thế vượt trội về số lượng tại các chợ gia súc ở Hà Giang. Ảnh: ĐT.

Bò Mông luôn là vật nuôi chiếm ưu thế vượt trội về số lượng tại các chợ gia súc ở Hà Giang. Ảnh: ĐT.

Thông thường, các giống vật nuôi bản địa của Việt Nam hay bị hạn chế về tầm vóc và năng suất, sinh trưởng, nhưng giống bò Mông lại khác biệt khi sở hữu thể hình rất to lớn, theo ông đây có phải chính là một thế mạnh của giống gia súc này hay không?

Bò Mông Hà Giang cũng như ở Cao Bằng, Bắc Kạn trước đây gần 20 năm có con trên 1.000kg (Bảo Lạc, Cao Bằng). Hiện nay, thể trọng đàn bò trung bình của con đực trưởng thành (3 tuổi) đạt 500 - 600kg, đặc biệt có con trên 700kg.

Thực tế, thể trọng bò Mông như vậy so với các bò thịt chuyên dụng trên thế giới còn khiêm tốn, tuy nhiên trọng lượng như vậy kết hợp với chất lượng thịt tốt đã tạo nên thương hiệu riêng cho bò Mông Hà Giang và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Người Mông còn sử dụng bò để cày kéo, nhiều lúc còn chăn thả, bò leo trên các vùng núi đá kiếm ăn với độ dốc cao khá nguy hiểu. Bởi vậy các con bò đực trọng lượng lớn thường được người dân chăn dắt và nuôi nhốt tại chuồng, ít khi thả rông.

Người Mông am hiểu và có kiến thức chăn nuôi bò, bởi vậy bò ít bị cận huyết. Họ thường lựa chọn những con bò đực to khỏe để xin giống. Về mặt trọng lượng, bò Mông to nhỉnh hơn bò lai Sind, đó cũng là một lợi thế để phát triển chăn nuôi bò Mông hướng thịt, đặc biệt ở các trang trại có điều kiện nuối bò thịt.

Bò Mông cho thịt có độ mềm, thịt thơm và có vị đặc trưng. Ảnh: ĐT.

Bò Mông cho thịt có độ mềm, thịt thơm và có vị đặc trưng. Ảnh: ĐT.

Có lợi thế trở thành đặc sản quốc gia

Theo một số nghiên cứu nuôi thử nghiệm của Viện Chăn nuôi gần đây cho thấy, giống bò Mông chỉ thích nghi được với điều kiện thời tiết, khí hậu của vùng cao như Hà Giang hay Cao Bằng. Vậy, theo góc nhìn của ông, đây là lợi thế để tạo nên tính đặc sản bản địa của bò Mông hay là hạn chế khiến giống bò này chưa được nhân rộng và phát triển thành hàng hóa số lượng lớn hiện nay?

Chúng tôi cũng đã có những phân tích về chất lượng thịt và so sánh về chất lượng thịt bò Mông được nuôi tại Hà Giang và Cao Bằng với bò vàng, bò lai Sind, cho thấy, khi được nuôi ở vùng cao như Hà Giang hay Cao Bằng thịt bò có độ mềm tốt hơn, thịt thơm và có vị đặc trưng hơn. Đặc biệt, khi xào nấu thịt bò rất ngọt, vị ngọt đặc trưng của thịt bò vùng cao mà không có nơi nào có được.

Theo tôi, sản phẩm đặc sản thường gắn liền với vùng địa lý nhất định và kết hợp với văn hóa bản địa, ở đấy chính là quy trình chăn nuôi của người Mông, đã tạo ra sản phẩm thịt bò Mông đặc trưng và có nét riêng cho vùng cao. Và đó là một lợi thế lớn chứ không phải là hạn chế của giống bò này.

Trong khi Nhật Bản có giống bò Kobe, Bỉ có bò BBB, Úc có Black Angus, Scotland có bò Senefon, vậy theo ông bò vàng hay bò Mông Hà Giang nếu được quan tâm đúng mức có trở thành thương hiệu bò của Việt Nam hay không và khâu nào cần được đầu tư trong việc xây dựng chuỗi thịt bò vàng hiện nay?

Trong 20 năm trở lại đây, tỉnh Hà Giang cũng như Cao Bằng, Bắc Kạn, đã có các chương trình, dự án nhằm phát triển chuỗi giá trị bò Mông tại tỉnh mình, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng biết có dự án về giống bò này. Đó là tín hiệu tích cực vì nhiều cơ quan và các tỉnh đã nhìn thấy được tiềm năng và giá trị của bò Mông.

Các giống cỏ voi, cỏ VA06... được người dân ở Hà Giang trồng nhiều để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò. Ảnh: ĐT.

Các giống cỏ voi, cỏ VA06... được người dân ở Hà Giang trồng nhiều để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò. Ảnh: ĐT.

Với hiểu biết của tôi, bò Mông hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn đủ để xây dựng thành một sản phẩm tầm cỡ quốc gia và thương hiệu vượt ra ngoài nước ta.

Theo đó, tại mỗi tỉnh chỉ lựa chọn 20-30 hộ dân có đam mê và có kinh nghiệm chăn nuôi, đã có sẵn chuồng nuôi (chuồng sàn gỗ, sạch sẽ) và mỗi năm bán ra thị trường 1-2 con/hộ (bò đực đủ 3 năm tuổi).

Có một lò mổ mini đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm kết hợp các cơ sở giết mổ đang hoạt động nâng cấp lên. Kết nối với một số nhà hàng, khách sạn, siêu thị tại các thành phố lớn

Có thể thu hút 1 HTX hoặc 1 doanh nghiệp đứng ra để phát triển chuỗi giá trị này. Làm sao, mỗi tháng lúc đầu chỉ mổ 1-2 con và trước khi mổ cần có giới thiệu, quảng bá cho chủ hộ nuôi, quy trình chăn nuôi, địa điểm bán thịt bò.

Hãy làm các món ăn từ thịt bò Mông với cách nấu đã dạng cả món Âu và Á. Làm một số hội nghị thử nếm, giới thiệu sản phẩm bài bản để hướng tới khách hàng có thu nhập và gây dựng danh tiếng cho sản phẩm.

Hiện, thịt bò Hà Giang đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đó là điều kiện cần để thúc đẩy phát triển sản phẩm thịt bò Mông Hà Giang thành sản phẩm quốc gia, có thể là món ăn đặc biệt khi tiếp đón các nước. Các món ăn từ bò Mông Hà Giang có thể nâng tầm ngang với các món ăn từ thịt bò Kobe của Nhật Bản hay bò Hanwoo của Hàn Quốc.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Độc đáo trồng dâu tây treo tường

GIA LAI Đam mê làm nông nghiệp sạch, chàng kỹ sư máy tính Nguyễn Văn Quý đã mạnh dạn chuyển hướng, thành công với mô hình trồng dâu treo tường độc đáo đầu tiên ở Gia Lai.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.