| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm dịp cuối năm

Thứ Năm 02/11/2017 , 10:05 (GMT+7)

Kinh nghiệm thường vào dịp trước, trong và sau tết Dương lịch, tết Nguyên đán thì dịch bệnh nói chung, dịch cúm (A/H5N9, H5N1, H5N6... ) thường diễn ra phức tạp.

Hà Nội có đàn gia cầm lớn nhất cả nước, lại là thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh cúm gia cầm, càng không thể chủ quan.

12-01-18_tiem_phong_vcxin_cho_gi_cm
Cán bộ thú y của Hà Nội tích cực tiêm phòng văc xin cho đàn vật nuôi

Cuối năm là thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường, hay có mưa phùn, mưa dầm kéo dài, thời tiết se lạnh, đây là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh cúm gia cầm phát triển và di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Mặt khác việc vận chuyển lưu thông gia cầm trong dịp này là rất lớn, việc kiểm soát dịch bệnh còn hạn chế nhất định, việc kiểm dịch nội tỉnh hiện đã bãi bỏ tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh cúm gia cầm, cúm A/H7N9 giữa gia cầm và người.

Theo Cục Thú y, hiện nay vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác (A/H5N2, A/H5N8 …) xâm nhiễm vào nước ta là rất cao vì những lý do như diễn biến dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang rất phức tạp, vẫn liên tục xuất hiện các ca bệnh trên người và ổ dịch lâm sàng trên gia cầm. Các hoạt động vận chuyển, buôn bán tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc tại các tỉnh biên giới phía Bắc vẫn phức tạp. Bên cạnh đó hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân hai nước trong dịp cuối năm là những nguyên nhân gây bùng phát dịch cúm A/H7N9.

Hà Nội hiện có tổng đàn gia cầm đứng ở tốp đầu cả nước với trên 26 triệu con, hơn nữa Hà Nội giáp ranh với 8 tỉnh, thành và có trục đường huyết mạnh với các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai ..., việc vận chuyển lưu thông kinh doanh, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm hàng ngày từ các tỉnh về Hà Nội diễn ra nhộn nhịp.

Mặt khác Hà Nội hiện có một số chợ đầu mối lớn kinh doanh gia cầm sống như chợ Hà Vĩ, huyện Thường Tín hàng ngày có khoảng 40 - 50 tấn thịt gia cầm xuất nhập tại chợ. Chợ Hải Bối, huyện Đông Anh hàng ngày có khoảng 3 tấn gia cầm xuất nhập tại chợ có khả năng gây bùng phát dịch cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm khác.

Để chủ động phòng chống dịch cúm A/H7N9 và các chủng cúm gia cầm khác, ngành Thú y Hà Nội đã và đang tập trung cao độ triển khai thực hiện một số giải pháp cụ thể:

Tăng cường hợp tác với các tỉnh thành để kiểm soát dịch bệnh, trong tháng 9/2017 Chi cục Thú y Hà Nội đã tổ chức Hội nghị với 24 tỉnh, thành phía Bắc ký kết việc phối hợp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Trong đó tập trung vào các giải pháp như trao đổi thông tin dịch bệnh, thông tin số lượng kiểm dịch đến các tỉnh, thành. Phối hợp trong tuyên truyền, xử lý các vi phạm đối với các chủ hàng, chủ cơ sở kinh doanh vận chuyện giữa các vùng giáp ranh.

Giám sát dịch bệnh, đây là một trng những giải pháp trọng tâm để chủ động ngăn chặn dịch bệnh. Ngành thú y đã chỉ đạo mạng lưới thú y bám sát cơ sở, giám sát chặt chẽ biến động đàn, diễn biến dịch bệnh, phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng, xử lý không để lây lan diện rộng.

Triển khai công tác lấy mẫu chủ động giám sát sự lưu hành của virus cúm gia cầm A/H5N1, H5N6, H7N9 tại một số chợ buôn bán gia cầm lông trên địa bàn. Tổng số đã lấy 200 mẫu huyết thanh, 1.181 mẫu swabs gộp, 888 mẫu swab đơn, 166 mẫu môi trường. Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng đại trà với tỷ lệ mẫu bảo hộ với vắc xin cúm gia cầm đạt từ 67- 80,1%.

Tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm hiện có. 10 tháng đầu năm 2017 tổng số tiêm 23.937.872 lượt con (trong đó vắcxin cúm:13.861.726 lượt con đạt 64.6% kế hoạch năm; vắcxin Newcastle 3.796.895 lượt con; vắcxin dịch tả vịt 2.894.579 lượt con; vắcxin tụ huyết trùng 552.838 lượt con; vắcxin Gumboro 2.831.834 lượt con).

Triển khai vê sinh tiêu độc, khử trùng môi trường nhằm ngăn chặn mầm bệnh. Từ đầu năm đến nay đã triển khai vệ sinh tiêu độc 05 đợt với tổng diện tích phun 207.717.000 m2. Trong tháng, riêng 2 tháng 10-11/2017, TP đã phát động "Tháng hành động tổng tẩy uế vệ sinh môi trường". Có thể nói đây là một trong những giải pháp rất quan trọng vừa phát huy được sức mạnh toàn dân vừa làm trong lành môi trường phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi.

Chi cục Thú y tham mưu cho Sở NN- PTNT, UBND TP thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm trên địa bàn. Kiểm tra các hoạt động kinh doanh, giết mổ vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm. Bên cạnh đó, ngành Thú y tập trung nâng cao năng lực mạng lưới thú y cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch tại các địa phương sát với thực tế sản xuất. Phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục tổ chức diễn tập phòng chống cúm gia cầm.

Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị chuyên ngành để sẵn sàng đối phó khi có dịch xảy ra. Trực tiếp hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong phòng chống dịch bệnh. Thống kê, báo cáo, giám sát dịch bệnh, kịp thời xử lý tình huống ngăn chặn dịch bệnh ngay từ cơ sở.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân chủ động, tích cực tham gia thực hiện tổng tẩy uế, vệ sinh môi trường và nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là các hộ chăn nuôi thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp về phòng chống cúm gia cầm. Tuyên truyền đầy đủ, đúng mức độ để người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng dịch nhưng vẫn đảm bảo phát triển sản xuất, sử dụng gia cầm rõ nguồn gốc làm thức ăn, không hoang mang, không quay lưng lại với thịt gia cầm.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Chi cục Thú y Hà Nội cũng còn một số khó khăn vướng mắc rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền. Đó là ở một số nơi còn có sự chủ quan lơ là, chưa tập trung cao độ triển khai các hoạt động chuyên môn nên tỷ lệ tiêm phòng và diện tích phun phòng vệ sinh tiêu độc chưa cao.

Việc giết mổ nhỏ lẻ vẫn phổ biến, toàn TP còn 715 điểm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát. Địa bàn rộng với nhiều cơ sở kinh doanh vận chuyển buôn bán gia cầm nên việc kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi kiểm dịch nội tỉnh bãi bỏ không thực hiện. Hiện tại riêng vác xin cúm A/H7N9 chưa có nên việc chủ động phòng bệnh là một thách thức lớn.

 

Xem thêm
Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.