| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng hỗ trợ hết mình kết nối, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà

Thứ Ba 13/06/2023 , 16:03 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Hải Phòng sẽ phối hợp, hỗ trợ hết mình cho Hải Dương trong việc quảng bá, kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà trong vụ thu hoạch năm nay.

Ngày 12/6, Sở NN-PTNT Hải Phòng phối hợp với Sở NN-PTNT Hải Dương tổ chức sự kiện trưng bày, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà.

Đây là sự kiện thường niên nhằm tăng cường hoạt động kết nối tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) tiếp cận với khách hàng Thành phố Cảng và các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư trong và ngoài nước để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị của quả vải.

Sự kiện có sự tham dự của các đơn vị trực thuộc 2 đơn vị và các đại diện một số siêu thị ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Sự kiện có sự tham dự của các đơn vị trực thuộc 2 đơn vị và các đại diện một số siêu thị ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Mặt khác, thông qua hoạt động kết nối, quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế từ cây vải thiều, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, chất lượng cao với thương hiệu Sản phẩm Vải thiều Thanh Hà – Tinh hoa văn hóa xứ Đông.

Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, Hải Phòng và Hải Dương có vị trí địa lý giáp nhau, 2 địa phương thường xuyên trao đổi, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản.

Những sự kiện hợp tác, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm vải thiều giữa Hải Dương và Hải Phòng đã được tổ chức nhiều lần nhằm hỗ trợ người dân tỉnh Hải Dương tiêu thụ mặt hàng vải thiều. Thời gian tới, Sở NN-PTNT Hải Phòng sẽ hỗ trợ kết nối người trồng vải với hệ thống bán lẻ như siêu thị, các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn TP Hải Phòng.

Các địa phương, hệ thống cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, các siêu thị và ban quản lý chợ tại Hải Phòng cũng sẽ bố trí không gian, địa điểm phù hợp để các doanh nghiệp, thương lái kinh doanh vải thiều của tỉnh Hải Dương đưa hàng về bán trực tiếp.

Ông Nguyễn Ngọc Tuất (thứ 2 từ phải sang), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, sẽ hỗ trợ hết mức có thể để giúp nông dân Hải Dương tiêu thụ vải thiều trên Đất Cảng. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Ngọc Tuất (thứ 2 từ phải sang), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, sẽ hỗ trợ hết mức có thể để giúp nông dân Hải Dương tiêu thụ vải thiều trên Đất Cảng. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Tuất đề nghị các sở, ngành, UBND quận, huyện, trên địa bàn TP Hải Phòng cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn trong khai thác, vận chuyển, tiêu thụ trái cây, hàng nông sản của tỉnh Hải Dương.

Đồng thời, các sở, ngành có liên quan của tỉnh Hải Dương cũng cần chủ động, hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu để đưa vào kênh phân phối hiện đại cũng như hệ thống bán lẻ tại các chợ, siêu thị trên địa bàn TP Hải Phòng.

Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, năm 2023, toàn tỉnh Hải Dương có 8.880ha vải, tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Hà với khoảng 3.250ha và TP Chí Linh khoảng 3.400ha. 

Diện tích vải thiều sớm của Hải Dương chiếm khoảng 30% và 70% là vải thiều chính vụ. Hiện nay, trà vải sớm đã thu hoạch và tiêu thụ xong (từ ngày 15/5 – 5/6), trà vải chính vụ đang cho thu hoạch, thời gian từ khoảng 5/6 đến hết tháng 6/2023.

Cơ bản các diện tích sản xuất vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương được sản xuất theo quy trình an toàn. Trong đó, có có 52 vùng trồng với diện tích 610ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Những vùng sản xuất vải phục vụ xuất khẩu được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt nhằm đảm bảo các điều kiện của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở sở đóng gói vải phục vụ xuất khẩu cũng được tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm.

Bà Lương Thị Kiểm (bìa phải), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương giới thiệu về vải Thanh Hà tại sự kiện quảng bá, xúc tiến tiêu thụ tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Bà Lương Thị Kiểm (bìa phải), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương giới thiệu về vải Thanh Hà tại sự kiện quảng bá, xúc tiến tiêu thụ tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Đến nay, toàn tỉnh Hải Dương đã được cấp và duy trì 203 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc, Thái Lan. Có 13 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Newzeland, Hoa Kỳ và Thái Lan. Cơ bản, các mã số vùng trồng, cơ sở sở đóng gói vải của tỉnh đã đáp ứng nhu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Theo đánh giá sơ bộ, năm 2023, sản lượng vải của Hải Dương sẽ đạt khá so với mọi năm, trong đó chất lượng vải quả tăng lên, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, châu Âu, sản lượng xuất khẩu sang các thị trường này ước đạt khoảng 6.000 tấn.

Dự kiến năm 2023, sản lượng vải thiều Hải Dương tiêu thụ gần 50% trong nước, trên 50% xuất khẩu, trong đó 45% là xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia..., khoảng 10% xuất khẩu đi các thị trường cao cấp khó tính như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Australia...

Năm 2023 là năm đầu tiền sản phẩm vải thiều Thanh Hà được đưa lên suất ăn của các hãng hàng không. Đây là sự kiện quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải Thanh Hà đến với thực khách trong nước cũng như quốc tế. Việc mở thêm các thị trường tiêu thụ vải, nhất là thị trường cao cấp, khó tính từ những năm trước đã tạo tiền đề thuận lợi cho tiêu thụ năm nay.

Người dân tham gia sự kiện quét mã QR-Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân tham gia sự kiện quét mã QR-Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: Đinh Mười.

Tuy nhiên hiện nay, một số khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ vải thiều cho người dân cần được tháo gỡ như: Khoảng thời gian thu hoạch trà vải sớm và chính vụ năm nay gối nhau nên thời gian thu hoạch gấp, dồn nên ít nhiều ảnh hưởng đến tiêu thụ.

Quy định về đối tượng kiểm dịch thực vật, mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép trên quả vải của mỗi thị trường nhập khẩu khác nhau và luôn thay đổi. Biện pháp kỹ thuật để kéo dài thời gian chín của quả vải chưa có; công nghệ bảo quản, chế biến vải sau thu hoạch còn rất hạn chế nên thời vụ thu hoạch và tiêu thụ quả vải tươi vẫn rất áp lực...

“Vải thiều Thanh Hà có chất lượng tốt, có sự khác biệt với vải thiều của các địa phương khác. Với hương vị thơm ngon đặc biệt vải Thiều Thanh Hà Hải Dương đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Đến nay, Hải Dương đã thu hoạch được trên 40.000 tấn vải, trong đó xuất khẩu chiếm 16.000 tấn (thị trường Trung Quốc 13.000 tấn, thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, Úc… khoảng 3.000 tấn), còn lại là tiêu thụ trường trong nước”, bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương cho hay.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.