| Hotline: 0983.970.780

Hãi kháng sinh, chuyển hướng xanh cho chăn nuôi

Thứ Ba 14/12/2021 , 10:13 (GMT+7)

Ứng dụng khoa học và những trải nghiệm đã giúp anh Nguyễn Văn Ngữ (thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) tạo ra trang trại chăn nuôi sinh học, bền vững.

Từ những trăn trở với nghề, anh Nguyễn Văn Ngữ đã tạo ra phương thức chăn nuôi xanh an toàn, hiệu quả bền vững. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Từ những trăn trở với nghề, anh Nguyễn Văn Ngữ đã tạo ra phương thức chăn nuôi xanh an toàn, hiệu quả bền vững. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Trăn trở với nghề

Từ đề nghị của chúng tôi, cán bộ Chi cục Thú y tỉnh Thái Nguyên quyết định ngay việc lựa chọn, liên hệ để đưa đoàn đến thăm mô hình trang trại Hợp tác xã Chăn nuôi Xanh (tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn, thành phố Sông Công). Xe đỗ trong khuôn viên của một vườn cây ăn quả rợp bóng mát soi mình bên hồ nước trong xanh.

Ngôi biệt thự của gia đình được tô điểm cùng với những hàng lối hoa, cây cảnh, cây xanh hài hòa ngăn nắp. Không hề nhận ra những đặc điểm của trang trại chăn nuôi mà chúng tôi quen gặp. Chủ trang trại, anh Nguyễn Văn Ngữ (SN 1966) dáng người thấp đậm, mới gặp đã cho cảm nhận về một người hiền lành, lương thiện. Tiếp chúng tôi ngay tại sân vườn, dưới bóng mát và không khí trong lành từ vườn ổi, vườn bưởi sắp cho thu hoạch, không hề có mùi đặc trưng của những trang trại chăn nuôi thông thường. Anh Ngữ vào chuyện, để không gian được thoáng mát, trong lành ở khu vực chăn nuôi như thế thì anh đã mất nhiều công sức lắm.

Anh kể, từng làm nghề lái xe tải nhiều năm, năm 2003, anh mới chuyển sang chăn nuôi. Lúc ấy, chăn nuôi theo quy mô trang trại đang được nhiều người quan tâm đầu tư. Thời điểm vàng đã mang lại cho anh những thành công ban đầu. Nhưng chỉ vài năm sau, khi mà dịch bệnh không thể kiểm soát cộng với giá cả thị trường bấp bênh, nhiều lứa lợn xuất chuồng mà vợ chồng không buồn hạch toán lỗ. Cũng là thời điểm nở rộ các loại thức ăn chăn nuôi, các loại kháng sinh chống dịch cho lợn.

Đã vào nghề thì phải duy trì. Nhiều lúc, anh Ngữ giật mình khi gia đình mình dùng chính những sản phẩm thịt lợn do mình làm ra mà thấy hoảng sợ. Từ con lợn sữa đến choai rồi xuất bán, lợn ở trong chuồng ngày nào là ăn kháng sinh ngày nấy. Trăn trở về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm được người con trai của anh theo học tại Nhật Bản khuyên can, gợi mở. Sau rất nhiều trăn trở, học hỏi, trải nghiệm, anh quyết định chuyển hướng.

Chăn nuôi xanh

Ý tưởng về một trang trại chăn nuôi theo quy trình khép kín, chăn nuôi theo phương pháp sinh học nhằm tạo ra những sản phẩm thịt lợn hữu cơ, an toàn với người tiêu dùng của anh Ngữ đã được những chuyên gia của Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, cán bộ của Chi cục Thú y tỉnh Thái Nguyên tán đồng.

Nhờ áp dụng phương thức chăn nuôi xanh đã giúp các lứa lợn của anh Nguyễn Văn Ngữ luôn khỏe mạnh và không mắc bệnh dịch. Ảnh Đồng Văn Thưởng. 

Nhờ áp dụng phương thức chăn nuôi xanh đã giúp các lứa lợn của anh Nguyễn Văn Ngữ luôn khỏe mạnh và không mắc bệnh dịch. Ảnh Đồng Văn Thưởng. 

Tháng 7/2017, Hợp tác xã Chăn nuôi Xanh được thành lập. Chăn nuôi xanh mà anh Ngữ quan niệm là môi trường chăn nuôi, vật tư, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi đều phải an toàn. Trên cơ sở khuôn viên vốn đã được quy hoạch gọn gàng ngăn nắp, anh cho lắp đặt hệ thống dàn phun sương sát khuẩn từ cửa ra vào đến cửa trang trại.

Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, hệ thống chuồng trại của hợp tác xã được phân chia và tổ chức khoa học. Mỗi chuồng nuôi có diện tích 24m2, nuôi 18 - 20 con lợn trưởng thành và được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ sản xuất. Các chuồng nuôi của hợp tác xã có hệ thống vòi uống nước tự động cho lợn, máng cám inox chất lượng cao, hệ thống quạt máy, điều hòa không khí và có thảm sinh học (tùy từng thời điểm).

