Thị trường đào, quất và cây cảnh dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhiều nơi ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tại Hải Phòng, hàng vạn cây đào, quất, cây cảnh bày bán tại các tuyến phố ế ẩm nhưng làng nghề trồng đào, cây cảnh ở xã Đặng Cương vẫn thắng lớn.
Ông Đặng Văn Ngọc, trồng đào cảnh tại thôn Tri Yếu, xã Đặng Cương cho hay, gia đình ông có hơn 100 gốc đào ghép để cho khách quen thuê dịp Tết Nguyên đán. Năm nay việc tiêu thụ hàng hóa với gia đình ông vẫn ổn định, từ 20 Tết đã hết hàng, thu về hơn 800 triệu đồng.
“Năm nay thời tiết thuận lợi nên đào nở hoa đúng dịp và đẹp, chỉ một số hộ trồng đào nhỏ để bán cho người dân thì gặp khó khăn, những hộ trồng đào ghép cổ thụ có đào đẹp cho các cơ quan, doanh nghiệp thuê thì đều ổn cả. Riêng nhà tôi chủ yếu là khách quen nên giá cả thị trường có thế nào thì bọn em cũng không thay đổi giá cả”, ông Ngọc cho biết.
Theo UBND xã Đặng Cương, địa phương có hơn 97 ha diện tích trồng đào, cây cảnh với khoảng 730 hộ nhân dân tham gia sản xuất, trong đó các thôn Dân Hạnh, thôn Tự Lập, thôn Hòa Nhất có diện tích, số hộ tham gia lớn và tập trung với trên 50 ha diện tích canh tác và 420 hộ.
Đào tại xã Đặng Cương chủ yếu được người dân thu mua gốc cổ thụ từ các tỉnh miền núi, sau đó ghép với đào phai hoặc đào bích, tạo hình dáng đẹp mắt và có thể ra hoa cả trước và sau Tết. Đào chủ yếu cho thuê, giao động từ 5 cho đến vài chục triệu đồng/gốc và thông thường, trước Tết gần 1 tháng, số lượng đào ghép đều được khách hàng thuê sạch.
“Năm nay dịch Covid-19 việc tiêu thụ hàng hóa của người dân có ảnh hưởng nhưng không đáng kể, cả xã có hơn 80% số lượng đào, cây cảnh được xuất bán dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, trừ một số hộ đào không đẹp, đào nhỏ còn tại vườn. Tổng nguồn thu của người dân từ đào và cây cảnh Tết này khoảng 60 tỷ đồng, tương đương năm ngoái”, ông Trương Văn Thiết – Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Cương cho biết.