| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng đầu tư 125 tỷ đồng cho mỗi xã làm nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ Ba 13/06/2023 , 14:17 (GMT+7)

Giai đoạn đầu xây dựng NTM, mỗi xã được Thành phố đầu tư 18 đến 25 tỷ đồng thì khi làm NTM kiểu mẫu, bình quân mỗi xã được đầu tư 125 tỷ đồng.

Đường nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện An Lão. Ảnh: Đinh Mười.

Đường nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện An Lão. Ảnh: Đinh Mười.

Hội đồng thẩm định Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển bền vững thành phố Hải Phòng đã nhất trí thông qua việc xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2022 (đợt 3) đối với 17 xã trên địa bàn 4 huyện: An Lão, An Dương, Thủy Nguyên và Cát Hải.

Thành phố Hải Phòng đã phân bổ hơn 3.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cho các địa phương để thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu và 5,7 tỷ đồng vốn sự nghiệp (đợt 1) để thực hiện quản lý, vận hành hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM, năm 2023 thành phố Hải Phòng tập trung ưu tiên cho 35 xã hoàn thành NTM kiểu mẫu và 42 xã hoàn thành NTM nâng cao.

Về công tác thi công, 484 công trình thuộc 35 dự án thực hiện từ năm 2022, hiện khối lượng trung bình ước đạt 71%.

Người dân hiến đất mở đường giao thông nông thôn mới. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân hiến đất mở đường giao thông nông thôn mới. Ảnh: Đinh Mười.

Đối với 35 xã thực hiện từ năm 2023, có 4 xã (thuộc huyện An Dương) đã phê duyệt dự án, đang triển khai lập hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công các dự án; 27 xã (trong đó: 10 xã huyện Thủy Nguyên, 8 xã huyện Vĩnh Bảo, 5 xã huyện Tiên Lãng, 4 xã huyện Kiến Thụy) đang xin ý kiến thẩm định dự án của Sở Giao thông vận tải và 4 xã (thuộc huyện An Lão) đang triển khai lập dự án.

Các huyện đã giải ngân đạt 2.800 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Riêng năm 2023, các huyện giải ngân 411 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch vốn đầu tư công.

Có thể nói, triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu ở Hải Phòng bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện sống của người dân nông thôn là nhờ cách làm sáng tạo, linh hoạt và phù hợp.

Giao thông nội đồng được cứng hóa, tiện lợi cho vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Đinh Mười.

Giao thông nội đồng được cứng hóa, tiện lợi cho vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều địa phương khi đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm xây dựng NTM ở Hải Phòng đều đánh giá cao cách làm hiệu quả của thành phố.

Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu tạo nên phong trào sâu rộng, có sức lôi cuốn, nhận được sự đồng thuận ủng hộ cao từ người dân.

Nếu như giai đoạn đầu xây dựng NTM, mỗi xã được thành phố đầu tư từ 18 đến 25 tỷ đồng thì khi làm NTM kiểu mẫu, bình quân mỗi xã được thành phố đầu tư 125 tỷ đồng.

Với nguồn lực lớn này, các xã quyết liệt vào cuộc triển khai các công trình NTM kiểu mẫu theo các tiêu chí. Cùng với sự hỗ trợ của thành phố ở những khâu khó, người dân nông thôn cũng góp sức, chung tay cùng địa phương xây dựng NTM kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, việc triển khai Chương trình xây dựng NTM của Hải Phòng đang đi đúng hướng và được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trên toàn quốc trong việc huy động nguồn làm NTM.

Ngoài 17 xã đã được Hội đồng thẩm định công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu thì trên địa bàn TP Hải Phòng, 7 huyện của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.

Nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Đồng Thái, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Đồng Thái, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Theo ông Thọ, trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, xây dựng NTM được xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực; điều này được thể hiện qua việc thực hiện Chủ đề năm của thành phố Hải Phòng 2 năm liên tiếp đều có thành tố “Xây dựng NTM kiểu mẫu”, để khẳng định quyết tâm phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 thành phố sẽ có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.

Tuy nhiên, kết quả xây dựng công trình NTM kiểu mẫu tại các địa phương hiện nay chưa được như kỳ vọng, theo Phó Chủ tịch qua cuộc họp này những tồn tại, bất cập phải được kiểm tra rà soát, khắc phục.

Đối với các công trình kiểu mẫu được triển khai từ năm 2022, các địa phương phải quyết liệt, hoàn thành trong tháng 7/2023. Các công trình của 35 xã trong năm 2023, phải hoàn thành thủ tục chậm nhất trong tháng 9/2023.

Riêng Sở GTVT Hải Phòng cần có kế hoạch kiểm tra giám sát việc triển khai thi công dự án tại các địa phương. Lưu ý năng lực tư vấn giám sát của các chủ đầu tư, chất lượng công trình. 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.

Bình luận mới nhất