Trang trại có khu tập trung, xử lý chất thải riêng, bảo đảm không gây mùi, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi. Trong quá trình chăn nuôi, người lao động phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị, đồ bảo hộ (khẩu trang, găng tay, ủng…), vừa phục vụ cho quá trình sản xuất, vừa bảo đảm an toàn lao động.

Trải nghiệm từ những năm tháng chạy hàng, vận tải cám cho trang trại, anh Ngữ quyết định chế tạo, phối trộn ra một loại cám đặc trưng cho hợp tác xã. Theo đó, anh lặn lội lên tận Võ Nhai, Định Hóa, Bắc Cạn... để mua ngô hạt, đỗ tương, sắn... về dự trữ, quây lại thành từng cót như cót thóc cao vài mét. Từ nguyên liệu là ngô và cám gạo được nghiền và ủ men vi sinh, anh phối trộn theo tỷ lệ để đạt độ đạm cần thiết cho từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của lợn.

Cách anh tính độ đạm trong thức ăn rất đơn giản. Biết rằng, lượng đạm trọng khô đậu là 46%, ngô và cám gạo là 7%. Theo yêu cầu lợn sữa, anh cho ăn thức ăn có lượng đạm là 19%, lớn càng lớn thì lượng đạm càng giảm. Thời điểm hiện nay, mỗi bao 25kg thức ăn chăn nuôi công nghiệp hỗn hợp có giá 320.000 đồng thì anh Ngữ chỉ mất 260.000 đồng.

Đáng nói là chỉ số quy đổi thức ăn của anh Ngữ với thức ăn thị trường là tương đương nhau. Điều đó đã được minh chứng qua nhiều lứa lợn gần đây. Từ nguồn thức ăn xanh được phối trộn, ủ men vi sinh, toàn bộ phế phẩm thải ra cũng được xử lý thành nguyên liệu chăm bón rau xanh để tuần hoàn lại làm thức ăn xơ cho lợn.

Quyết định đặc biệt mà anh Ngữ mạnh mẽ thực hiện là dừng ngay việc trộn kháng sinh vào thức ăn cho lợn. Lợn non mới đẻ sau khi được tiêm vacxin sẽ được nuôi thành lợn thịt mà không sử dụng kháng sinh như hầu hết các trang trại vẫn thường làm. Anh Ngữ cho biết, anh không tự quyết định liều lĩnh như vậy được mà chính là nhờ các chuyên gia và yêu cầu tất yếu của sản xuất an toàn, bền vững. Lạ là lợn không kháng sinh lại có sức đề kháng rất tốt, không hay ốm bệnh, tự kháng được một số bệnh thông thường.

Mô hình nuôi lợn an toàn mang lại hiệu quả cao cho Hợp tác xã Chăn nuôi Xanh, sản lượng bình quân mỗi năm đưa ra thị trường gần 1.000 con lợn thương phẩm, mang lại lợi nhuận 600 triệu đồng/ năm. Hợp tác xã tạo việc làm cho 9 hộ thành viên, với doanh thu 50 - 300 triệu đồng/năm và 20 lao động với mức thu nhập 5 - 6  triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm thịt lợn của hợp tác xã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và Vật tư hàng hóa nông nghiệp (Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên) chứng nhận đạt chuẩn quy trình VietGAP từ tháng 10/2018.

Không muốn nói nhiều về hiệu quả kinh tế, anh Ngữ chỉ tâm đắc nhất một tư duy là việc tạo ra một quy trình an toàn sẽ cho phép hợp tác xã đầu tư sản xuất bất kể thời điểm nào. Anh tâm sự, khi giá thị trường lên cao thì người chăn nuôi chỉ một lứa có thể bù cho 2 - 3 lứa hiệu quả thấp. Vậy tại sao khi giá xuống thấp mình lại hắt hủi con vật nuôi? Vậy nên không cần quan tâm về giá cả thị trường, không cần chộp giật, đầu tư lúc nào với quy trình đảm bảo an toàn thì cũng sẽ tạo ra hiệu quả an toàn, bền vững.

Ông Nguyễn Văn Hải (Phó phòng chăn nuôi, Chi cục thú y tỉnh Thái Nguyên) cho biết, quy trình chăn nuôi sinh học của Hợp tác xã Chăn nuôi Xanh được ra đời tự sự mày mò, dám nghĩ dám làm của anh Nguyễn Văn Ngữ. Đó là mô hình khẳng định được hiệu quả hoạt động cũng như năng lực phát triển bền vững trong điều kiện có nhiều khó khăn tác động đến ngành chăn nuôi trong gia đoạn hiện nay.

Xem thêm
Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.